Benh.vn https://benh.vn Thông tin sức khỏe, bệnh, thuốc cho cộng đồng. Mon, 09 Oct 2023 08:18:05 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.3 https://benh.vn/wp-content/uploads/2021/04/cropped-logo-benh-vn_-1-32x32.jpg Benh.vn https://benh.vn 32 32 INTERFERON BETA https://benh.vn/thuoc/interferon-beta/ Tue, 23 Feb 2016 03:03:03 +0000 http://benh2.vn/thuoc/interferon-beta/ Mô tả thuốc Interferon beta được chỉ định để giảm tần số và mức độ nặng của các lần tái phát lâm sàng. Interferon beta thể hiện tác dụng sinh học bằng cách gắn vào những thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của các tế bào người. Sự gắn kết này khởi động cho […]

Bài viết INTERFERON BETA đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Benh.vn.

]]>
Mô tả thuốc

Interferon beta được chỉ định để giảm tần số và mức độ nặng của các lần tái phát lâm sàng. Interferon beta thể hiện tác dụng sinh học bằng cách gắn vào những thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của các tế bào người.

Sự gắn kết này khởi động cho một loạt sự kiện phức tạp trong tế bào dẫn đến thể hiện nhiều sản phẩm gen và chất chỉ thị do interferon gây nên. Những chất này được coi là những chất trung gian của các tác dụng sinh học của interferon beta.

Dạng trình bày

Interferon beta – 1a bột để pha tiêm: Lọ 33 microgam (6,6 triệu đơn vị quốc tế) kèm theo dung dịch để pha tiêm bắp.

Interferon beta – 1b, bột để pha tiêm: Lọ 300 micro-gam (9,6 triệu đơn vị quốc tế) kèm theo dung dịch để pha tiêm dưới da.

Dạng đăng kí

Thuốc kê đơn

Thành phần

Interferon beta

Dược lực học

Interferon beta thể hiện tác dụng sinh học bằng cách gắn vào những thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của các tế bào người. Sự gắn kết này khởi động cho một loạt sự kiện phức tạp trong tế bào dẫn đến thể hiện nhiều sản phẩm gen và chất chỉ thị do interferon gây nên. Những chất này được coi là những chất trung gian của các tác dụng sinh học của interferon beta.

Chỉ định

Interferon beta – 1a: Ðiều trị dạng tái phát của bệnh xơ cứng rải rác, để làm chậm tàn phế thêm và làm giảm số lần nặng lên của bệnh.

Interferon beta – 1b: Ðược chỉ định để làm giảm số lần bệnh nặng lên ở người bệnh ngoại trú xơ cứng rải rác thuyên giảm có tái phát.

Chống chỉ định

Quá mẫn với các loại interferon tự nhiên và tái tổ hợp; quá mẫn với albumin huyết thanh người hoặc các thành phần khác của chế phẩm.

Có thai.

Người bệnh trầm cảm nặng và/hoặc có ý định tự vẫn; người bệnh có tiền sử động kinh mà không thể điều trị và kiểm soát được một cách chặt chẽ.

Liều và cách dùng

Liều dùng

Liều khuyến cáo phụ thuộc vào loại interferon beta – 1a hay 1b. Liều và đường tiêm bắp hay dưới da rất khác nhau. Cần phải đọc các thông tin hướng dẫn sử dụng có trong hộp thuốc.

Ðối với interferon beta – 1a liều khuyến cáo để điều trị bệnh xơ cứng rải rác ở thời kỳ bệnh kịch phát là dùng liều 30 microgam (1 ml dung dịch), tiêm bắp mỗi tuần một lần.

Ðối với interferon beta – 1b, tiêm dưới da, với liều 0,25 mg (1 ml dung dịch), cách 1 ngày tiêm 1 lần.

Ðiều trị chỉ nên được chỉ định bởi các nhà thần kinh học có kinh nghiệm lâu năm về bệnh này. Ðối với interferon beta – 1a, sự an toàn và hiệu quả của các liều khác với liều 30 microgam tiêm bắp mỗi tuần một lần chưa được nghiên cứu. Bởi vậy, có thể là liều tối ưu vẫn còn chưa được xác định.

Cách dùng

Nên thay đổi vị trí tiêm thuốc hàng tuần.

Thời gian điều trị cần kéo dài bao lâu vẫn chưa rõ.

Các thông tin lâm sàng chỉ mới có thời gian theo dõi trong vòng 2 năm. Bởi vậy, cần phải đánh giá điều trị sau 2 năm và quyết định tiếp tục hay ngừng điều trị phải dựa trên đánh giá lâm sàng rất cẩn thận.

Vẫn còn chưa có kết luận về dạng nào của interferon beta là hiệu quả nhất trong điều trị xơ cứng rải rác, cũng như chưa có tài liệu về liều lượng nào là tối ưu.

Phải ngừng điều trị nếu bệnh tiến triển thành xơ cứng rải rác mạn tính tiến triển.

Trước và 24 giờ sau khi tiêm, người bệnh nên dùng thuốc hạ sốt giảm đau để giảm hội chứng giả cúm. Ðiều quan trọng là hàng tháng phải theo dõi người bệnh về toàn bộ tình trạng huyết học, công thức, số lượng bạch cầu, tiểu cầu và xét nghiệm chức năng gan. Thêm nữa, cũng phải theo dõi người bệnh về mặt sinh hóa để giám sát bệnh.

Chú ý đề phòng và thận trọng

Chưa có thông báo nào về điều trị interferon cho người bệnh dưới 16 tuổi, vì vậy không được dùng interferon beta cho trẻ em. Cũng cần thấy rằng kinh nghiệm điều trị bằng interferon beta dài ngày vẫn còn chưa nhiều, vì vậy điều đặc biệt quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ người bệnh để đề phòng những phản ứng không mong muốn.

Ðiều quan trọng là phải thông báo cho người bệnh về các tác dụng phụ trong khi điều trị, kể cả các triệu chứng giả cúm. Các triệu chứng này thường rõ nhất khi bắt đầu điều trị và giảm dần trong quá trình điều trị.

Người bệnh có các bệnh mắc kèm

Người có tiền sử bệnh thần kinh, đặc biệt là có co giật và bệnh động kinh, thì cần phải theo dõi rất chặt chẽ và có thể cần phải có biện pháp điều trị để điều chỉnh cho được bệnh động kinh trong thời gian thực hiện điều trị bằng interferon.

Ðã có tài liệu nói rằng interferon có thể thúc đẩy trầm cảm và thậm chí cả ý định tự tử ở người bệnh có xu hướng phát triển trầm cảm. Nguy cơ này cũng thường tăng lên trong số các người bị bệnh xơ cứng rải rác. Bác sỹ điều trị phải khám xét cẩn thận triệu chứng trầm cảm, nếu có thì phải điều trị một cách thích hợp, kể cả việc ngừng sử dụng interferon.

Người bệnh suy giảm nặng chức năng thận và/hoặc gan và người bệnh có tiền sử suy tủy cần được chú ý đặc biệt về liều lượng và các nguy cơ tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

Người bệnh có bệnh tim mạch như cơn đau thắt ngực, suy tim mạn hoặc loạn nhịp tim phải được theo dõi chặt chẽ chức năng tim, vì có thể có nguy cơ làm các bệnh đó nặng lên trong thời gian sử dụng interferon beta. Bản thân hội chứng giả cúm có thể làm tăng và làm trầm trọng các triệu chứng ở người bệnh có tiền sử bệnh tim.

Người bệnh tạo kháng thể chống lại interferon, bởi vậy (kháng thể trung hòa), ở một số người bệnh được điều trị hoạt lực của interferon beta có thể bị giảm. Các kháng thể trung hòa làm giảm hoạt lực sinh học của interferon beta. Có nguy cơ kháng thể trung hòa đạt mức cao không đổi (hình cao nguyên) sau 12 tháng điều trị. Các tài liệu theo dõi người bệnh điều trị được 2 năm cho thấy khoảng 8% các người bệnh có xuất hiện kháng thể trung hòa.

Thời kỳ mang thai

Chống chỉ định interferon beta cho người mang thai vì nguy cơ tiềm tàng cho thai nhi. Chưa có nghiên cứu về điều trị interferon beta cho người mang thai. Sử dụng liều cao cho khỉ Rhesus gây ra sẩy thai. Trong khi chưa có số liệu nghiên cứu trên người thì điều này có nghĩa là cũng có nguy cơ tương tự cho người. Phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên kiểm tra để xác định không có thai trước khi bắt đầu sử dụng interferon beta và phải uống thuốc ngừa thai trong thời gian điều trị.

Nếu người bệnh mang thai ngay trong thời kỳ đang điều trị, nên ngừng interferon và không được bắt đầu lại cho đến khi đẻ.

Thời kỳ cho con bú

Còn thiếu thông tin về nồng độ interferon trong sữa.

Do có tiềm năng gây các phản ứng phụ nặng ở trẻ em, nên khuyến cáo hoặc phải ngừng cho con bú, hoặc phải ngừng điều trị bằng interferon beta cho đến khi thôi cho con bú.

Tương tác thuốc

Với interferon beta, chưa có những đánh giá một cách hệ thống về các tương tác thuốc. Những nhận xét sơ bộ về tương tác giữa interferon beta với corticosteroid hoặc ACTH vẫn còn chưa được đánh giá một cách hệ thống. Các nhận xét lâm sàng chỉ ra rằng có thể điều trị người bệnh bị xơ cứng rải rác bằng interferon beta phối hợp với corticosteroid hoặc ACTH trong thời kỳ bệnh tăng nặng.

Phải thấy rằng interferon có thể làm giảm nồng độ và hoạt tính của enzym gan chuyển hóa thuốc cytochrom P450. Bởi vậy cần đặc biệt thận trọng khi dùng interferon phối hợp với các thuốc có cửa sổ điều trị hẹp và sự thải trừ các thuốc đó phụ thuộc vào hoạt tính của enzym gan cytochrom P450. Ðiều thận trọng này liên quan đến nhiều thuốc chống động kinh và chống trầm cảm.

Tác dụng không mong muốn

Thường gặp

Ðau đầu, hội chứng giả cúm, sốt, ớn lạnh, suy nhược, đau cơ, chóng mặt.

Khó ngủ, trầm cảm.

Ỉa chảy.

Ít gặp

Chán ăn, phản ứng quá mẫn.

Giãn mạch, đánh trống ngực, bệnh cơ tim và suy tim mạn.

Kích động, co giật.

Băng huyết và/hoặc đa kinh.

Buồn nôn, nôn.

Phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm, rụng tóc.

Ðau khớp.

Hiếm gặp

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, kể cả phản vệ.

Người bệnh có thể có cảm giác như ngất ngay sau mũi tiêm interferon beta đầu tiên. Phản ứng này thường có tính đơn lẻ một lần, hiếm xảy ra lại ở những mũi tiêm sau. Hiếm khi có các cơn co giật và co cứng (chuột rút). Loạn nhịp cũng là một chứng hiếm gặp và thường xảy ra ở người bệnh có tố bẩm sinh. Bởi vậy vấn đề quan trọng là khai thác cho đúng tiền sử bệnh tật của mỗi người bệnh trước khi bắt đầu điều trị.

Có thể xảy ra sớm, trong quá trình điều trị, những cơn co cứng thoáng qua và/hoặc yếu cơ nghiêm trọng, thậm chí có thể làm hạn chế vận động. Những đợt co cứng này ngắn, liên quan nhất thời với tiêm thuốc và có thể tái phát khi tiêm thuốc lại. Cũng có một vài kết quả xét nghiệm bất thường, nhưng thường không phải là lý do để cần đến can thiệp/điều trị tích cực nào.

Số lượng tế bào lymphô, tiểu cầu, bạch cầu trung tính và hồng cầu bị giảm; cũng như có sự tăng nồng độ creatinin huyết thanh, kali huyết thanh, urat huyết thanh và nồng độ transaminase. Cũng có thể tăng calci niệu thoáng qua.

Quá liều

Chưa có tài liệu nào nói về quá liều. Chỉ có lời khuyên là khi quá liều cần điều trị hỗ trợ, dựa vào triệu chứng.

Bảo quản

Phải bảo quản interferon beta – 1a (dạng bột để pha tiêm) ở nhiệt độ 2 – 8oC, trong tủ lạnh. Nếu không có tủ lạnh, có thể bảo quản ở 25oC trong vòng 30 ngày. Không được để ở nhiệt độ cao. Không để đông lạnh. Sau khi pha để tiêm, cần dùng ngay càng sớm càng tốt, trong vòng 6 giờ, bảo quản ở 2 – 8oC, không để đông lạnh.

Interferon beta – 1b (dạng bột để pha tiêm) phải bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 – 8oC. Sau khi pha để tiêm, nếu không dùng ngay, sản phẩm phải để tủ lạnh và dùng trong vòng 3 giờ. Tránh để đông lạnh và tránh lắc dung dịch. Nếu không có tủ lạnh, phải để các lọ interferon beta – 1b càng mát càng tốt, dưới 30oC, tránh nóng, ánh sáng, và dùng trong vòng 7 ngày.

Bài viết INTERFERON BETA đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Benh.vn.

]]>