Đến năm 2018, Ấn Độ sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới. Chỉ trong thập niên từ 2001 – 2011, dân số nước này đã tăng 17,6%, đạt con số hơn 1,2 tỷ người. Để kiểm soát tỷ lệ sinh đẻ, Chính phủ Ấn Độ vẫn tiếp tục khuyến khích áp dụng phương pháp hiệu quả và đơn giản là triệt sản.
Trước thực trạng dân số tăng nhanh chóng, phụ nữ Ấn Độ, chủ yếu là người nghèo ở nông thôn, bị coi là những cái “máy đẻ vô trách nhiệm”.
Triệt sản phụ nữ là biện pháp tránh thai chủ yếu hiện nay ở Ấn Độ
Vì xã hội Ấn Độ còn nhiều định kiến “trọng nam khinh nữ” nên đối tượng triệt sản vẫn chủ yếu nhằm vào phụ nữ. 40 năm trước, Ấn Độ chủ yếu triệt sản nam giới nhằm kiềm chế đà tăng dân số. Tuy nhiên, chiến dịch triệt sản trong thời gian qua lại tập trung vào phụ nữ mặc dù cắt ống dẫn tinh là thủ thuật dễ làm hơn là cắt bỏ ống dẫn trứng.
Hiện, triệt sản ở phụ nữ vẫn là biện pháp tránh thai chủ yếu ở Ấn Độ nhằm giảm tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước có số dân đông thứ 2 thế giới này. Nhưng cách làm “chạy theo con số” của các cấp chính quyền đã để xảy ra những biến thái tiêu cực cả về mặt đạo đức cũng như y học, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn nghèo khổ.
Chính sách triệt sản quy mô lớn đã kéo theo tình trạng một phòng phẫu thuật chỉ có 6 giường bệnh giờ bị nhồi nhét 100 phụ nữ la liệt dưới sàn chờ phẫu thuật cắt ống dẫn trứng. Có những bác sĩ phải thực hiện tới 13.000 ca phẫu thuật triệt sản trong vòng một năm.
Những nguy hại đáng báo động
Trên thực tế, trong điều kiện hệ thống y tế yếu kém như ở nông thôn Ấn Độ, triệt sản đại trà đã và đang gây nhiều nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ. Gần đây đã xảy ra nhiều vụ khiến hàng chục phụ nữ Ấn Độ chết do bị huy động đi triệt sản để bảo đảm chỉ tiêu con số do chính quyền đề ra. Chẳng hạn như vụ 11 phụ nữ tử vong và 62 người phải nhập viện sau khi tiến hành phẫu thuật triệt sản tại một trung tâm y tế di động của Chính phủ ở Ấn Độ.
Để đạt được tỷ lệ giảm sinh, chính quyền nhiều địa phương Ấn Độ không từ một cách thức nào từ cưỡng bức, khuyến khích bằng tiền… cho đến các hình thức phạt như các gia đình có hơn 2 con không được hưởng các trợ cấp xã hội.
An Nguyên – Benh.vn (tổng hợp)