Mục lục
Bệnh ấu trùng sán lợn trước đây là một trong những bệnh thường gặp do vấn đề vệ sinh. Mặc dù hiện tại hiếm gặp nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh rất cao, người dân vẫn nên nâng cao ý thức để phòng tránh.
Bệnh ấu trùng sán lợn dưới da là gì?
Bệnh sán lợn dưới da là một bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não… căn nguyên do các u nang sán lợn (trong có đầu sán) gây nên. Biểu hiện lâm sàng tuỳ theo vị trí khu trú của nang ở da ảnh hưởng tới thẩm mỹ, ở não có thể gây động kinh, giảm trí nhớ hoặc rối loạn vận động ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh ấu trùng sán lợn dưới da?
Sán dây lợn có ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt. Sán dây lợn dài từ 2- 3 mét (thậm chí 8 mét), đầu nhỏ, hơi tròn, đường kính khoảng 1 mm, có bộ phận nhô lên, có 2 vòng móc (22- 32 móc) và 4 giác ở 4 góc. Có đốt cổ mảnh, có đốt thân trưởng thành, có đốt già. Một đốt sán già có thể chứa tới 55 nghìn trứng, những đốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5,6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài bình thường.
Vật chủ chính của sán là người, còn vật chủ phụ là lợn. Lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán, trứng sán qua dạ dày đến ruột lợn. Ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. Sau 24-72 giờ kể từ khi ăn phải ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài (kích thước 17- 20 x 7- 10 mm), còn được gọi là gạo lợn (cysticereus cellulosae), trong nang có dịch màu trắng, có mẩu đầu sán với 4 giác và 2 vòng móc.
Ngoài lợn còn có chó mèo hoặc người đều có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn. Khi người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh (theo thực phẩm, rau quả) hoặc nguy hiểm hơn là những người đang mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non vì một lý do nào đó như say tầu, say xe, phụ nữ có thai hoặc sốt cao… bị nôn oẹ, những đốt sán già rụng ở ruột non theo nhu động ngược chiều lên dạ dày, dưới tác dụng của dịch tiêu hoá trứng từ các đốt già được giải phóng ra xuống tá tràng, hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticereus cellulosae). Người có nang ấu trùng sán còn gọi là người gạo.
Biểu hiện bệnh ấu trùng sán lợn dưới da
Ở da: các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, mầu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay nhưng có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào và có tính cách đối xứng. Rất hiếm khi các u nằm bên cạnh dây thần kinh và gây đau dây thần kinh hoặc chèn ép lâm ba gây phù voi. U nang sán sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng X quang.
Ở não: biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu: tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt , có thể bị đột tử .
Ở mắt: nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng…gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.
Ở cơ tim: có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.
Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn dưới da
Diệt sán: sử dụng các loại thuốc chuyên dụng trong diệt sán lợn như Albendazole và praziquantel. Khi phát hiện ấu trùng sán lợn dưới da, phẫu thuật có thể là biện pháp cần thiết và nhanh chóng giúp loại bỏ căn nguyên bệnh.
Điều trị triệu chứng: Một số triệu chứng có thể gặp như co giật và cần được điều trị bằng thuốc thích hợp như carbamazepine hoặc phenyntoin
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh sán lợn nói chung, người dân cần chú ý trong ăn uống, không ăn thịt lợn gạo, nấu chín kỹ, vệ sinh cá nhân, điều trị triệt để các trường hợp nhiễm sán trưởng thành.
Trong quá trình chăn nuôi, người chủ trang trại cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề vệ sinh phòng bệnh, tuyệt đối không buôn bán lợn bệnh, lợn có vấn đề về phòng dịch.