Viêm thanh quản cấp tính trên lâm sàng thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tổn thương chủ yếu của viêm thanh quản là viêm niêm mạc. Quá trình viêm có thể khu trú ở niêm mạc hoặc lan xuống lớp dưới. Diễn biến từ xung huyết, phù nề, loét niêm mạc đến viêm cơ, hoại tử sụn.
Có 4 dạng Viêm thanh quản cấp tính thường gặp.
- Viêm thanh quản cấp tính ở người lớn.
- Viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em.
- Viêm thanh quản hậu phát.
- Phù nề thanh quản.
1. Viêm thanh quản cấp tính ở người lớn
Trong viêm thanh quản cấp tính ở người lớn hay gặp:
- Viêm thanh quản xuất tiết.
- Viêm thanh quản do cúm.
- Viêm thanh thiệt.
1.1 Viêm thanh quản cấp tính xuất tiết.
Nguyên nhân:
- Hay gặp mùa lạnh viêm thường nặng, bệnh tích có thể từ mũi xuống thanh quản, nam giới bị nhiều hơn nữ giới vì có điều kiện phát sinh như: hút thuốc, uống rượu, làm việc nơi nhiều bụi, gió lạnh.
- Ngoài ra có nguyên nhân là virút.
Triệu chứng:
Triệu chứng toàn thân: ớn lạnh, đau mình, chân tay mỏi.
Triệu chứng cơ năng: bắt đầu đột ngột bằng cảm giác khô họng, nuốt đau, tiếng nói khàn hoặc mất kèm theo ho, khạc đờm.
Triệu chứng thực thể:
- Niêm mạc xung huyết, dây thanh nề đỏ, lớp dưới niêm mạc phù nề, xuất tiết nhầy đặc đọng ở mép sau và dây thanh.
- Bán liệt các cơ căng (cơ giáp phễu) và cơ khép (cơ bên phễu).
Diễn biến:
Bệnh tiến triển trong 3 – 4 ngày triệu chứng sẽ giảm đi, xung huyết nhạt dần, tiếng nói thường phục hồi chậm.
Điều trị:
- Hạn chế nói.
- Khí dung: KS + Corticoid.
- Giảm ho.
- Giảm đau.
- Phun Adrenalin 1/1000.
- Đông y: ăn quả chanh non đã nướng.
1.2 Viêm thanh quản do cúm.
Nguyên nhân:
Viêm thanh quản do virut cúm hoặc virut phối hợp với vi khuẩn thông thường.
Bênh tích thường lan xuống khí quản.
Triệu chứng:
Hình thái lâm sàng của viêm thanh quản do cúm rất phong phú nó thay đổi tùy theo loại vi khuẩn phối hợp.
- Thể xuất tiết: triệu chứng giống viêm thanh quản xuất tiết thông thường nhưng chúng ta nghĩ đến nguyên nhân cúm là vì có dịch cúm, đôi khi chúng ta thấy những điểm chảy máu dưới niêm mạc (đây là dấu hiệu của viêm thanh quản do cúm).
- Thể phù nề: thể này thường kế tiếp thể xuất tiết, thể phù nề ở thanh thiệt và mặt sau sụn phễu, niêm mạc bị căng bóng, đỏ, bệnh nhân nuốt đau và đôi khi khó thở.
- Thể loét: triệu chứng thực thể có những vết loét nông bờ đỏ ở sụn phễu, nẹp phễu thanh thiệt.
- Thể viêm tấy:
Sốt cao, mạch nhanh.
Nuốt khó, đau họng, tiếng nói khàn, khó thở kiểu thanh quản.
Vùng trước thanh quản bị sưng đau.
Tiên lượng:
Tùy theo bệnh tích và thể bệnh.
- Thể xuất tiết tiên lượng tốt.
- Thể phù nề, loét, hoại tử tiên lượng dè dặt.
Điều trị:
- Khí dung KS + Corticoid.
- Nếu có áp xe phải chích tháo mủ.
1.3 Viêm thanh thiệt phù nề
Thanh thiệt là cánh cửa của thanh quản mặt trước rất dễ bị viêm hay phù nề.
Triệu chứng
Bệnh nhân có cảm giác bị vướng đờm, khi nuốt đau nhói lên tai. Soi thanh quản gián tiếp thấy thanh thiệt sưng mọng như môi cá mè.
Điều trị:
- Chống viêm, giảm phù nề.
- Phun thuốc Cocain + Adrenalin.
2. Viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em
Viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em xảy ra chủ yếu do các nguyên nhân từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, vi nấm….
2.1 Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp tính trẻ em
Tác nhân trực tiếp gây bệnh viêm thanh quản là vi rút (cúm, APC…), vi khuẩn (phế cầu, Hemophilus influenzae…) và trực khuẩn bạch hầu (hiếm gặp).
Ngoài các nguyên nhân trực tiếp ở trên, có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho viêm phế quản phát triển, điển hình là:
- Trẻ bị viêm đường hô hấp mắc các bệnh viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm phổi…
- Trẻ la hét, nói lớn tiếng
- Bị trào ngược họng thanh quản
- Môi trường sống thiếu an toàn, có nhiều khói thuốc lá, thuốc lào…
- Khí hậu ẩm ướt, nhiệt độ thay đổi nóng lạnh thất thường…
2.2 Biểu hiện viêm thanh quản cấp tính trẻ em
Tùy từng tình trạng bệnh cụ thể mà mức độ biểu hiện viêm thanh quản của con có thể khác nhau. Một số biểu hiện viêm thanh quản chính ở trẻ cha mẹ nên chú ý là:
- Khàn tiếng, thở rít
- Trẻ sốt nhẹ khoảng 37.5 – 38.5 độ C
- Trẻ có biểu hiện khó thở, tùy từng mức độ bệnh mà biểu hiện khó thở có thể khác nhau. Ở mức độ nhẹ, trẻ chỉ ho, khàn tiếng; mức độ trung bình trẻ thường thở rít khi nằm yên, thở nhanh, co lõm; ở mức độ nặng trẻ thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, kích thích, vật vã, tím tái. Tình trạng lúc này trẻ đã bị tắc nghẽn hô hấp, rất nguy hiểm
Viêm thanh quản ở trẻ em có 4 loại chính là:
- Viêm thanh quản thanh môn: gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ độ tuổi từ 1 – 3 tuổi. Bệnh thường phát hiện về ban đêm trên trẻ nhỏ đang bị viêm mũi họng thông thường, tiến triển từ từ và đột nhiên xuất hiện khó thở thanh quản.
- Viêm thanh quản co thắt: trẻ bị viêm và phù nề khu trú vùng hạ họng, có thắt thanh quản gây ra các cơn khó thở lúc nửa đêm về sáng.
- Viêm thanh thiệt: thanh thiệt của trẻ sưng nề, trẻ có cảm giác nuốt đau, khó thở tăng, tiết nhiều nước bọt, khó thở có cảm giác tăng hơn khi nằm ngửa.
- Viêm thanh quản bạch cầu: đây là một thể nặng do vi khuẩn Loefler xâm nhập vào thanh quản gây phù nề và loét có màng giả. Màng giả trắng này dai, dính có thể khiến bít tắc đường thở.
2.3 Điều trị viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em
Điều trị viêm thanh quản như thế nào còn tùy thuộc vào tình trạng, mức độ nặng nhẹ của từng người bệnh. Trẻ bị viêm thanh quản không có khó thở, cha mẹ cần chú ý hạn chế để trẻ nói nhiều, tránh lạnh.
Điều trị chủ yếu là nội khoa bao gồm các thuốc kháng sinh, giảm viêm, tiêu đờm, giảm ho…, điều trị tại chỗ bằng các thuốc giảm viêm, men tiêu viêm… kết hợp nâng cao sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng, điện giải.
Với người bệnh khó thở thanh quản độ I điều trị chủ yếu nội khoa. Với trường hợp khó thở thanh quản độ II, III bác sĩ phải mở khí quản cấp cứu.
Phẫu thuật được bác sĩ cân nhắc trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, viêm thanh quản có hạt xơ dây thanh.