Nướu khỏe là một phần của cuộc sống mạnh khỏe. Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng hàng ngày, có vô số các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng bảo vệ nướu như tràm trà, Neem, dầu dừa hay các loại quả mọng, trái cây giàu vitamin C.
Mục lục
Những loại thảo dược này có tác dụng bảo vệ nướu cụ thể ra sao, hãy cùng benh.vn tìm hiểu ngay.
Chăm sóc răng miệng nói chung bao gồm thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và tới nha sĩ kiểm tra răng định kỳ để làm sạch răng…Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của việc chăm sóc răng miệng, một số loại thảo dược đã được dùng để làm nước súc miệng hoặc bổ sung vào chế độ ăn.
Vì sao cần bảo vệ nướu khoẻ mạnh
Vi khuẩn không ngừng tạo ra những lớp màng hay còn gọi là mảng bám trên bề mặt răng của chúng ta. Chải răng và dùng chỉ nha khoa có thể giúp loại bỏ mảng bám, nhưng tại một số chỗ mảng bám này bị vôi hóa và chuyển thành cao răng. Trong hầu hết các trường hợp, cao răng, mảng bám và vi khuẩn trú ngụ tại mảng bám là nguyên nhân chính gây viêm nướu. Nếu không được điều trị, bệnh viêm nướu có thể dẫn tới tiêu xương (mất răng), bệnh viêm quanh răng (bệnh nha chu), thậm chí là các bệnh về tim mạch, tiểu đường.
Mặc dù các loại thảo dược sắp kể ra dưới đây không có tác dụng điều trị hay phòng chống các bệnh răng miệng, nhưng một số loại lại có tác dụng kháng khuẩn, ngăn hình thành mảng bám và giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ. Dưới đây là 5 loại thảo dược, chất có tác dụng bảo vệ nướu:
Quả nim (quả Neem) bảo vệ nướu khỏi viêm nhiễm
Neem (Nim) là một loại thực vật có chứa các hoạt chất có tính kháng khuẩn mạnh. Nghiên cứu trên quả neem cũng cho thấy neem giúp bảo vệ nướu. Trong nghiên cứu này 105 trẻ em (tuổi từ 12-15) được cho sử dụng loại nước súc miệng có chứa thành phần của neem, xoài và chlorhexidine (một chất sát khuẩn có trong nhiều loại nước súc miệng) 2 lần mỗi ngày. Kết quả cho thấy tất cả 3 loại nước súc miệng này đều có tác dụng loại bỏ mảng bám và ngăn viêm nướu.
Tinh dầu tràm trà hỗ trợ điều trị viêm nướu
Tinh dầu tràm trà được sử dụng để hỗ trợ việc điều trị viêm nướu, theo một báo cáo trên Tạp chí Vi sinh Lâm sàng năm 2006. Hãy chọn loại kem đánh răng có chứa thành phần tinh dầu tràm trà để bảo vệ răng miệng thay vì uống trực tiếp vì tinh dầu tràm trà có thể chứa độc.
Nam việt quất phòng bệnh về nướu
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nam việt quất giúp phòng chống các bệnh về nướu bằng cách ngăn không cho vi khuẩn bám vào răng. Hơn nữa, những nghiên cứu trước đó đã được đăng trên Tạp chí về Bệnh nha chu năm 2013 cũng chỉ ra rằng nam việt quất giúp làm dịu viêm ở người bị bệnh viêm quanh răng.
Vitamin C bảo vệ nướu khỏi nguy cơ bệnh nha chu
Có một số thông tin cho rằng vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nướu. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nha chu học năm 2000, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trên 12,419 người và nhận thấy rằng những người ít bổ sụng vitamin C nhất có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao nhất. Để bổ sung vitamin C có nhiều cách như ăn các loại trái cây giàu vitamin C như bưởi, cam, kiwi, xoài, đu đủ, dâu tây, ớt chuông, súp lơ, cải Brussels, dưa lưới…
Súc miệng bằng 1 số loại dầu thực vật
Đây là một phương pháp lâu đời trong y học cổ Ayurveda. Thực hiện bằng cách súc miệng 1 thìa dầu (dầu dừa hoặc dầu mè) trong khoảng 15 phút. Những nghiên cứu về tác dụng của phương pháp này vẫn còn hạn chế, nhưng một số nghiên cứu nhỏ (đã được chứng minh lâm sàng) đã chỉ ra rằng súc miệng bằng dầu thực vật giúp giảm sự tích tụ mảng bám và giúp ngăn viêm nướu.
Kết luận
Trước khi sử dụng bất kỳ loại chất hay loại thảo dược nào để bảo vệ cho nướu, bệnh nhân nên nhớ rằng không có bất kỳ chất hay loại thảo dược nào có tác dụng thay thế hoàn toàn cho việc chăm sóc răng miệng hằng ngày và kiểm tra định kỳ tại các phòng khám nha khoa. Bên cạnh chải răng, dùng chỉ nha khoa và làm sạch răng định kỳ, bệnh nhân nên bổ sung thêm các loại đồ ăn giàu canxi vào chế độ ăn của mình và nên hạn chế ăn các loại đồ ăn và đồ uống có chứa nhiều đường.
Một số thói quen chăm sóc răng miệng khác bao gồm: không hút thuốc, giảm stress. Nếu thấy các triệu chứng như nướu chảy máu, đau khi nhai hoặc răng nhạy cảm, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được điều trị thay vì tự điều trị ở nhà bằng các loại thảo dược kể trên.