Thoát vị bẹn tưởng chừng như là một bệnh lý chỉ gặp ở những đối tượng nam giới lớn tuổi, tuy nhiên, ít ai ngờ bệnh có thể xảy ra với cả những trẻ nhỏ. Đa số trường hợp trẻ thoát vị bẹn có yếu tố bẩm sinh, không phải do tổn thương sau khi chào đời. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu chi tiết về Thoát vị bẹn ở trẻ em.
Mục lục
Thoát vị bẹn là gì
Thoát vị xảy ra khi một cơ quan lồi ra khỏi khoang chứa nó thông qua một lỗ tự nhiên hay bất thường. Thoát vị bẹn là trường hợp thoát vị xảy ra qua ống bẹn, một ống nối thông giữa bụng và bìu (ở nam) hoặc môi lớn (ở nữ).
Đại đa số trường hợp thoát vị bẹn ở trẻ em là bẩm sinh. Các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột hoặc buồng trứng) sẽ đi xuống qua ống bẹn làm vùng bẹn bị phồng lên, chỗ phồng này chạy xuống dần về phía bìu hoặc đi vào trong bìu (ở nam) hoặc môi lớn (ở nữ).
Có nhiều trẻ mắc thoát vị bẹn không
Tỉ lệ trẻ mắc thoát vị bẹn là từ 1 đến 2 % trẻ sơ sinh. Xảy ra phổ biến ở nam hơn so với nữ (tỉ lệ 4 nam : 1 nữ). 60% trường hợp thoát vị bẹn xảy ra ở bên phải, 30% xảy ra ở bên trái và 10% xảy ra ở cả hai bên.
Khoảng 50% số trường hợp được thấy từ trước 1 năm tuổi và trong số đó hầu hết đều xuất hiện từ trước 6 tháng tuổi.
Ở trẻ sinh non tỉ lệ mắc thoát vị bẹn cao hơn, có tới 7 % số trẻ sơ sinh nam mắc tật này nếu trẻ sinh trước 30 tuần của thai kì. Trẻ sinh non với trọng lượng nhỏ hơn 1.500 gram sẽ có tỉ lệ mắc tật này cao 20 lần hơn so với trẻ có trọng lượng lớn hơn.
Các triệu chứng của thoát vị bẹn
Gia đình phát hiện một bên bẹn hoặc bìu bé to lên so với bên kia, hoặc cả 2 bên đều phình to bất thường; tình trạng này có thể hình thành trong một khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng;
Có thể tình trạng phình to lên này lúc có lúc không, thường xuất hiện sau khi trẻ chạy nhảy, ho, hoặc khi trẻ rặn đi vệ sinh; thường không đau, nhưng có thể gây đau đớn – dấu hiệu của thoát vị bẹn nghẹt, cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện; bất ngờ đau, buồn nôn và nôn mửa, đó là dấu hiệu cho thấy một phần của ruột có thể đã bị mắc kẹt trong thoát vị.
Hình ảnh giải phẫu bên trong bẹn bị thoát vị (Ảnh minh họa)
Thoát vị bẹn cần được điều trị như thế nào
Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa. Phẫu thuật mất khoảng một giờ và thông thường bệnh nhân có thể về nhà trong ngày.
Thoát vị bẹn trẻ em có thể điều trị bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở
Trước khi phẫu thuật thoát vị bẹn
- Trẻ không được ăn thức ăn đặc 6 (sáu) giờ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê. Tuy nhiên, có thể uống sữa trước mổ 4 (bốn) giờ và uống nước trắng hoặc nước pha đường trước mổ 2 (hai) giờ.
Trong phẫu thuật thoát vị bẹn đối với phẫu thuật mổ mở
- Bác sĩ gây mê sẽ giúp cho bé đi vào giấc ngủ, và thư giãn cơ bắp. Bé sẽ không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật.
- Phẫu thuật viên sẽ rạch rất nhỏ (từ 1 đến 2cm) ngay tại các nếp gấp da của bụng.
- Bao thoát vị phồng lên được xác định.
- Bác sĩ phẫu thuật đẩy ruột hoặc tổ chức bên trong túi thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp của nó.
- Bao thoát vị được phẫu tích lên cao và thắt tại vị trí cao nhất.
Ở những trẻ dưới 1 tuổi, khả năng thoát vị bẹn cả 2 bên là rất cao, mặc dù 1 bên được phát hiện, bên kia vẫn có khả năng xuất hiện thoát vị bẹn trong tương lai. Nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại ống phúc tinh mạc ở cả 2 bên. Vì thế, tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có tư vấn về việc phẫu thuật 1 bên hoặc cả 2 bên.
Sau phẫu thuật thoát vị bẹn
Hầu hết bệnh nhân có thể về nhà một vài giờ sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non và những trường hợp đặc biệt, có thể sẽ phải ở lại thêm 1 ngày tại bệnh viện để theo dõi..
Chăm sóc cho trẻ sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn
Sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn, trẻ cần được chăm sóc tốt để mau chóng hồi phục.
Cách chăm sóc trẻ sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn
Thông thường, bé sẽ trở lại như bình thường vào buổi tối sau khi phẫu thuật hoặc sáng hôm sau. Sau phẫu thuật khoảng 2h, trẻ có thể được ăn uống nhẹ, tuy nhiên vẫn cần phải xin ý kiến trực tiếp của nhân viên y tế.
Có thể tắm rửa bình thường vào ngày hôm sau. Tuy nhiên tắm bồn tắm thì nên chờ sau mổ 2 ngày.
Băng vết mổ có thể thay sau khi tắm ở ngày thứ 1 sau mổ, sau đó 2 ngày thay băng 1 lần. Sau 3 ngày không cần phải băng lại bởi vì vết mổ đã dính liền và khá nhỏ. Chỉ khâu trong da nên không cần phải cắt chỉ.
Những dấu hiệu bất thường sau mổ thoát vị bẹn
Bố mẹ có thể nhận thấy vùng xung quanh vết rạch hoặc bìu sưng nhẹ sau mổ. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, những dấu hiệu sau cần lưu ý và xin ý kiến bác sĩ ngay:
- Trẻ không thể đi tiểu
- Sốt
- Sưng to vị trí vết mổ
- Vùng vết mổ tấy đỏ
- Chảy máu
- Đau ngày càng tăng
Theo dõi sau mổ thoát vị bẹn
Nếu trẻ ở gần bệnh viện, nên đến khám lại sau mổ 7 – 10 ngày. Phẫu thuật viên sẽ đánh giá tình trạng vết mổ và liền da.
Nếu ở xa, có thể đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, nhớ mang theo biên bản ghi lại phẫu thuật.
Khám lại ngay khi phát hiện tình trạng phình to vùng bẹn bìu chưa được cải thiện hoặc xuất hiện bên đối diện, hoặc bất cứ bất thường nào mà bố mẹ bệnh nhân lo lắng
Theo ThS. BS. Trần Đức Tâm