Nếu như trước đây, phần lớn mọi người cho rằng hiếm muộn ở các cặp vợ chồng là do lỗi của người phụ nữ. Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của Y khoa đã chỉ ra nguyên nhân hiếm muộn chủ yếu do nam giới bao gồm như: Ít tinh trùng, tinh trùng yếu, không có tinh trùng, tinh trùng chết, trong đó gia tăng tình trạng vô sinh do tai biến của bệnh quai bị.
Thực trạng
Thời gian gần đây, tỷ lệ các bệnh nhân lứa tuổi phổ biến từ 20-35, trong đó nhiều trường hợp chưa lập gia đình, là công nhân, công chức, bác sĩ đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa… “Bệnh nhân đến khám có biểu hiện teo tinh hoàn, giảm thể tích tinh hoàn (chỉ còn 10-14 ml, so với thể tích trung bình cần đạt 20-25 ml) đến khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn (Hà Nội) ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết “một số trường hợp tinh hoàn teo rất nhỏ, chỉ còn dưới 10 ml, giống như tinh hoàn của bé trai”. Trong đó, chủ yếu các trường hợp này mắc bệnh quai bị do chưa từng tiêm phòng bệnh, chưa có miễn dịch với bệnh. Bệnh nhân đến khám từng mắc quai bị trong vòng 1 – 2 tháng gần đây nhưng cũng có những trường hợp mắc từ khi còn nhỏ.
Tương tự, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, vừa qua cũng ghi nhận các ca nam giới bị viêm tinh hoàn do quai bị. Đây là hiện tượng khá bất thường so với các năm trước do bệnh này thường ghi nhận rải rác vào thời điểm các tháng đầu năm, thời tiết nồm ẩm mùa đông – xuân, rất ít gặp vào mùa nắng, nóng.
Kiểm tra tinh trùng sau khi lấy ra từ cơ thể ẢNH: KHÁNH VY
Nỗi niềm của bệnh nhân
Thống kê tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho thấy, số bệnh nhân nam đến khám vô sinh ghi nhận nhiều trong thời gian gần đây, mỗi ngày khoảng 2 – 3 ca. Lý do khám vô sinh sau 2 – 3 năm, thậm chí 5 năm kết hôn là vì không có con, tiền sử mắc quai bị.
Bệnh nhân Võ Việt T., 26 tuổi tâm sự đã kết hôn 2 năm nhưng chưa có con dù hai vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai nên đã cùng nhau đi khám. Kết quả sau khi xét nghiệm “Vợ em thì bình thường nhưng với em, các bác sĩ cho biết bị teo tinh hoàn, chỉ còn 8 ml. Em có mắc quai bị từ khoảng 13 – 14 tuổi, nhưng không biết là mình bị vô sinh do quai bị”.
Đối với bệnh nhân Nguyễn Văn H., 27 tuổi (ở Bắc Ninh) đã có một con gái, chủ định sinh con thứ hai nến đến khám sau khi mắc quai bị. H chia sẻ “Em bị sốt, sưng mang tai bên phải rồi chuyển sang sưng, viêm tinh hoàn. Sau đợt ốm đó thấy tinh hoàn bị nhẽo, nhỏ nên đi khám”. Bác sĩ cho biết: “Kiểm tra cho bệnh nhân H., chúng tôi thấy tinh hoàn teo nhỏ, thể tích chỉ còn 14 ml”.
Ngoài người dân, một ca hiếm muộn khác cũng gặp ở bác sĩ trẻ, 27 tuổi, đến khám ở BV chuyên khoa do “nghi ngờ” về bất thường cơ quan sinh sản của mình. Qua khám, bệnh nhân được xác định tinh hoàn bị teo nhỏ, thể tích chỉ còn 4 ml, kích thước này tương đương tinh hoàn của… bé trai 2 tuổi.
Các trường hợp khác là bệnh nhân 26 tuổi, ở Hải Dương, đến khám vì thấy muộn có con (kết hôn gần hai năm). Khi xét nghiệm xác định tinh trùng ít (3 triệu tinh trùng/ml, trong khi tối thiểu cần 15 triệu/ml), tinh hoàn nhỏ, cũng có tiền sử mắc quai bị khi 13 tuổi; bệnh nhân nam 31 tuổi từ Thanh Hóa đến khám cũng do chậm sinh con. Thể tích tinh hoàn nhỏ (15 ml), làm tinh dịch đồ không thấy tinh trùng, tiền sử có mắc quai bị hoặc một ông bố (39 tuổi, ở Vĩnh Phúc) mắc quai bị từ năm 2015, đã sinh một con. Lần này đi khám thì được phát hiện thể tích tinh hoàn còn 18 ml, không quá nhỏ nhưng tinh dịch đồ thấy tinh trùng giảm thấp, chỉ 2 triệu/ ml…và rất nhiều trường hợp khác chỉ sau một trận sốt, sưng mang tai bỗng nhiên trở nên hiếm muộn, thậm chí vô sinh.
Quai bị ở mọi lứa tuổi
Qua đó, các bác sĩ cảnh báo, quai bị thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều hơn ở tuổi học đường; nam mắc nhiều hơn nữ. Nguy hiểm với nam giới bởi gây viêm, teo tinh hoàn làm giảm sinh tinh cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến hiếm muộn, vô sinh. Nguyên nhân do vi rút vào máu, đến tinh hoàn, vào tinh hoàn và gây viêm, teo. Tinh hoàn là tuyến nội tiết ở nam giới, nội tiết tố nam tác động đến toàn diện: xương khớp, thần kinh, cơ bắp, tim mạch… Đây cũng là “nhà máy sản xuất” ra tinh trùng. Khi bị teo, nội tiết tố sụt giảm cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Với nữ giới, quai bị gây vô sinh ít hơn, khoảng 2% ca mắc quai bị bị viêm buồng trứng.
Từ các trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi lý giải bình thường thể tích tinh hoàn phải 25 ml, ít nhất 20 ml thì mới sinh tinh trùng được. Do đó, các bệnh nhân bị viêm teo tinh hoàn có thể bị hiếm muộn vô sinh. Khi khám, nếu bệnh nhân còn tinh trùng, bác sĩ khuyên lấy tinh trùng trữ lạnh để sau này làm hỗ trợ sinh sản. Nếu bệnh nhân không có tinh trùng, sẽ áp dụng kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh, bảo quản lạnh để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm khi có yêu cầu.
Theo thống kê, tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều trường hợp nam giới đã và chưa kết hôn sau khi phát hiện có trục trặc về sinh sản có nguy cơ hiếm muộn đã lấy tinh trùng gửi trữ lạnh tại BV. Tinh trùng có thể trữ lâu dài, không ảnh hưởng đến chất lượng. Chi phí khoảng 3-4 triệu đồng/năm/trường hợp.