Thịt cóc, ruốc cóc vẫn thường được nhiều người truyền tai nhau về tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đặc biệt những trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng. Vậy phương pháp này có tốt như mọi người vẫn nghĩ không, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng thịt cóc là sai hay đúng hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.
Mục lục
Giá trị dinh dưỡng thật sự có trong thịt cóc
Theo quan niệm của đông y, thịt cóc có tác dụng bổ tỳ giúp cho trẻ ăn ngon miệng, tiêu hoá tốt. Còn theo dinh dưỡng hiện đại, thịt cóc cũng là nguồn dinh dưỡng tốt, có độ đạm cao tương đương thịt gà.
Trong 100g thịt cóc có chứa 18,6g đạm (protein), ngoài ra còn có một yếu tố vi lượng đặc biệt khác là kẽm rất tốt cho sự phát triển và phục hồi dinh dưỡng của trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì lượng kẽm trong thịt cóc vẫn thua con hàu.
Khi so sánh lượng đạm trong 100 gram thịt cóc so với thịt bò, thịt dê, thịt heo…thì kết quả tương đương nhưng giá thành của thịt cóc lại đắt hơn nhiều so với các loại thịt còn lại.
Thịt cóc có độ đạm cao tương đương thịt gà.
Độc tố có trong thịt cóc
– Độc tố có ở một số bộ phận cơ thể của cóc:
+ Nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng.
+ Các bộ phận của cóc như: gan, da, trứng có chứa lượng độc tố kịch độc đủ quật ngã 4 – 5 người khỏe mạnh.
+ Thịt cóc và xương cóc không có chứa độc nhưng rất khó để đảm bảo rằng trong quá trình làm thịt cóc bạn có thể loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt cóc.
– Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin gồm nhiều chất như 5-MeO-DMT, Bufagin, Bufotaline, Bufogenine, Bufothionine, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin…
Tác động sinh học của độc tố tùy theo cấu trúc hoá học: Bufagin tác động đến tim mạch như nhóm Glycoside tim mạch; Bufotenine gây ảo giác; Serotonin gây hạ huyết áp… Thành phần độc tố thay đổi tuỳ theo loài cóc.
– Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da bình thường, nhưng gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc người.
– Loại độc tố này không bị phá hủy bởi nhiệt nên dù ăn thịt cóc nấu chín thì nguy cơ ngộ độc vẫn rất cao.
Độc tố có ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc.
Dấu hiệu ngộ độc thịt cóc
– Chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội.
– Có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, Block nhĩ – thất, truỵ tim mạch.
– Huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.
– Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc…
Lời kết
Những điều trên cho thấy thịt cóc không phải là một loại thần dược cho sức khỏe của trẻ như các bậc cha mẹ vẫn nghĩ bởi giá trị dinh dưỡng của nó chỉ tương đương với thịt gà nhưng nguy cơ tiềm ẩn lại quá lớn.
Tốt nhất để trẻ phát triển khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh các gia đình nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng chủng loại thực phẩm. Nếu các mẹ vẫn chọn mua thịt cóc hoặc các chế phẩm từ thịt cóc cho con sử dụng thì hãy lựa những nơi bán hàng uy tín để đảm bảo tốt nhất sức khoẻ cho trẻ.
Benh.vn