Đau răng là tình trạng phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân. Đa số các trường hợp bị đau răng là do vệ sinh răng miệng kém. Nhưng đôi khi tình trạng đau răng lại do một bệnh khác không liên quan đến bệnh nha khoa.
Mục lục
Đau răng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến cho bệnh nhân luôn cảm thấy khó chịu. Vậy, chữa đau răng thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khi bị đau răng, điều quan trọng nhất là tìm ra được nguyên nhân gốc rễ gây đâu răng là do đâu. Từ đó, bệnh nhân có thể tìm ra những cách để giảm đau, giảm sưng và giảm các triệu chứng. Súc miệng nước muối thường xuyên và chườm mát có tác dụng giảm những cơn đau răng nhẹ. Tuy nhiên, nếu cơn đau răng nặng hơn cần có sự can thiệp của nha sĩ.
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 hoặc 2 ngày, bệnh nhân cần phải đến gặp nha sĩ. Nha sĩ sẽ là người hướng dẫn bệnh nhân cách giảm các triệu chứng và các cơn đau răng trong tương lai. Đặc biệt lưu ý, nên gặp nha sĩ trước khi tự ý dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú. Dưới đây là một số phương pháp chữa đau răng tự nhiên tại nhà mà ai cũng có thể thực hiện.
Súc miệng nước muối chữa đau răng
Đa số chúng ta đều cho rằng nước muối có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Trên thực tế, nước muối là một chất diệt khuẩn tự nhiên có tác dụng làm cho các mảnh thức ăn giữa các kẽ răng rơi ra khỏi răng. Điều trị đau răng với nước muối đồng thời giúp giảm viêm và giúp làm lành các vết loét ở miệng.
Cách dùng: Pha ½ thìa muối (tsp) vào một cốc nước ấm và dùng hỗn hợp này để súc miệng.
Súc miệng bằng oxy già chữa đau răng
Nước súc miệng oxy già có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Bên cạnh đó, nước súc miệng oxy già còn giúp diệt khuẩn, loại bỏ mảng bám và điều trị chảy máu nướu.
Cách dùng: Pha loãng oxy già 3% với nước và dùng để súc miệng. Không được nuốt.
Chườm mát chữa đau răng
Chườm mát cũng giúp giảm đau răng, đặc biệt là đau răng do bị chấn thương. Chườm mát giúp cho các mạch máu tại vị trí bị đau răng co lại giúp giảm đau, đồng thời giảm sưng và viêm.
Cách dùng: Chườm một chiếc khăn bọc đá lạnh ở bên trong lên vị trí bị đau trong vòng 20 phút. Bệnh nhân có thể làm lại thao tác này một vài giờ sau đó.
Túi lọc trà chữa đau răng
Túi lọc trà có tác dụng làm giảm đau và làm dịu nướu. Tuy nhiên, nên để nguội túi lọc trà trước khi chườm vào vị trí bị đau.
Tỏi chữa đau răng
Trong hàng nghìn năm, tỏi đã được thừa nhận là có nhiều đặc tính tốt. Không chỉ giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn có hại, tỏi còn giúp loại bỏ mảng bám và có tác dụng như một loại thuốc giảm đau răng.
Cách dùng: Giã nhỏ vài tép tỏi và bôi lên vị trí bị đau. Có thể thêm vào một chút muối hoặc bệnh nhân có thể nhai sống một tép tỏi tươi thay cho cách trên.
Tinh dầu vani chữa đau răng
Tinh dầu vani có tác dụng chống oxy hóa và giảm đau răng hiệu quả.
Cách dùng: Nhỏ một chút tinh dầu vani vào ngón tay hoặc bông gòn và đặt trực tiếp vào vị trí bị đau, làm một vài lần mỗi ngày.
Đinh hương chữa đau răng
Đinh hương đã được sử dụng để điều trị đau răng trong hàng nghìn năm nhờ vào chất eugenol (một chất diệt khuẩn tự nhiên).
Cách dùng: Nhỏ một chút dầu đinh hương vào bông gòn và đặt vào vị trí bị đau. Bệnh nhân nên pha loãng tinh dầu đinh hương cùng một vài giọt dầu nền như dầu oliu hoặc nước trước khi dùng. Thực hiện thao tác này một vài lần một ngày. Cách khác, bệnh nhân có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu đinh hương vào một cốc nước nhỏ và dùng để súc miệng hằng ngày.
Lá ổi chữa đau răng
Lá ổi có đặc tính chống viêm và giúp làm lành vết thương. Lá ổi cũng có các đặc tính kháng khuẩn thường được dùng trong điều trị các bệnh về răng miệng.
Cách dùng: Nhai lá ổi tươi hoặc nghiền nát lá ổi và cho vào nước sôi để làm nước súc miệng.
Cỏ lúa mì chữa đau răng
Cỏ lúa mì có vô số các đặc tính chữa lành có tác dụng hồi phục cơ thể từ bên trong (cỏ lúa mì uống). Cỏ lúa mì cũng có tác dụng giảm viêm miệng và ngăn nhiễm trùng miệng. Cỏ lúa mì có hàm lượng chlorophyll cao giúp chống lại các loại vi khuẩn.
Cách dùng: Nghiền cỏ lúa mì và cho vào nước để làm thành nước súc miệng cỏ lúa mì.
Cỏ xạ hương chữa đau răng
Cỏ xạ hương có đặc tính chống oxy hóa và diệt khuẩn mạnh mẽ giúp điều trị đau răng hiệu quả.
Cách dùng: Nhỏ một vài giọt tinh dầu cỏ xạ hương pha loãng vào một cục bông gòn, sau đó đặt vào vị trí bị đau. Hoặc bệnh nhân có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu cỏ xạ hương vào một cốc nước nhỏ để làm thành nước súc miệng cỏ xạ hương.
Đi khám
Nếu bị đau răng nặng hoặc đau răng là nguyên nhân do một bệnh khác, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để điều trị triệt để. Các loại thuốc giảm đau (OTC) như ibuprofen có thể giúp ngăn chặn cơn đau tạm thời cho đến khi bệnh nhân gặp bác sĩ. Bệnh nhân nên đi khám nếu gặp phải những triệu chứng như: sốt, khó thở, khó nuốt, đau răng hơn 1 hoặc 2 ngày, sưng, đau khi cắn, đỏ nướu, hôi miệng hoặc có mủ.
Lưu ý, bệnh nhân nên tìm mua những nguyên liệu trên tại những cơ sở sản xuất uy tín để tránh mua phải những nguyên liệu kém chất lượng, đặc biệt trong thời gian này răng và nướu đang rất nhạy cảm.