Benh.vn https://benh.vn Thông tin sức khỏe, bệnh, thuốc cho cộng đồng. Sun, 05 Nov 2023 10:22:17 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.3 https://benh.vn/wp-content/uploads/2021/04/cropped-logo-benh-vn_-1-32x32.jpg Benh.vn https://benh.vn 32 32 Cefpodoxim – Orelox, Zenodem, Tohan, Taxetil, Santefil, Rovanten, … https://benh.vn/thuoc/cefpodoxim-orelox-zenodem-tohan-taxetil-santefil-rovanten/ https://benh.vn/thuoc/cefpodoxim-orelox-zenodem-tohan-taxetil-santefil-rovanten/#respond Thu, 28 Feb 2019 10:13:57 +0000 https://benh.vn/?post_type=thuoc&p=56452 Cefpodoxim proxetil là một kháng sinh cephalosporin thế hệ ba đường uống với hoạt phổ mở rộng trên cả vi khuẩn Gram (+) và Gram (-). Thuốc thường được chỉ định để điều trị nhiều nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm khuẩn tiết niệu không biến chứng, nhiễm khuẩn da, … Dạng […]

Bài viết Cefpodoxim – Orelox, Zenodem, Tohan, Taxetil, Santefil, Rovanten, … đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Benh.vn.

]]>
Cefpodoxim proxetil là một kháng sinh cephalosporin thế hệ ba đường uống với hoạt phổ mở rộng trên cả vi khuẩn Gram (+) và Gram (-). Thuốc thường được chỉ định để điều trị nhiều nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm khuẩn tiết niệu không biến chứng, nhiễm khuẩn da, …

Dạng trình bày

Thuốc được bào chế dưới dạng:

– Viên nén.

– Cốm pha hỗn dịch.

Dạng đăng ký

Thuốc kê đơn

Thành phần

– Viên nén:

+ Hàm lượng 100 mg: mỗi viên có chứa 130.45 mg cefpodoxim proxetil (tương đương 100 mg cefpodoxim).

+ Hàm lượng 200 mg: mỗi viên có chứa 260.90 mg cefpodoxim proxetil (tương đương 200 mg cefpodoxim).

+ Ngoài ra, trong viên nén còn chứa tá dược lactose monohydrat và phẩm màu E110.

– Cốm pha hỗn dịch/Hỗn dịch:

+ Mỗi 5 mL hỗn dịch chứa 50.18 mg cefpodoxim proxteil (tương đương 40 mg cefpodoxim).

+ Ngoài ra, trong cốm/hỗn dịch còn chứa tá dược lactose monohydrat và đường sucrose.

Dược lực học

* Cơ chế tác dụng:

Cefpodoxim ức chế sự tổng hợp vách tế bào thông qua việc gắn vào protein gắn penicillin (PBP). Điều này dẫn tới gián đoạn quá trình tổng hợp peptidoglycan cấu thành vách tế bào, khiến cho tế bào vi khuẩn ly giải và chết.

* Mối liên hệ PK/PD:

– Cefpodoxim, giống các cephlosporin khác, có hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thời gian mà nồng độ thuốc tự do lớn hơn nồng độ ức chế tối thiểu (MIC), thường đánh giá bằng %T>MIC.

* Cơ chế kháng thuốc:

– Thay đổi tính thấm vách tế bào vi khuẩn Gr (-).

– Thay đổi cấu trúc protein gắn penicillin (PBP).

– Tiết beta-lactamase.

– Hình thành bơm tống thuốc.

* Mức độ nhạy cảm:

> Các chủng nhạy cảm:

– Vi khuẩn Gr (+), hiếu khí:

+ Staphylococcus aureus (bao gồm các chủng tiết penicillinase và còn nhạy với methicillin,).

+ Streptococcus pyogenes.

– Vi khuẩn Gr (-), hiếu khí:

+ Haemophilus influenzae.

+ Moraxella catarrhalis.

+ Proteus mirabilis (***).

+ Neisseria gonorrhoeae.

> Các chủng có thể xuất hiện đề kháng thu được:

– Vi khuẩn Gr (+), hiếu khí:

+ Streptococcus pneumoniae.

– Vi khuẩn Gr (-), hiếu khí:

+ Citrobacter freundi (*).

+ Enterobacter cloacae (*).

+ Escherichia coli (***).

+ Klebsiella pneumoniae (***).

+ Serratia marcescens (*).

>Các chủng đề kháng tự nhiên:

– Vi khuẩn Gr(+), hiếu khí:

+ Enterococcus spp.

+ Staphylococcus aureus (kháng methicillin).

– Vi khuẩn Gr (-), hiếu khí:

+ Morganella morganii.

+ Pseudomonas aeruginosa.

– Vi khuẩn khác:

+ Chlamydia spp.

+ Chlamydophila spp.

+ Legionella pneumophila.

+ Mycoplasma spp.

(*): nhạy cảm trung gian tự nhiên.

(***): nếu chủng có sinh ESBL thì luôn kháng cefpodoxim.

Dược động học

* Hấp thu:

– Cefpodoxim được hấp thu ở dạng ester cefpodoxim proxetil.

– Dạng ester của thuốc có sinh khả dụng khoảng 50%. Sinh khả dụng tăng lên khi dùng thuốc kèm thức ăn.

* Phân bố:

– Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 2-3 giờ. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được là 1.2 mg/L và 2.5 mg/L tương ứng với liều 100 mg và 200 mg

– Thuốc có thể tích phân bố khoảng 32.3 L.

– Tỉ lệ liên kết với protein huyết tương khoảng 40% (chủ yếu với albumin).

– Nồng độ cefpodoxim phân bố vào nhu mô phổi, niêm mạc phế quản, dịch khớp, dịch gian bào và mô tuyến tiền liệt đạt trên nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) cho các vi khuẩn thường gặp.

* Chuyển hóa:

– Thuốc bị chuyển hóa từ dạng ester proxetil thành dạng cefpodoxim.

– Dạng cefpodoxim hầu như không bị chuyển hóa.

* Thải trừ:

– Thuốc thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng cefpodoxim nguyên vẹn (khoảng 80% liều).

– Thuốc có thời gian bán thải khoảng 2.4 giờ. Thời gian này tăng lên ở các bệnh nhân suy giảm chức năng thận (3.5-9.8 giờ).

– Thuốc có thể bị loại trừ ra khỏi máu bằng thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc.

Chỉ định

Cefpodoxim được chỉ định để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm(xem thêm ở phần dược lực học):

– Các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên:

+ Viêm xoang hàm trên cấp do nhiễm khuẩn Haemophilus influenzae(bao gồm cả chủng sinh betalactamase), S. pneumoniae, và Moraxella catarrhalis..

+ Viêm amidan [chỉ đối với viên 100 mg] hoặc viêm họng do Streptococcus pyogenes.

+ Viêm tai giữa do Streptococcus pneumoniae (trừ chủng kháng penicillin), S.pyogenes, H. influenzae (bao gồm cả chủng sinh betalactamase) hoặc Moraxella catarrhalis(bao gồm cả chủng sinh betalactamase).

– Các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới:

+ Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính do S. pneumoniae, H. influenzae (chỉ các chủng không sinh betalactamase) hoặc M. catarrhalis.

+ Viêm phổi do nhiễm khuẩn: bao gồm viêm phổi mắc phải ở cộng đồng do S.pneumoniae hoặc H.influenzae (bao gồm cả chủng sinh betalactamase).

Nhiễm khuẩn khác

– Nhiễm khuẩn niệu đạo và tử cung không biến chứng do bệnh lậu cấp gây ra bởi Neisseria gonorrhoeae (bao gồm cả chủng sinh penicillinase).

– Nhiễm khuẩn đường niệu không biến chứng (viêm bàng quang) gây ra do Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, hoặc Staphylococcus saprophyticus.

– Nhiễm khuẩn hậu môn-trực tràng ở phụ nữ do N. gonorrhoeae (bao gồm cả chủng sinh penicillinase).

– Nhiễm khuẩn da và các tổ chức da không biến chứng gây ra do Staphylococcus aureus (bao gồm cả chủng sinh penicillinase) hoặc S. pyogenes. Cần rút dịch áp-xe nếu có.

* Không có thông tin đầy đủ về hiệu quả phòng ngừa thấp tim do liên cầu của Cefpodoxim proxetil.

* Không có thông tin đầy đủ về hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn trực tràng ở nam giới của Cefpodoxim proxetil.

* Cần cân nhắc việc sử dụng cefpodoxim dựa trên mức độ nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh để giảm nguy cơ kháng thuốc.

Chống chỉ định

Cefpodoxim được chống chỉ định cho các trường hợp:

– Quá mẫn với cefpodoxim, các cephalosporin khác hoặc với bất cứ tá dược nào.

– Có tiền sử bị phản ứng quá mẫn (sốc phản vệ) sau khi sử dụng penicillin hoặc bất cứ kháng sinh beta-lactam nào

Liều dùng và cách dùng

> Liều dùng:

* Người lớn và trẻ vị thành niên có chức năng thận bình thường:

– Ðể điều trị đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn hoặc viêm phổi cấp tính thể nhẹ đến vừa mắc phải của cộng đồng, liều thường dùng của cefpodoxim là 200 mg/lần, cứ 12 giờ một lần, trong 10 hoặc 14 ngày tương ứng.

– Ðối với viêm họng và/hoặc viêm amidan thể nhẹ đến vừa hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ hoặc vừa chưa biến chứng liều cefpodoxim là 100 mg mỗi 12 giờ, trong 5 – 10 ngày hoặc 7 ngày tương ứng.

– Ðối với các nhiễm khuẩn da và các tổ chức da thể nhẹ và vừa chưa biến chứng, liều thường dùng là 400 mg mỗi 12 giờ, trong 7 – 14 ngày.

– Ðể điều trị bệnh lậu niệu đạo chưa biến chứng ở nam, nữ và các bệnh lậu hậu môn – trực tràng và nội mạc cổ tử cung ở phụ nữ: Dùng 1 liều duy nhất 200 mg cefpodoxim, tiếp theo là điều trị bằng doxycyclin uống để đề phòng có cả nhiễm Chlamydia.

*Trẻ em:

– Ðể điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em từ 5 tháng đến 12 năm tuổi, dùng liều 5 mg/kg (tối đa 200 mg) cefpodoxim mỗi 12 giờ, hoặc 10 mg/kg (tối đa 400 mg) ngày một lần, trong 10 ngày.

* Người cao tuổi:

Không cần hiệu chỉnh liều nếu chức năng thận bình thường.

Người có bệnh mắc kèm

* Bệnh nhân suy gan: không cần hiệu chỉnh liều.

* Bệnh nhân suy thận: hiệu chỉnh liều tương ứng với chức năng thận của bệnh nhân nếu thanh thải creatinin xuống dưới 40 mL/phút.

– 39-10 mL/phút: 1 liều đơn mỗi 24 giờ (nửa liều bình thường).

– <10 mL/phút: 1 liều đơn mỗi 48 giờ (1/4 liều bình thường).

–  Bệnh nhân lọc máu, chạy thận nhân tạo: 1 liều đơn sau mỗi lần lọc máu.

– 1 liều đơn ở đây là liều tương ứng với loại nhiễm khuẩn.

> Cách dùng:

– Đối với viên nén: uống thuốc kèm với nước sau khi ăn để tối ưu hóa hấp thu, không nên uống thuốc lúc đói.

– Đối với cốm pha hỗn dịch:

+ Lắc đều lọ đựng cốm để làm tơi.

+ Thêm nước tới nửa vạch 100 mL và lắc mạnh.

+ Thêm nước tới đủ vạch 100 mL và lắc kĩ tới khi thu được hỗn dịch đồng nhất.

+ Có thể uống trước hoặc sau bữa ăn.

Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng

* Về phổ tác dụng và chỉ định:

– Cefpodoxim ít được chỉ định cho viêm phổi do tụ cầu (Staphylococcus spp) và không được chỉ định để điều trị viêm phổi không điển hình gây ra do Legionella, Mycoplasma, Chlamydia.

– Cefpodoxim cũng không được khuyến khích chỉ định cho viêm phổi do phế cầu (S.pneumoniae).

* Về nguy cơ quá mẫn:

– Cefpodoxim cũng giống như các kháng sinh beta-lactam khác có nguy cơ gây các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng và đôi khi dẫn tới tử vong. Trong trường hợp xảy ra quá mẫn, cần lập tức dừng sử dụng cefpodoxim và thực hiện các can thiệp thích hợp.

– Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefpodoxim, cần tìm hiểu về tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn của bệnh nhân với cefpodoxim, các cephalosporin khác hoặc với bất cứ beta-lactam nào.

– Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với beta-lactam khác nhưng không nghiêm trọng, có thể sử dụng cefpodoxim nhưng cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.

– Luôn thận trọng khi kê cefpodoxim cho bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm.

*Về chức năng thận của bệnh nhân:

– Trong trường hợp bệnh nhân suy thận nặng, cần hiệu chỉnh liều cho phù hợp với mức thanh thải creatinin của bệnh nhân.

– Việc sử dụng đồng thời cefpodoxim với các thuốc gây độc tính trên thận khác (VD: aminoglycosid, thuốc lợi tiểu) có thể làm thay đổi chức năng thận của bệnh nhân.

* Về nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội:

– Cefpodoxim cũng giống như các kháng sinh khác có nguy cơ gây nên viêm đại tràng và viêm đại tràng giả mạc, với mức độ nặng hoặc thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân, dừng sử dụng cefpodoxim ngay khi có triệu chứng tiêu chảy và cân nhắc các liệu pháp điều trị đặc hiệu cho Clostridium difficile. Không nên sử dụng các thuốc gây giảm nhu động ruột trong trường hợp này.

– Luôn thận trọng khi kê cefpodoxim cho bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, nhất là viêm đại tràng.

– Ngoài ra, khi sử dụng kéo dài cefpodoxim cũng có nguy cơ nhiễm nấm cơ hội như Candida. Khi đó, cần cân nhắc dừng thuốc.

* Về nguy cơ giảm bạch cầu:

– Cefpodoxim cũng giống như các beta-lactam khác có nguy cơ gây giảm bạch cầu trung tính, và thậm chí đôi khi gây ra mất bạch cầu hạt, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài. Với các trường hợp điều trị trên 10 ngày, cần theo dõi chỉ số máu và dừng thuốc nếu thấy có giảm bạch cầu.

* Về tá dược trong thuốc:

– Thuốc có chứa tá dược lactose nên bệnh nhân có bệnh di truyền như không dung nạp lacotse, thiếu enzym Lapp lactase hay kém hấp thu glucose-galactose cần tránh sử dụng thuốc này.

– Tá dược màu (E110) trong thuốc có thể gây phản ứng dị ứng.

* Về tác động tới các kết quả xét nghiệm:

– Cefpodoxim có thể gây dương tính giả khi xét nghiệm glucose trong nước tiểu (khi thực hiện với thuốc thử Benedict, thuốc thử Fehling hoặc muối đồng sulfat, nhưng không có hiện tượng này nếu thử bằng xét nghiệm với enzym glucose oxidase).

– Cefpodoxim có thể gây dương tính giả trong xét nghiệm Coomb.

* Về khả năng vận hành máy móc và lái xe:

+ Cefpodoxim được ghi nhận là có gây buồn ngủ và có thể ảnh hưởng tới khả năng vận hành máy móc và lái xe.

* Đối tượng đặc biệt:

– Phụ nữ có thai:

+ Không có đầy đủ thông tin về việc sử dụng cefpodoxim trên phụ nữ có thai. Những nghiên cứu trên động vật không có thấy bằng chứng có độc tính trên sinh sản.

+ Có thể cân nhắc sử dụng cefpodoxim cho phụ nữ có thai nếu lợi ích vượt trội nguy cơ.

– Phụ nữ cho con bú:

+ Cefpodoxim có khả năng tiết vào sữa mẹ với một lượng nhỏ. Mặc dù nồng độ thấp, nhưng vẫn có 3 vấn đề sẽ xảy ra đối với trẻ em bú sữa có cefpodoxim: rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, tác dụng trực tiếp đến cơ thể trẻ và kết quả nuôi cấy vi khuẩn sẽ sai, nếu phải làm kháng sinh đồ khi có sốt.

+ Có thể sử dụng cefpodoxim trong thời kì cho con bú nếu người mẹ cần, tuy nhiên cần cân nhắc dừng sử dụng nếu thấy dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy hoặc nhiễm nấm niêm mạc.

+ Có nguy cơ gây nhạy cảm trên trẻ.

Tương tác thuốc

Không ghi nhận tương tác thuốc nghiêm trọng nào trong các nghiên cứu lâm sàng.

– Các thuốc kháng histamin H2 và antacid có thể làm giảm sinh khả dụng của cefpodoxim.

+ Các nghiên cứu cho thấy sinh khả dụng của cefpodoxim có thể giảm tới 30% khi sử dụng chung với một thuốc có khả năng trung hòa hoặc ức chế tiết acid dịch vị.

+ Cần dùng các thuốc này cách 2-3 giờ so với thời điểm dùng cefpodoxim.

– Probenecid có thể làm giảm bài tiết của cefpodoxim.

– Cefpodoxim có thể làm tăng tác dụng chống đông của warfarin, coumarin và các dẫn xuất.

+ Cần theo dõi INR nếu có sử dụng đồng thời cefpodoxim với các thuốc chống đông đường uống.

– Cefpodoxim có thể làm giảm tác dụng tránh thai của oestrogen.

Tác dụng ngoài ý

Tần suất của các tác dụng ngoại ý được chia thành: Rất thường gặp (>1/10), Thường gặp (1/100-1/10), Ít gặp (1/1000-1/100), Hiếm gặp (1/10000-1/1000), Rất hiếm gặp (<1/10000), Không rõ (không ước tính được từ dữ liệu hiện có).

* Hệ máu và bạch huyết:

– Hiếm gặp: giảm hemoglobin, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính và bạch cầu ưa acid.

– Rất hiếm gặp: thiếu máu tan máu.

* Hệ thần kinh:

– Ít gặp: đau đầu, dị cảm, chóng mặt.

* Tai:

– Ít gặp: ù tai.

* Hệ tiêu hóa:

– Thường gặp: chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy (có thể tiêu chảy lẫn máu trong trường hợp có các nhiễm khuẩn ruột như viêm đại tràng giả mạc).

* Hệ miễn dịch:

– Rất hiếm gặp: sốc phản vệ, co thắt phế quản, ngứa, phù mạch.

* Thận-tiết niệu:

– Rất hiếm gặp: tăng nhẹ ure và creatinin máu.

* Gan-mật:

– Hiếm gặp: tăng men gan.

– Rất hiếm gặp: tổn thương gan.

* Da-niêm mạc:

– Ít gặp: phản ứng dị ứng trên da, nổi mẩn, ngứa, phát ban.

– Rất hiếm gặp: hội chứng Steven-Johnson, tiêu thượng bì nhiễm độc và hồng ban đa dạng.

* Toàn thân:

– Ít gặp: mệt mỏi, suy yếu.

Quá liều

Không có đầy đủ thông tin về trường hợp quá liều cefpodxoxim.

Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân. Có thể thẩm phân máu, thẩm phân phúc mạc để giảm nồng độ thuốc trong máu (đặc biệt là ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận).

* Các triệu chứng có thể gặp do quá liều beta-lactam: buồn nôn, nôn, đau thượng vị, tiêu chảy.

Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 độ C.

Bảo quản trong bao bì tránh ánh sáng trực tiếp.

Bài viết Cefpodoxim – Orelox, Zenodem, Tohan, Taxetil, Santefil, Rovanten, … đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Benh.vn.

]]>
https://benh.vn/thuoc/cefpodoxim-orelox-zenodem-tohan-taxetil-santefil-rovanten/feed/ 0