Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm để lại nhiều biến chứng nặng nề. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có thể ngăn ngừa sớm bằng biện pháp tiêm chủng. Bệnh bạch hầu dễ lây nhiễm qua các con đường tiếp xúc thông thường và biến thành dịch. Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh bạch hầu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mục lục
1. Bệnh bạch hầu là gì
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh lây do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria, vi khuẩn bạch hầu hình que, đa dạng, ít di động, nhuộm Gram dương, có 3 loại khuẩn lạc nhỏ, to và trung gian (mitis, gravis, intermedius). Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Có 2 thể bệnh bạch hầu hay gặp: bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản. Ở vùng nhiệt đới có thể gặp bạch hầu mũi, mắt, da.
Vi khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây nhiễm độc, nhất là gây rối loạn thần kinh và tim mạch.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Ở vùng khí hậu nhiệt đới bệnh thường gặp trong những tháng lạnh. Trong năm 2000 có khoảng 30.000 trường hợp mắc và 3000 trường hợp chết do bạch hầu đã được báo cáo trên toàn thế giới.
2. Bệnh Bạch hầu lân truyền như thế nào
Bệnh bạch hầu lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Nó có thể gây nhiễm trùng mũi họng dẫn đến khó thở và tử vong.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Bạch hầu
Bệnh bạch hầu thể họng, triệu chứng gặp sớm nhất là viêm họng với chán ăn và sốt nhẹ. Trong vòng 2-3 ngày đám giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng, lưỡi. Giả mạc trong bệnh bạch hầu có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc ra. Nếu có chảy máu, giả mạc có thể có màu xám hoặc đen.
Triệu chứng lâm sàng bệnh Bạch hầu
- Thời kì ủ bệnh khoảng 5 ngày, không có biểu hiện rõ.
- Thời kì khởi phát bệnh tiến triển từ từ, sốt nhẹ 38°C, xuất hiện đau họng.
- Trẻ em khó chịu, không chịu chơi. Lúc này da hơi xanh, chảy nước mũi.
- Vài ngày sau trẻ sẽ tiếp tục sốt, ho, đau họng, khó nuốt, trẻ có vẻ mặt nhiễm độc, xanh tái, miệng có mùi hôi. Hạch cổ, góc hàm thường nổi to, làm vùng cổ hai bên của trẻ hơi bạnh ra, gọi là “cổ bò”.
- Soi khám thấy họng đỏ, phủ giả mạc màu trắng xám dính chặt vào amidan, xung quanh amidan, đám giả mạc có thể lan rộng tới vòm họng, bóc ra làm chảy máụ, giả mạc bóc ra cho vào nước không tan, có thể có màu đen.
- Giả mạc bệnh Bạch hầu có thể lan rộng tới thanh quản gây ra triệu chứng bạch hầu thanh quản như: khản tiếng, ho khàn, rồi có biểu hiện khó thở thanh quản như khó thở vào, có tiếng rít thanh quản, cơ lõm khoảng trên ức và dưới ức, môi tím.
- Ngoài các thể trên còn có thể gặp diphtheria ở ngoài da, niêm mạc âm đạo, biểu hiện loét ở da và niêm mạc.
- Thể gặp bạch hầu mũi, với biểu hiện chảy mủ – máu một bên hay hai bên lỗ mũi.
Độc tố do vi khuẩn bạch hầu gây độc cho thần kinh và tim mạch: - Liệt màn hầu, làm trẻ bị sặc, khó nuốt. Liệt cơ mắt, đặc biệt là liệt khả năng điều tiết, gây viễn thị. Liệt các chi, biểu hiện liệt này thường xuất hiện ở tuần thứ ba.
Biểu hiện viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim và trụy mạch; những rối loạn này ở tim thường xảy ra từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 40 từ khi khởi phát, thông thường hay ở tuần thứ hai; đây là một biến chứng nặng có thể gây tử vong cho trẻ.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh Bạch hầu
- Ngoáy họng, vào đám giả mạc để chẩn đoán.
- Nhuộm Gram, soi trực tiếp thấy trực khuẩn hình que, hình thái diphtheria. Cấy trên thạch máu Loffler, 16-48 giờ sau có thể thấy vi khuẩn mọc.
- Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu có hạt độc, có thể có tiểu cầu giảm.
- Điện tâm đồ: có thể thấy rối loạn nhịp, biểu hiện viêm cơ tim.
Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.
4. Biến chứng của bệnh bạch hầu
Trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc những tuần sau đó, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim có thể gây suy tim. Một vài bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm bị bệnh tim mãn và suy tim.
Biến chứng nguy hiểm nhất của bạch hầu là tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong.
5. Điều trị bệnh bạch hầu
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và dùng kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin và cần cách ly tránh lây bệnh sang người khác.
Điều trị bệnh bạch hầu phải bắt đầu ngay từ rất sớm, khi nghi ngờ về lâm sàng, không cần chờ kết quả xét nghiệm vi khuẩn, nhất là khi có dịch bệnh xuất hiện. Nên chuyển bệnh nhi tới bệnh viện gần nhất.
Điều trị bệnh bạch hầu chi tiết
- Cách li trẻ khỏi các bệnh nhi khác tại bệnh viện trong 10-14 ngày.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, nếu trẻ khó nuốt nên cho ăn qua ống sond dạ dày.
- Cho Penicillin G 1 triệu đơn vị/lần, ngày 2 lần, trong 10 ngày; nếu dị ứng với Penicillin, thay bằng Erythromycin 25-50mg/kg/ngày, trong 10 ngày.
- Cho kháng độc tố bạch hầu: với thể nhẹ 40.000 đơn vị, với thể trung bình 60.000 đơn vị còn với thể nặng có giả mạc lan rộng 80.000 – 1.000.000 đơn vị, để trung hòa độc tộ tuần hoàn.
- Luôn luôn, phải thông đường hô hấp; với thể bạch hầu thanh quản có khó thở thanh quản độ 2, cần thiết phải mở khí quản.
- Với thể có liệt, cho Vitamin B1 và điều trị vật lí phục hồi chức năng.
- Với thể có viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, phải điều trị bằng thuốc trợ tim, Prednison
Cần nuôi cấy dịch họng để chẩn đoán. Bệnh nhân sẽ không còn khả năng lây lan sau 2 ngày điều trị kháng sinh thích hợp.
Để chẩn đoán xác định cần nuôi cấy bệnh phẩm từ họng của các trường hợp nghi ngờ. Tuy nhiên, cần bắt đầu điều trị ngay mà không đợi kết quả nuôi cấy.
6. Phòng bệnh bạch hầu
Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng. Ở hầu hết các nước, vắc xin giải độc tố bạch hầu được tiêm cùng với vắc xin ho gà và giải độc tố uốn ván (vắc xin BH – HG – UV). Gần đây một số nước đã sử dụng vắc xin phối hợp gồm vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả vắc xin Hib.
- Tiêm chủng phòng bạch hầu, thực hiện đồng thời với tiêm chủng ho gà và uốn ván, 3 lần lúc trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi.
- Cần khám và cấy dịch hầu họng cho những người trong gia đình hay tập thể có tiếp xúc với trẻ bị bạch hầu.
- Với trẻ có triệu chứng sớm của bạch hầu, phải điều trị như bị bạch hầu.
- Với người có mang vi khuẩn bạch hầu không có triệu chứng, cho Erythromycin uống 20-30 mg/kg/ngày, chia 4 liều; hay Benzathin Penicillin G tiêm bắp 25.000 đơn vị/kg, trong 10 ngày và khám lại hằng ngày.
Sau mỗi khoảng thời gian 10 năm, cần tiêm nhắc lại vắc xin loại dùng cho người lớn là giải độc tố uốn ván – bạch hầu (Td) để duy trì khả năng miễn dịch.
Gs. Ts Nguyễn Công Khanh – BV Nhi Trung ương