Nhà báo Nicholas Kristof chia sẻ khi có cơ hội được sống tại Nhật Bản, anh càng được mở rộng tầm mắt của mình hơn khi có dịp cùng con trai đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc này.
Cách người Nhật dạy trẻ con luôn khiến nhiều phụ huynh ở các nước khác trên thế giới phải ngưỡng mộ. Nhà báo Nicholas Kristof cũng thế. Anh rất ngạc nhiên, tò mò và ngưỡng mộ khi thấy trẻ con không bao giờ nghịch ngợm những hũ muối, tiêu ở trên bàn khi ngồi trong nhà hàng, hay chúng chẳng bao giờ mè nheo đòi mua kem khi đi trên đường giữa mùa hè nóng nực. Càng sống ở đây, anh càng được mở rộng tầm mắt của mình hơn khi có dịp cùng con trai đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc này.
Gia đình nhà báo Nicholas Kristof. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện nhặt được đồng xu ở Nhật Bản
Một hôm nọ, khi cùng con trai Gregory khi đó mới 5 tuổi đang dạo chơi trên đường phố Nhật Bản, anh và con trai phải đứng lại khi cậu bé nhìn thấy vật gì đó rơi trên đường. Nhặt lên xem, Gregory hí hửng khi biết được đó là đồng xu 100 yên, trị giá khoảng 1 đô la Mỹ. Theo anh Nicholas, trẻ con Nhật Bản mỗi khi tìm thấy tiền rơi trên phố sẽ được bố mẹ đưa đến cảnh sát địa phương để báo cáo về số tiền này.
Anh quyết định làm theo cách của bố mẹ Nhật. Gregory khi đó rất lưỡng lự, tỏ vẻ không muốn đi và Nicholas biết, đây là lúc để anh giúp con hiểu không phải lúc nào người tìm thấy cũng sẽ là người được giữ. Vì ngày hôm đó còn vài việc bận rộn nên đến ngày hôm sau, Nicholas mới đưa con đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo.
Tiếp đón bố con Nicholas là một vị cảnh sát trẻ tuổi. Sau khi nhận đồng xu, anh cảnh sát hỏi Gregory: “Cháu thấy đồng xu khi nào?”, “Dạ hôm qua”, Gregory trả lời. “Vào lúc mấy giờ?”, anh cảnh sát hỏi tiếp. Bố con anh Nicholas áng chừng khi đó là khoảng 5 giờ 50 phút chiều.
Tiếp theo, anh cảnh sát hỏi thêm vài câu hỏi về địa chỉ nơi ở của Gregory, vài thông tin khác cùng vị trí chính xác ở công viên Arisugawa mà cậu bé đã tìm thấy đồng xu. Sau đó, anh quay sang gọi điện thoại cho ai đó, thông báo tỉ mỉ sự việc rồi gắn số quản lý cho đồng xu được tìm thấy. Cuối cùng, anh mới quay sang ca ngợi sự thật thà của Gregory, đưa bố con anh Nicholas một tờ giấy chứng nhận và nói rằng sau 6 tháng nếu không có ai nhận lại đồng 100 yên này, nó sẽ thuộc về bố con anh.
Đầu tư cho sự trung thực là xứng đáng
Tổng thời gian vị cảnh sát dành để giải quyết sự việc là khoảng 30 phút. Đối với nhiều người, đây có lẽ là một sự lãng phí thời gian để giải quyết việc không đâu nhưng với người Nhật thì không. Bởi thậm chí, có nhiều bố mẹ Nhật đã đưa con đến cảnh sát trình báo khi con mình nhặt được đồng xu 1 yên. Người Nhật xem đó là đầu tư cho sự trung thực – một đức tính không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn cũng không thể thiếu.
Cậu bé Gregory bước ra khỏi đồn cảnh sát với gương mặt rạng rỡ còn anh Nicholas đã được thuyết phục về một cách dạy trẻ con quá tuyệt vời.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.
3 ngày sau, khi Gregory cùng bố rời khỏi trường mẫu giáo trở về nhà, cậu bé lại vô tình nhặt được 1 đồng xu 10 yên nữa. Lúc này, với tâm trạng đầy phấn khích, Gregory bảo bố: “Đến đồn cảnh sát nào bố ơi”.