Hỏi: bệnh sa sinh dục biểu hiện như thế nào?
Mục lục
Trả lời:
Tử cung là một tạng nằm sâu trong ổ bụng. Nó được giữ tại chỗ bằng lớp cơ và các tổ chức vùng đáy chậu (dàn của phần dưới khung xương chậu), bởi các thành âm đạo và các dây chằng trong bụng và chậu hông.
Nếu vì một lý do nào đó, các bộ phận neo giữ tử cung bị giãn, nhão ra thì áp lực trong ổ bụng (khi thở, khi rặn, khi ho) và sức nặng của tử cung sẽ đẩy, kéo nó tụt dần xuống thấp gây nên sa sinh dục với các mức độ khác nhau dựa vào vị trí sa của cổ tử cung so với âm hộ chia làm 3 độ sa sinh dục.
Sa sinh dục độ I
- Sa thành trước âm đạo, kèm theo sa bàng quang.
- Sa thành sau âm đạo, nếu sa nhiều kéo theo sa cả trực tràng.
- Cổ tử cung sa thấp trong âm đạo nhưng chưa tới âm hộ.
Sa sinh dục độ II
- Sa thành trước âm đạo và bàng quang.
- Sa thành sau âm đạo, có thể kèm sa trực tràng.
- Cổ tử cung sa thập thò âm hộ.
Sa sinh dục độ III
- Sa thành trước âm đạo và bàng quang.
- Sa thành sau âm đạo, có thể kèm theo sa trực tràng.
- Tử cung, cổ tử cung sa thấp, cổ tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ.
Các thương tổn phối hợp sa sinh dục
- Cổ tử cung thường viêm loét, phì đại do bị cọ sát lâu ngày với quần bệnh nhân.
- Tử cung thường teo nhỏ do người già đã mãn kinh, song một số trường hợp có thể có u xơ tử cung hoặc u nang buồng trứng kết hợp.
- Tầng sinh môn thường có vết rách cũ không được khâu tại điểm 6 giờ, cơ tầng sinh môn mềm nhão, suy yếu.
- Một số trường hợp có sỏi bàng quang, viêm bàng quang, xuất huyết bàng quang – hậu quả của ứ trệ nước tiểu lâu ngày do niệu đạo bị gập.Cùng với tử cung sa thấp xuống, các thành âm đạo, thậm chí cả bàng quang, trực tràng cũng bị sa xuống theo, tạo nên bệnh cảnh sa sinh dục. Hậu quả do sự sa thấp của các tạng kể trên là các rối loạn tiểu tiện (không giữ được nước tiểu, đái són, đái không hết nước, có thể bị sỏi trong bàng quang) và có khi cả đại tiện (táo bón, trĩ).