Sốt mò là căn bệnh nguy hiểm có thể gặp ở bất cứ ai. Tuy nhiên, những người ở vùng sâu vùng xa, người làm việc trong các khu rừng âm u có khả năng mắc bệnh cao nhất…
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh sốt mò
Bệnh sốt mò còn được gọi là sốt rừng (hay Tsutsugamushi) thường xuất hiện ở các vùng phía Đông Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Nguồn bệnh gây bệnh là dã thú gặm nhấm, chuột đồng, một số loài chim biển, chó, gà, lợn, thỏ…
Bệnh sốt mò phát triển nhiều vào tháng 5 đến tháng 11 hàng năm
Côn trùng truyền bệnh là ấu trùng mò Trombiculae. Ấu trùng nằm trên mặt đất, ngọn cỏ, khi gặp người hoặc súc vật thì bám vào hút máu truyền bệnh rồi rời khỏi người, tiếp tục biến hóa thành mò trưởng thành.
Mò phát triển nhiều vào các tháng mưa của năm (từ tháng 5 đến tháng 11) hàng năm.
Đối tượng mắc bệnh và các triệu chứng
Những người có khả năng mắc bệnh là nông dân, công nhân trồng rừng, bộ đội hành quân ở những nơi có nhiều bụi rậm, lau lách. Ngoài ra, những người thường xuyên đi phượt cũng là đối tượng dễ mắc căn bệnh này.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 5-7 ngày (hoặc 10 ngày) nhưng không có dấu hiệu gì. Sau đó, bệnh nhân sốt cao 39-41 độ C, kéo dài 15-20 ngày kèm theo nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, vã mồ hôi, đau các cơ lưng, ý thức kém, mạch chậm, huyết áp hạ…
Thời kỳ toàn phát xuất hiện triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân.
Bệnh sốt mò nguy hiểm như thế nào
Bệnh sốt mò có thể diễn biến nặng ngay từ tuần đầu của bệnh với các bệnh viêm phổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, bệnh thường diễn biến nặng từ tuần thứ hai với biểu hiện ở nhiều cơ quan và phủ tạng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh.
Bệnh nhân thường tử vong do suy đa phủ tạng, trong đó ARDS là nguyên nhân hàng đầu. Tỷ lệ tử vong của sốt mò trong giai đoạn trước kháng sinh có thể lên tới 50-60%.
Một số biểu hiện như rối loạn tuần hoàn, giảm thính lực, có thể tồn tại nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi bệnh đã thuyên giảm. Sốt mò ở phụ nữ có thai có thể gây biến chứng như sảy thai, thai chết lưu, hoặc cân nặng khi sinh thấp…
Các dấu hiệu đặc biệt cần lưu ý
Nốt loét ở phần da mềm, hậu môn, bẹn…
Nốt loét thường có ở 80% số bệnh nhân bị sốt mò. Sau 24 giờ, vết đốt phồng lên, đường kính 2 mm, 4 ngày dịch đục, 5 ngày mụn vỡ, xung quanh có sẩn cứng sau đóng vẩy màu nâu đen.
Các dấu hiệu của bệnh sốt mò
Vị trí vết loét thường ở chỗ da mềm, ẩm, kín như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn; có thể thấy ở đùi, bụng, cổ, ngực, lưng (phần lớn chỉ 1 nốt, một số trường hợp 2 nốt).
Khi vết loét khỏi, da xung quanh cứng, đóng vảy màu nâu. Vết loét không ngứa, không đau rát, nên bệnh nhân không để ý đến.
Sưng hạch bạch huyết
Hạch bằng hạt táo, hạt mận, di động, hơi đau. Hạch toàn thân thấy ở nách, bẹn, cổ (45%), thường nhỏ hơn hạch khu vực. Có 91% trường hợp có hạch nổi ở khu vực gần vết loét.
Ban dát sẩn mọc toàn thân
Ban thường mọc vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, có ở 82% các trường hợp, đường kính bằng hạt kê đến 1 cm, màu mận chín, sờ hơi cứng.
Ban mọc toàn thân không theo thứ tự, mọc ở mặt, ngực, bụng, tồn tại 4-5 ngày.
Phương pháp phòng bệnh
+ Hạn chế xâm nhập vào vùng nghi ngờ có nhiều ấu trùng mò đỏ như các bụi rậm, bãi cỏ thấp, vùng đất ẩm như các khu vực triền sông, vách núi, hang động, những vùng có bệnh sốt mò lưu hành.
+ Kiểm soát quần thể mò, chuột bằng cách tiêu diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng, diệt cỏ hoặc đốt cỏ.
Tuyệt đối tránh các vùng nghi ngờ có ấu trùng mò như các bụi rậm, bãi cỏ thấp, vùng đất ẩm…
+ Khi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò đỏ, nên mặc quần áo kín, buộc kín gấu quần, mang tất tay, tất chân, ủng… Sử dụng quần áo tẩm chất xua đuổi côn trùng, bôi các chất xua côn trùng như benzyl benzoat, DEEP, ethyl hexanediol…lên những vùng da hở.
+ Không nên đặt ba lô, phơi quần áo, để đồ đạc trực tiếp lên cỏ. Tránh nằm lên bãi cỏ, tạo dáng chụp ảnh hoặc đi vệ sinh trong những bụi cây, lùm cỏ lúp xúp.
+ Sau khi đi vào những vùng có lưu hành bệnh sốt mò, nếu xuất hiện sốt hoặc nốt đốt đặc trưng, nên đến bệnh viện khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
+ Uống Doxycycline 200mg mỗi tuần/một lần khi ở vùng dịch và kéo dài 6 tuần sau khi ra khỏi vùng dịch có tác dụng bảo vệ người phơi nhiễm khỏi bị bệnh.
+ Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể…
Lời kết
Sốt mò là một căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ dẫn đến những biến chứng cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu để điều trị nên việc phòng tránh là phương pháp quan trọng được đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, người dân cần tránh xa vùng nghi ngờ có nhiều ấu trùng mò như các bụi rậm, bãi cỏ thấp, vùng đất ẩm như các khu vực triền sông, vách núi, hang động, những vùng có bệnh sốt mò lưu hành….Ngoài ra, khi đi du lịch không nên đặt ba lô, phơi quần áo, để đồ đạc trực tiếp lên cỏ, không nằm lên bãi cỏ chụp ảnh hoặc đi vệ sinh trong những bụi cây….
Đặc biệt, sau khi đi từ những vùng có dịch về, nếu bị sốt hoặc phát hiện nốt đốt đặc trưng của bệnh cần đền thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Hải Yến – Benh.vn