Tại sao phải có sự ra đời của thế hệ máy Chụp Cắt lớp vi tính (CLVT) 64 dãy?
Năm 2003, ra đời máy chụp CLVT 64 dãy đầu tiên, giúp tái tạo hình ảnh dưới 1mm, đây là cột mốc lớn đánh giá bước tiến vượt bậc của hệ thống cắt lớp vi tính trong đánh giá hệ thống động mạch vành. Với sự ra đời của máy CLVT 64 dãy việc tầm soát và loại trừ bệnh lý hệ thống động mạch vành dần đã trở thành phương pháp chẩn đoán chính, thay thế cho chụp động mạch vành qui ước trước đó.
Mục lục
Tại sao phải có sự ra đời của thế hệ máy CLVT 256 dãy?
Tuy nhiên, hệ thống máy CLVT 64 dãy trong đánh giá động mạch vành còn tồn tại một số nhược điểm như thời gian khảo sát còn dài khoảng 15 đến 20 giây, trong đó thời gian nhịp thở của bệnh nhân phải từ 8 đến 12 giây. Ngoài ra để thu được hình ảnh tốt thì nhịp tim trung bình của bệnh nhân phải thấp dưới 65 chu kì/phút, do đó bắt buộc phải dùng thuốc hạ nhịp tim, phổ biến nhất là dùng các chế phẩm của thuốc hạ nhịp beta blocker.
Vì vậy với các bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc hạ nhịp beta blocker và các bệnh nhân đã dùng đủ số lượng thuốc để hạ nhịp nhưng nhịp tim vẫn cao trên 70 chu kì/phút sẽ không thể chụp được.
Đến năm 2008, ra đời máy chụp CLVT 2 nguồn thế hệ thứ hai (defenition Flash) nhằm khắc chế các nhược điểm của máy CLVT 2 nguồn thế hệ thứ nhất trước đó. Tính đến nay, trên toàn thế giới đã có 455 trung tâm và bệnh viện trên toàn thế giới lắp đặt hệ thống CLVT 2 nguồn thế hệ thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước thứ năm lắp đặt hệ thống này sau Malaysia (6 máy), Singapore (3 máy), Indonexia (1 máy), Philipin (1 máy).
Tại sao phải lắp đặt máy 256 dãy tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai?
BV Bạch mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt lớn nhất khu vực phía Bắc, trong đó có Viện Tim Mạch quốc gia, là Viện đầu ngành Tim Mạch của cả nước nên bệnh nhân tim mạch được chuyển đến từ nhiều miền của đất nước, số BN có chỉ định chụp mạch vành nhằm tầm soát bệnh và yêu cầu chẩn đoán rất nhiều. Khoa Chẩn đoán hình ảnh là đơn vị đứng đầu trong cả nước về can thiệp Điện quang đặc biệt là can thiệp thần kinh, chụp mạch chẩn đoán bằng CLVT đa dãy trước can thiệp điều trị rất cần thiết, giúp cho các bác sỹ đặt chiến lược và tiên lượng trong điều trị.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai lắp đặt máy cắt lớp vi tính 64 dãy đầu thu của hãng Siemens, CHLB Đức ( Somatoma sensations) từ tháng 12 năm 2006. Vận hành chính thức từ tháng 1 năm 2007, là máy cắt lớp vi tính 64 dãy đầu tiên lắp đặt tại miền Bắc. Tính đến cuối năm 2011 đã có tổng cộng khoảng ~7600 BN chụp động mạch vành đã thực hiện.
Trong đó năm 2007 chụp 1441BN, năm 2008 chụp 1285 BN, năm 2009 chụp 1596 BN, năm 2010 chụp 1700BN, năm 2011 chụp 1600BN. Tuy nhiên còn khoảng ¼ lượng bệnh nhân không thể chụp được hoặc chụp hỏng do một số yếu tố như bệnh nhân có nhịp tim cao kể cả sau khi đã dùng thuốc hạ nhịp, chống chỉ định thuốc hạ nhịp beta blocker, BN không phối hợp nhịn thở, không thể nhịp thở được dài khoảng từ 12 giây trở lên…
Hệ thống máy CLVT siêu tốc 256 dãy là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và yêu cầu của lâm sàng.
Siêu tốc độ – Tốc độ chụp nhanh như đèn Flash
Hệ thống máy CLVT 256 dãy mở ra những cấp độ mới về tính thân thiện với người bệnh với tốc độ 0,28 giây cho 01 vòng quay đã giải quyết cho rất nhiều bệnh nhân nhi khoa, bệnh nhân với nhịp tim không đều và khó khăn trong việc hợp tác nhịn thở. Các ca chụp tưới máu hay các ca chụp mạch phạm vi rộng sẽ trở thành chụp thường quy sẽ chỉ mất dưới một giây. Hệ thống máy CLVT 256 dãy cũng là giải pháp để chụp các ca bệnh khó vì không làm mất thời gian trong quá trình thăm khám (ví dụ: các bệnh nhân béo phì và bị chấn thương, trẻ em hiếu động hay các bệnh nhân không thể nhịn thở lâu).
Liều tia thấp nhất
Giảm liều tia tối đa cho bệnh nhân đồng thời mang đến chất lượng hình ảnh cao nhất là tiêu chí lựa chọn đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai.
PGS. TS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thách thức lớn nhất trong chụp động mạch vành bằng máy chụp Cắt lớp vi tính (CLVT) đa dãy là nhịp tim nhanh. Trước đây chúng tôi không thể chụp được mạch vành khi nhịp tim > 80 lần phút. Thậm chí kể cả nhịp tim trên 70 lần phút, chất lượng hình ảnh cũng sẽ không tốt. Thiết bị chụp CLVT SOMATOM Definition Flash cho phép chúng tôi chụp những bệnh nhân mà nhịp tim không đều, nhịp nhanh, nhịn thở kém … hoàn toàn thất bại trên máy CLVT 64 dãy. Đây chính là công cụ hữu hiệu nhất để tầm soát bệnh mạch vành cho tới thời điểm hiện tại.
Ông cho biết thêm: “Với độ phân giải không gian và thời gian cao, thiết bị chụp CLVT SOMATOM Definition Flash của Siemens giúp các ca chụp CT nhanh hơn, đồng thời mang đến chất lượng hình ảnh cao hơn so với các máy CT thông thường trước đây.”
Ông Erdal Elver, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Siemens Đông Nam Á phát biểu: “Siemens đã và đang cung cấp rất nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao tại Bệnh viện Bạch Mai và lần này chúng tôi mang đến một trong những thiết bị y tế tốt nhất trên thị trường hiện nay. Thiết bị này không những thân thiện với môi trường, mà còn rất thân thiện với bệnh nhân vì nó giúp giảm liều tia rất nhiều so với thế hệ máy trước đây. Chúng tôi tin tưởng rằng thiết bị chụp CLVT tiên tiến này sẽ giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện đặc biệt là việc chẩn đoán các bệnh tim- một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với con người.”
PGs.TS. PHẠM MINH THÔNG – P.GĐBV