Bệnh viêm phế quản cấp là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cấp tính niêm mạc đường thở từ thanh quản trở xuống tới nhu mô phổi. Khi tình trạng viêm chỉ khu trú ở phía trên hai dây thanh âm sẽ được các thầy thuốc chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên, bao gồm: viêm mũi, họng, thanh quản…
Mục lục
Căn nguyên gây viêm phế quản cấp thường là do virus, vi khuẩn. Bệnh khi khỏi thường không để lại di chứng.
Đây là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày, có thể nói, không ai trong cuộc đời lại không có một vài lần bị viêm phế quản cấp. Nhiều trường hợp viêm phế quản cấp tự khỏi, mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nhiều trường hợp viêm phế quản cấp có triệu chứng không điển hình, đôi khi gây chẩn đoán nhầm với những bệnh nhiễm trùng khác của phổi như viêm phổi, ổ mủ trong phổi, hoặc bệnh tích mủ trong khoang màng phổi…
Rất nhiều người mắc viêm phế quản cấp được dùng kháng sinh không đúng, nhiều trường hợp không cần thiết phải dùng kháng sinh nhưng lại được người dân tự mua kháng sinh về dùng. Việc tự mua kháng sinh về dùng như vậy (ngay cả cho những người thực sự cần dùng kháng sinh) thì cũng thường gây ra việc lựa chọn kháng sinh sai, hoặc mua sai liều, hoặc dùng không đủ số ngày cần thiết. Điều đó thường làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh, bên cạnh đó còn làm gia tăng mạnh tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng, điều này làm cho việc dùng kháng sinh cho những lần nhiễm trùng hô hấp sau sẽ ít hiệu quả.
Bệnh viêm phế quản cấp có biểu hiện như thế nào?
Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết, bệnh thường xuất hiện sau một đợt cúm (người bệnh có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi). Sau đó bệnh nhân xuất hiện ho tăng dần, có thể ho đơn thuần không kèm khạc đờm, nhưng nhiều trường hợp có ho, khạc đờm. Trong những trường hợp này, người bệnh nên khạc đờm ra tờ giấy trắng, và nhận biết màu sắc đờm của mình. Nếu đờm màu trắng trong, khi đó bệnh thường chỉ do virus, nhưng khi thấy đờm có màu vàng, màu xanh, hoặc màu đục như mủ: những trường hợp này thường là viêm phế quản cấp do vi khuẩn, và cần được dùng kháng sinh.
Một số rất ít trường hợp viêm phế quản cấp có thể có khó thở, hoặc có sốt, thậm chí có thể có đau ngực. Để tránh nhầm lẫn viêm phế quản cấp với những bệnh nhiễm trùng hô hấp khác, tất cả những trường hợp có ho, khạc đờm, mà kèm theo chỉ cần một trong các biểu hiện như: bệnh kéo dài quá 5 ngày, có thêm biểu hiện sốt, khó thở, tức ngực hoặc mệt nhiều… cần đến khám bác sĩ ngay.
Cần làm thêm các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều được chẩn đoán xác định nhờ việc thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác, do vậy, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm một số xét nghiệm như
Chụp X quang phổi
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp được chẩn đoán mà không cần chụp X quang phổi. Một số bệnh nhân được yêu cầu chụp X quang phổi khi có biểu hiện ho, khạc đờm và kèm thêm một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh có tuổi > 75.
- Mạch > 100 lần/phút.
- Thở > 24 lần/phút.
- Nhiệt độ cặp ở nách > 38oC.
- Thấy ran ẩm, nổ, hội chứng đông đặc khi khám phổi.
Dựa trên phim X quang phổi, bác sĩ có thể phân biệt viêm phế quản cấp với các bệnh phổi nhiễm trùng khác như: viêm phổi, áp xe phổi,…
Xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh
Việc tìm căn nguyên gây bệnh thường không cần thiết trong hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sau khi khám lâm sàng, sẽ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh, từ đó kê đơn điều trị dựa theo triệu chứng lâm sàng, và những kinh nghiệm đã có khi điều trị những trường hợp viêm phế quản cấp trước đây.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn được yêu cầu làm xét nghiệm tìm căn nguyên gây viêm phế quản cấp như:
- Thầy thuốc muốn xác định đặc điểm vi sinh gây bệnh viêm phế quản cấp ở địa phương đó, từ đó làm căn cứ để kê thuốc điều trị cho những trường hợp tiếp theo
- Những trường hợp chẩn đoán viêm phế quản cấp, được chỉ định điều trị kháng sinh, nhưng không thấy có hiệu quả. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được cấy đờm, để tìm vi khuẩn gây bệnh, từ đó xác định khả năng kháng thuốc, nhạy cảm thuốc của vi khuẩn (kháng sinh đồ), làm cơ sở kê đơn kháng sinh tiếp theo.
Hình ảnh viêm phế quản cấp trên giải phẫu bệnh
Điều trị và phòng bệnh viêm phế quản cấp ở người lớn
Điều trị bệnh
Viêm phế quản cấp là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp không phức tạp. Có tới > 50% số trường hợp viêm phế quản cấp không cần điều trị mà tự thoái lui. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp viêm phế quản cấp cần được điều trị kháng sinh. Nhìn chung, trong điều trị viêm phế quản cấp, thường có một số vấn đề quan tâm bao gồm:
Khi nào dùng kháng sinh cho viêm phế quản cấp
Nguyên nhân hang đầu của viêm phế quản cấp là do virus, do vậy, trong nhiều trường hợp, viêm phế quản cấp không cần điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, khi người bệnh viêm phế quản cấp có những bằng chứng của bệnh do vi khuẩn (khạc đờm xanh, đờm vàng, hoặc đờm mủ), hoặc những trường hợp viêm phế quản cấp ở người có nguy cơ cao như:
- Viêm phế quản cấp ở người có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch.
- Viêm phế quản cấp ở người > 65 tuổi có ho cấp tính kèm thêm 2 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau; hoặc bệnh nhân trên 80 tuổi kèm thêm 1 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau: nhập viện trong 1 năm trước; có đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2; tiền sử suy tim xung huyết; hiện đang dùng corticoid uống.
Những trường hợp trên sẽ được các thầy thuốc kê đơn điều trị với kháng sinh.
Các kháng sinh thường dùng bao gồm: nhóm betalactam, macrolide, quinolone.
Điều trị các triệu chứng khác
– Người bệnh nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Có thể dùng thêm các thuốc long đờm trong trường hợp có đờm đặc, hoặc khó khạc đờm.
– Người bệnh không nên dùng thuốc giảm ho, do các thuốc giảm ho thường làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm chậm sự phục hồi của bệnh nhân.
– Khi điều trị tối ưu mà bệnh nhân còn ho nhiều, cần lưu ý tình trạng co thắt phế quản, hoặc cần lưu ý thêm các bệnh lý kèm theo như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh chưa được chẩn đoán chính xác.
Phòng bệnh
– Loại bỏ yếu tố kích thích: không hút thuốc, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm, giữ ấm vào mùa lạnh.
– Tiêm vacxin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi > 65.
– Điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.
– Vệ sinh răng miệng
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai