Benh.vn https://benh.vn Thông tin sức khỏe, bệnh, thuốc cho cộng đồng. Wed, 23 Jan 2019 03:45:47 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.3 https://benh.vn/wp-content/uploads/2021/04/cropped-logo-benh-vn_-1-32x32.jpg Benh.vn https://benh.vn 32 32 AMBROXOL https://benh.vn/thuoc/ambroxol/ Tue, 07 Aug 2018 03:00:51 +0000 http://benh2.vn/thuoc/ambroxol/ Tên chung quốc tế: AMBROXOL Loại thuốc: Thuốc long đờm, tiêu chất nhầy. AMBROXOL là một dẫn chất chuyển hóa của Bromhexin, thuốc có tác dụng làm tiêu đờm nhờ phá vỡ cầu nối disulfid, đồng thời kích thích tạo nhày và các chất hoạt động bề mặt. Thuốc được dùng chủ yếu điều trị […]

Bài viết AMBROXOL đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Benh.vn.

]]>
Tên chung quốc tế: AMBROXOL

Loại thuốc: Thuốc long đờm, tiêu chất nhầy.


AMBROXOL là một dẫn chất chuyển hóa của Bromhexin, thuốc có tác dụng làm tiêu đờm nhờ phá vỡ cầu nối disulfid, đồng thời kích thích tạo nhày và các chất hoạt động bề mặt. Thuốc được dùng chủ yếu điều trị các bệnh hô hấp do rối loạn tiết đờm.

Dạng trình bày

AMBROXOL có các dạng bào chế sau đây: Viên nén, Viên nang, Viên bao phim, Viên ngậm, Si rô/ Dung dịch uống, Dung dịch tiêm, Khí dung.

Ambroxol thuộc danh mục thuốc không kê đơn

Thành phần

Các dạng bào chế chủ yếu chứa ambroxol ở dạng muối hydroclorid.

  • Cho 1 viên nén: 30 mg. Thường có vỉ 10 viên.
  • Cho 1 lọ dung dịch uống : 30 mg/5 ml hoặc 15 mg/5 ml. Thường có thể tích 50 và 100 ml.
  • Cho 1 lọ dung dịch tiêm: 15 mg/2 ml. Thường ở dạng ống riêng lẻ cho 1 liều. Cho khí dung: 15 mg/2 ml

Dược lực học

AMBROXOL là một chất chuyển hóa của bromhexin, có tác dụng và công dụng như bromhexin. Tuy nhiên cơ chế tác dụng chưa thực sự được làm rõ. Một số giả thuyết được đưa ra dựa trên các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng như sau:

– Ambroxol có khả năng phân giải acid mucopolysaccharide bằng việc phá vỡ các liên kết disulfid, từ đó làm “vỡ” các mảnh đờm lớn, kết hợp với việc tăng tiết dịch nhày làm đờm loãng ra, giảm độ dính, giúp người bệnh dễ khạc đờm ra ngoài.

– Ambroxol có vai trò ức chế việc giải phóng NO, dẫn tới làm giảm sự hoạt hóa của enzym guanylate cyclase cũng như sự tích lũy cGMP. Kết quả làm giảm tiết dịch nhầy, làm giảm độ dính của đờm và cải thiện khả năng tự làm sạch của các vi nhung mao đường hô hấp.

– Ambroxol có khả năng làm tăng tiết dịch đường hô hấp. Nó còn giúp cải thiện sự hình thành các chất hoạt động bề mặt và kích thích hoạt động của các vi nhung mao trong đường hô hấp. Kết quả là làm tăng lưu lượng dịch nhày và tăng thải dịch nhày (mucociliary clearance). Việc cải thiện mức độ thải dịch nhày này được ghi nhận trong các nghiên cứu lâm sàng. Sự tăng tiết dịch và tăng mức độ thải dịch nhày giúp cho bệnh nhân dễ khạc đờm hơn, đồng thời giảm các triệu chứng ho.

Nghiên cứu lâm sàng

Nghiên cứu lâm sàng trên các bệnh nhân COPD nhẹ và trung bình, một liệu trình điều trị kéo dài (6 tháng) làm giảm đáng kể mức độ của các cơn cấp chỉ trong vòng 2 tháng điều trị. Các bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và thời gian sử dụng kháng sinh cũng được rút ngắn. Điều trị bằng Ambroxol cũng cái thiện đáng kể các triệu chứng (khó khạc đờm, ho, khó thở, các dấu hiệu nghe phổi khác) so với placebo.

Nghiên cứu lâm sàng trên các bệnh nhân viêm họng cho thấy tác dụng giảm các cơn đau họng của Ambroxol. Tác dụng giảm đau của Ambroxol có thể là nhờ khả năng gây tê cục bộ. Tác dụng gây tê cục bộ này đã được ghi nhận trong các thử nghiệm trên mắt thỏ từ những năm 1970, và các công trình nghiên cứu mới kết luận là do khả năng chẹn kênh ion Natri.

Các thử nghiệm in vitro cho thấy Ambroxol có khả năng chẹn kênh ion Natri với kiểu cạnh tranh có thuận nghịch và phụ thuộc vào nồng độ. Tác dụng giảm đau này được áp dụng nhiều cho các cơn đau do viêm họng cấp, với tác dụng nhanh và kéo dài lên tới 3 giờ. Ngoài ra Ambroxol còn được ghi nhận làm giảm sự sưng đỏ của họng do đặc tính kháng viêm của thuốc.

Các nghiên cứu in vitro cho thấy sự sụt giảm đáng kể lượng cytokin do các bạch cầu đơn nhân và đa nhân tiết ra, cũng như lượng cytokin trong máu. Sau khi sử dụng Ambroxol, có sự tăng nồng độ của các kháng sinh (amoxicilline, cefuroxime, erythromycin) trong dịch tiết phế quản-phổi và trong đờm. Khí dung ambroxol cũng có tác dụng tốt đối với người bệnh ứ protein phế nang.

Dược động học

Hấp thu

– Tất cả các dạng bào chế giải phóng nhanh dùng đường uống của Ambroxol đều hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn, liều tăng tuyến tính trong khoảng điều trị. Nồng độ thuốc trong huyết tương đạt tối đa sau 1 tới 2.5 giờ với các dạng giải phóng nhanh đường uống và sau 6.5 giờ với các dạng giải phóng kéo dài. Sinh khả dụng tuyệt đối của viên nén 30 mg là 79%. Viên nang giải phóng chậm có sinh khả dụng tương đối bằng 95% so với liều 60 mg (30 mg, ngày 2 lần) của viên nén giải phóng nhanh.

Phân bố

– Trong khoảng điều trị, tỉ lệ liên kết protein huyết tương là xấp xỉ 90%. Ambroxol khuếch tán từ máu vào các mô nhanh và dễ dàng, nồng độ hoạt chất đạt cao nhất ở phổi. Thể tích phân bố khi dùng đường uống ước tính là 552 L.

Chuyển hóa và thải trừ

– Khoảng 30% liều dùng đường uống bị mất qua chuyển hóa bước một ở gan. Ambroxol được chuyển hóa chủ yếu qua enzym CYP3A4 ở gan. Tại đây, Ambroxol hầu hết được liên hợp với acid glucoronic hoặc cắt bỏ một số mảnh từ acid dibromanthranilic (xấp xỉ 10% liều) bên cạnh một số chuyển hóa khác . Ambroxol được thải trừ với thời gian bán thải ước tính là 7-12 giờ. Độ thanh thải toàn phần là 660 mL/phút, trong đó Ambroxol thải trừ chủ yếu qua thận (83% thanh thải toàn phần).

Đối tượng đặc biệt: Ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan, Ambroxol thải trừ chậm hơn, nồng độ thuốc trong huyết tương thường tăng gấp 1,3 – 2 lần mức bình thường. Do Ambroxol có khoảng điều trị rộng nên không yêu cầu điều chỉnh liều trong các trường hợp này. Khác -Tuổi và giới tính không ảnh hưởng nhiều tới các thông số dược động học của thuốc, không yêu cầu điều chỉnh liều trên các thay đổi này. Sinh khả dụng của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Chỉ định

Thuốc có tác dụng tiêu chất nhầy đường hô hấp, chỉ định trong các trường hợp:

– Các bệnh cấp và mạn tính ở đường hô hấp có kèm tăng tiết dịch phế quản bất thường. VD:

  • Viêm khí – phế quản.
  • Tràn khí phổi kèm theo viêm phế quản.
  • Đợt cấp của viêm phế quản mạn.
  • Hen phế quản.
  • Giãn phế quản.
  • Viêm phế quản dạng hen.

– Các trường hợp sau mổ và cấp cứu để phòng các biến chứng ở phổi.

Chống chỉ định

Chưa có chống chỉ định tuyệt đối nào, tuy nhiên cần thận trọng với các đối tượng sau:

  • Người có tiền sử quá mẫn với ambroxol.
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển hay có các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa khác.

Liều dùng & Cách dùng

Dạng thuốc uống: Nên uống cùng với thức ăn hoặc ngay sau bữa ăn.

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 30 mg/lần, tối đa 120mg (4 viên)/ ngày, chia làm 2 – 3 lần.
  • Trẻ em 6 – 12 tuổi: 15 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.
  • Trẻ em 2 – 5 tuổi : 7,5 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: 7.5 mg/lần, ngày 2 lần.

Dạng tiêm bắp hoặc tĩnh mạch:

  • Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 15 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.
  • Trẻ em 6 – 12 tuổi: 7,5 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.

Dạng khí dung:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 15 mg/lần, ngày 1 – 2 lần.
  • Trẻ em 6 – 12 tuổi: 7,5 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.

Thận trọng

Cần chú ý với người bị loét đường tiêu hóa và các trường hợp ho ra máu, vì AMBROXOL có thể làm tan các cục fibrin và làm xuất huyết trở lại.

Thời kỳ mang thai:

  • Ambroxol có thể đi qua hàng rào nhau thai.
  • Chưa có ghi nhận lâm sàng về tác dụng bất lợi trực tiếp hay gián tiếp lên thai nhi cũng như sự phát triển của trẻ khi dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên cần thận trọng,nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Thời kỳ cho con bú:

  • Ambroxol có tiết theo sữa mẹ.
  • Chưa có ghi nhận lâm sàng về tác dụng bất lợi trực tiếp hay gián tiếp khi dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên cần thận trọng trong thời kì cho con bú.

Tương tác thuốc

Chưa có báo cáo về tương tác bất lợi với các thuốc khác trên lâm sàng.

Các nghiên cứu in vitro cho thấy sự sụt giảm đáng kể lượng cytokin do các bạch cầu đơn nhân và đa nhân tiết ra, cũng như lượng cytokin trong máu.

Sau khi sử dụng Ambroxol, có sự tăng nồng độ của các kháng sinh (amoxicilline, cefuroxime, erythromycin) trong dịch tiết phế quản-phổi và trong đờm. Khí dung ambroxol cũng có tác dụng tốt đối với người bệnh ứ protein phế nang.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR > 1/100: Một số tai biến nhẹ trên đường tiêu hóa, chủ yếu sau khi tiêm như ợ nóng, khó tiêu, đôi khi buồn nôn, nôn.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100: Dị ứng, chủ yếu phát ban, nổi mẩn, ngứa.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000: Phản ứng kiểu phản vệ cấp tính nặng như phản ứng hoại tử da, hội chứng Stevens-Johnsons, các triệu chứng viêm tấy, nổi ban.

Quá liều và xử trí

Chưa có triệu chứng quá liều trên người. Nếu xảy ra, cần điều trị triệu chứng.

Bảo quản trong lọ kín, ở nhiệt độ phòng không quá 30 độ.

Giữ xa tầm tay trẻ em.

Benh.vn

Bài viết AMBROXOL đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Benh.vn.

]]>