Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cùng với sự gia tăng các nguồn lực, hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây ngày càng tăng. Bệnh viện cũng luôn hướng tới mục tiêu “ Bảo vệ tốt sức khỏe phụ nữ, các bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần vào việc giải phóng phụ nữ, phát triển sản xuất, bảo vệ thế hệ tương lai của Tổ quốc”
Sơ lược thông tin về bệnh viện Phụ sản Trung ương
Bệnh viện Phụ sản Trung ương (trước là viện C) là một trong các bệnh viện lớn nhất trong chuyên ngành Phụ sản và Sơ sinh được nhiều sản phụ lựa chọn. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong các trung tâm đào tạo Đại học và sau Đại học lớn trong cả nước.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương có quy mô là 600 giường bệnh, 08 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng, 09 khoa cận lâm sàng, 05 trung tâm.
Lịch sử ra đời của bệnh viện Phụ sản Trung ương
Trước kia, bệnh viện Phụ sản Trung ương là một nhà tu, sau đó được tu sửa lại và làm nơi khám chữa bệnh cho các cán bộ của các cơ quan trung ương. Ngày 19/7/1955, bệnh viện C – tiền thân của bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày nay chính thức được thành lập. Đây là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam chuyên nghiên cứu tình trạng sinh lý, bệnh của Phụ nữ với mục tiêu chính là bảo vệ tốt sức khỏe phụ nữ, các bà mẹ sơ sinh góp phần vào việc giải phóng phụ nữ, phát triển sản xuất, bảo vệ thế hệ tương lai của Tổ quốc.
Do nhu cầu khám chữa các bệnh về sinh lý, sinh sản ngày một lớn nên bệnh viện đã thay đổi mô hình, đổi tên từ Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh thành bệnh viện Phụ sản Trung ương, thuộc Bộ Y tế, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện những chức năng, nhiệm vụ trước đây của Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh với những yêu cầu cao hơn trong tình hình mới.
Địa chỉ, thông tin liên lạc của bệnh viện Phụ sản Trung ương
Bệnh viện phụ sản Trung Ương nằm ở khu vực trung tâm thủ đô trên phố Tràng Thi, do đó, không có nhiều bãi đậu xe nếu bạn muốn đến khám chữa bệnh bằng phương tiện cá nhân.
- Địa chỉ: Số 43 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Điện thoại: 024 3825 2161
- Fax: 024 3825 4638
- Email: ipmn@hn.vnn.vn
- Website: http://www.phusantrunguong.vn
- Cơ quan chủ quản: Bộ Y tế
Lịch làm việc của bệnh viện Phụ sản Trung ương
Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, từ 6h30 đến 16h30
Phòng khám theo yêu cầu nằm tại số 56 Hai Bà Trưng, phòng khám này làm việc tất cả các ngày trong tuần từ 7h30 đến 16h30 kể cả thứ 7 và chủ nhật. Tuy nhiên, các thủ thuật không được thực hiện cuối tuần mà bệnh nhân cần làm thủ tục và thực hiện thủ thuật các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6.
Các khoa có trong bệnh viện Phụ sản Trung ương
Các khoa lâm sàng: Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (số 56 Hai Bà Trưng), Khoa Phẫu thuật – gây mê, Khoa Phụ ngoại, Khoa Phụ nội tiết, Khoa Phụ ung thư, Khoa Sản bệnh lý, Khoa Sản nhiễm khuẩn, Khoa Sản thường, Khoa Đẻ, Khoa Điều trị theo yêu cầu, Đơn vị Chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Khoa Hồi sức cấp cứu
Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện phụ sản trung ương được thành lập từ năm 1999. Hiện nay, trưởng khoa là Ths Nguyễn thị Xuân.
Khoa hồi sức cấp cứu có chức năng vô cùng quan trọng trong cơ cấu nghiệp vụ của bệnh viện phụ sản Trung Ương:
- Nơi tiếp nhận các ca bệnh nặng đặc biệt là bệnh lý nội khoa nặng, điều trị quá kích buồng trứng năng. Các ca tiểu đường thai nghén, suy tim, ung thư suy kiệt trong thời gian mang thai đều được tiếp nhận ở khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Phụ sản Trung ương.
- Thực hiện công tác cấp cứu 24/7 và điều trị chăm sóc bệnh nhân tại khoa trước khi được chuyển sang các khoa phòng khác.
- Chăm sóc, theo dõi và điều trị sản phụ sau sinh và trẻ sơ sinh.
- Phòng hồi sức cấp cứu cũng tham gia cùng các khoa phòng khác trong công tác khám chữa bệnh như: Tham gia hội chẩn, cấp cứu các ca bệnh nặng, Hỗ trợ giảm đau và làm điện tâm đồ cho bệnh nhân có chỉ định mổ và hỗ trợ sinh sản trong bệnh viện.
Khoa Phẫu thuật gây mê
Khoa Phẫu thuật gây mê được thành lập năm 1966, do BSCKII Nguyễn Hoàng Ngọc là trưởng khoa. Số nhân sự hiện tại trong khoa bao gồm 73 cán bộ bao gồm 02 tiến sĩ, 03 BSCKII, 01 BSCKI, 05 thạc sĩ, 49 điều dưỡng và 12 hộ lý. Dưới đây là bảng thống kê số bệnh nhân được phẫu thuật trong những năm gần đây:
Năm | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 |
Mổ đẻ | 8107 | 9710 | 11995 | 10667 | 11072 |
Mổ phụ khoa | 7824 | 8340 | 8315 | 8523 | 9442 |
Mổ nội soi | 5579 | 6087 | 6452 | 6609 | 7227 |
Tổng sô | 15931 | 18050 | 20210 | 19910 | 20515 |
Khoa Phụ ngoại
Khoa Phụ ngoại được thành lập từ năm 1975, do ThS Đinh Quốc Hưng là trưởng khoa. Chức năng chính của Khoa Phụ ngoại bao gồm:
- Khám nhận điều trị, phẫu thuật theo lịch trình các bệnh lý phụ khoa lành tính: u xơ tử cung, u buồng trứng, polyp buồng tử cung, khối viêm phần phụ….
- Tiếp nhận điều trị, phẫu thuật các bệnh lý cấp cứu: chửa ngoài tử cung, chửa tại sẹo vết mổ, u buồng trứng xoắn, chảy máu trong nang; u xơ tử cung, polyp buồng tử cung băng kinh, băng huyết, thiếu máu…
- Là cơ sở đào tạo phẫu thuật nội soi và mổ mở cho các bác sĩ trẻ trong bệnh viện, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa và các bác sĩ tỉnh.
Khoa Phụ nội tiết
Khoa Phụ nội tiết được thành lập năm 1969, do ThS. BS Đặng Anh Linh là trưởng khoa. Chức năng chính của Khoa Phụ nội tiết bao gồm:
- Điều trị vô sinh hiếm muộn nội soi vô sinh, rối loạn nội tiết
- Thực hiện các thủ thuật như hút thai dưới 12 tuần, phẫu thuật vòi tử cung
- Điều trị giữ thai dưới 13 tuần do các nguyên nhân
Khoa Phụ ung thư
Khoa Phụ ung thư được thành lập từ năm 1966, là một trong những khoa lâu đời của bệnh viện phụ sản Trung Ương. Chức năng chính của khoa Phụ ung thư là khám, chẩn đoán, sàng lọc và điều trị các bệnh ung thư phụ khoa. Tiêu biểu là điều trị các nhóm ung thư bằng các phương pháp hiện đại, thường xuyên cập nhật như:
- Chẩn đoán ung thư: Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng tế bào Liquid Test, ThinPrep PAP Test, PAP Smear; Sinh thiết niêm mạc tử cung; Sinh thiết lõi, chọc hút bằng kim nhỏ, mammography
- Phẫu thuật điều trị ung thư như:
- Cắt tử cung trong các trường hợp: U nguyên bào nuôi, cắt hoàn toàn ở bệnh nhân CIN III và CIS, cắt sau nạo trưng ở bệnh nhân lớn tuổi; Cắt tử cung hoàn toàn và vét hạch chậu trên bệnh nhân ung thư niêm mạc tử cung
- Cắt phần phụ trong trường hợp xoắn nang hoàng tuyến
- Phẫu thuật ung thư buồng trứng giáp biên giai đoạn sớm
- Nạo hút buồng tử cung trên bệnh nhân ra máu sau mãn kinh
- Phẫu thuật thăm dò trung u tiểu khung
- Phẫu thuật bóc u xơ vú, cắt vú đồng thời nạo hạch và tạo hình vú.
- Phẫu thuật cắt âm hộ đồng thời nạo vét hạch bẹn trong ung thư âm hộ.
- Chọc hút dịch ổ bụng trên bệnh nhân ung thư xuất hiện cổ chướng
- Điều trị hóa chất đối với u nguyên bào nuôi, ung thư buồng trứng, trước và sau phẫu thuật.
- Điều trị hoá chất và Điều trị nội tiết trên các bệnh nhân K vú.
Khoa Sản nhiễm khuẩn
Khoa Sản nhiễm khuẩn do TS. BS Nguyễn Quảng Bắc là trưởng khoa. Khoa Sản nhiễm khuẩn có chức năng chính là điều trị bệnh nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc, toác vết mổ thành bụng, viêm gan, lao, HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm khác.
Khoa Sản thường
Khoa Sản thường cũng là một trong những khoa điều trị đầu tiên tại bệnh viện phụ sản Trung Ương, Chức năng chính của khoa sản thường gồm:
- Chăm sóc và theo dõi các sản phụ đẻ thường, mổ lấy thai, điều trị sau mổ
- Thực hiện mổ lấy thai trong các trường hợp ngôi vai, ngôi mông, song thai, thai lớn, sẹo mổ đẻ cũ. Đồng thời theo dõi và tiếp nhận các sản phụ đủ tháng chờ chuyển dạ
- Điều trị một số bệnh đái tháo đường thai nghén, thiếu máu độ nhẹ cho các bệnh nhân sau đẻ thường hoặc đẻ mổ
- Chăm sóc trẻ sơ sinh sau đẻ, kể cả trẻ sinh non thiếu tháng,
- Giáo dục các phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, kế hoạch hoá gia đình.
- Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo các học viên, sinh viên của các trường Đại học và Cao đẳng. Đào tạo chuyên môn cho các cán bộ y tế tuyến dưới.
- Phối hợp cùng các khoa, phòng, trung tâm có liên quan để thực hiện các chức năng của bệnh viện.
Khoa Đẻ
Khoa Đẻ được thành lập vào ngày 8/11/1960, do TS. Vũ Văn Khanh là trưởng khoa. Chức năng chính của Khoa Đẻ bao gồm:
- Tiếp nhận khám và điều trị, giải quyết trường hợp chuyển dạ đẻ ( non tháng, đủ tháng và bệnh lý) .
- Đẻ thủ thuật, giảm đau trong đẻ
- Phẫu thuật lấy thai
- Thủ thuật, kỹ thuật cầm máu cấp cứu sau đẻ ( đặt bóng Cook; bóng Baki buồng tủ cung, âm đạo…)
- Chăm sóc sơ sinh thiết yếu
- Tuyên truyền, giáo dục cho sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ và KHHGĐ..
- Đào tạo các lớp sinh viên đại học Y Hà Nội, đại học Quân Y, đại học Điều dưỡng Nam Định, đại học Thăng Long, cao đẳng Y Hà Nội; các bác sỹ sau đại học và các bác sĩ, nữ hộ sinh các tuyến huyện, tỉnh.
- Nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến.
Khoa Sản bệnh lý
Khoa Sản bệnh lý được thành lập vào năm 1969, do PGS. TS. Trần Danh Cường là trưởng khoa. Chức năng chính của Khoa Sản bệnh lý bao gồm:
- Tiếp nhận và điều trị cho các bà mẹ có thai kèm theo bệnh lý của người mẹ, của thai và phần phụ của thai (trừ những bệnh truyền nhiễm) như bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh về nội tiết Basedow, đái tháo đường, bệnh máu, rau tiền đạo, rau bong non. Thai chết lưu, thai bất thường phải đình chỉ thai nghén, thai chậm phát triển trong tử cung, tiền sản giật.
- Điều trị thai nghén nguy cơ cao sau hỗ trợ sinh sản như IVF, IUI, thai phụ có hội chứng kháng photpholipide…
- Điều trị dọa đẻ non ở đa thai bằng nội khoa (sử dụng thuốc) hay ngoại khoa (khâu CTC, nong hay sử dụng vòng)
- Điều trị TSG bằng cách ứng dụng một số phác đồ điều trị hiện đại.
Quy trình khám bệnh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương
Dưới đây là quy trình chung khi khám bệnh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh nhân có thể tham khảo:
- Lấy số khám và mua sổ y bạ tại Bàn hướng dẫn (tầng 1 nhà G).
- Ngồi ghế đợi được gọi đến các bàn kính để lấy phiếu khám và mua hoá đơn khám bệnh.
- Đến khám bệnh tại phòng khám được ghi trên phiếu khám.
- Khi có chỉ định xét nghiệm và siêu âm thì trở lại Bàn hướng dẫn để lấy số và ngồi đợi mua hoá đơn.
- Siêu âm: đến phòng lấy số siêu âm ở tầng 1 nhà H, sau đó đến siêu âm tại phòng siêu âm được ghi trên phiếu.
- Xét nghiệm: lấy máu và bệnh phẩm tại đơn vị lấy máu và bệnh phẩm tập trung (tầng 1 nhà A), đợi lấy kết quả tại “Nơi trả kết quả xét nghiệm”. Kết quả xét nghiệm của người bệnh đến khám thai được trả về đúng phòng mà người bệnh được khám thai.
- Sau khi có kết quả xét nghiệm và siêu âm, bác sỹ đọc kết quả và kê đơn thuốc, hẹn khám lại hoặc chuyển người bệnh đến các buổi khám chuyên khoa, khám hội chẩn. Người bệnh nào có chỉ định nhập viện thì theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Quy trình khám bệnh trường hợp có BHYT
Khám bệnh có số BHYT có quầy lấy số riêng và khu vực phòng khám bệnh riêng biệt.Quy trình khám bệnh cụ thể như sau:
- Bệnh nhân lấy số và mua sổ khám bệnh tại bàn hướng dẫn tại tầng 1 nhà G. Bàn kính số 21 22 dành để làm thủ tục cho bệnh nhân có bảo hiểm Y tế,
- Bệnh nhân đến khám bệnh tại phòng 6 nhà A, Nếu có chỉ định siêu âm, xét nghiệm, bệnh nhân quay lại bàn 21, 22 để đóng viện phí theo chính sách bảo hiểm.
- Phòng siêu âm cho bệnh nhân khám bảo hiểm ở tầng 1 nhà H. Các xét nghiệm được thực hiện tại tầng 1 nhà A.
- Sau khi có kết quả xét nghiệm, siêu âm, bệnh nhân cầm kết quả quay lại phòng khám ban đầu để bác sỹ đánh giá.
- Bệnh nhân được bác sỹ chẩn đoán và kê đơn thuốc ngoại trú đến bàn số 3, 4 đóng tiền và quay lại bàn 21-22 để làm thủ tục và lấy thẻ BHYT. Bệnh nhân nhận thuốc tại khoa Dược, tầng 2 nhà G.
- Bệnh nhân cần nhập viện thì quay lại bàn 21-22 để được hướng dẫn và đăng ký nhập viện.
Quy trình khám với trường hợp không có BHYT
Bệnh nhân tới khám không có sổ BHYT thủ tục nhanh hơn nhưng không được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Khi đến khám, bệnh nhân lưu ý các bước để tránh mất thời gian
- Bệnh nhân lấy số và mua sổ y bạ tại bàn hướng dẫn tại tầng 1 nhà G
- Bệnh nhân xếp hàng trước các bàn kính theo hướng dẫn để lấy phiếu khám và mua hoá đơn khám bệnh
- Bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám
- Sau khi khám, bệnh nhân nếu có xét nghiệm hoặc siêu âm vui lòng quay lại bàn hướng dẫn lấy số và đợi mua hoá đơn khám bệnh. Siêu âm thực hiện tại tầng 1 nhà H. Các xét nghiệm được làm tại tầng 1 nhà A. Kết quả xét nghiệm được trả về đúng phòng khám thai.
- Sau khi có kết quả, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc hoặc hẹn khám lại. Trong các trường hợp cần có thể chuyển bệnh nhân đến khám chuyên khoa hoặc hội chẩn.
- Bệnh nhân nhập viện theo chỉ định vui lòng quay lại quầy lễ tân để được hướng dẫn thủ tục.
Những lưu ý khi đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương
Dưới đây là một số lưu ý cho bệnh nhân khi đi đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương:
- Xin giấy chuyển viện nếu bảo hiểm y tế trái tuyến (có hiệu lực đến lúc sinh). Thêm vào đó, giấy chuyển viện cũng giúp giảm một phần chi phí khi đăng ký sinh. Bệnh nhân nên photo thành nhiều bản để dùng được nhiều lần.
- Bệnh nhân có thể bắt đầu đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương từ tuần thứ 28. Chi phí khám, xét nghiệm, siêu âm để làm hồ sơ sinh rơi vào khoảng 1,5 triệu. Để tiết kiệm thời gian làm xét nghiệm, bệnh nhân có thể lấy sẵn nước tiểu tại nhà vào một chiếc lọ đựng sạch.
- Sau khi làm xong các xét nghiệm, siêu âm, bệnh nhân mang toàn bộ kết quả xuống phòng khám đầu tiên để bác sĩ đánh giá. Sau đó, bệnh nhân mang sổ khám, kết quả siêu âm, xét nghiệm sang phòng làm hồ sơ sinh để làm hồ sơ sinh. Bệnh nhân mang theo sổ khám có mã hồ sơ vào ngày đẻ.
Chi phí khám bệnh và đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương
Chi phí khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương không khác nhiều so với các bệnh viện công khác. Chi phí đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương dao động từ 1,5 triệu – 1,8 triệu. Chi phí khám tổng quát và khám chuyên khoa dao động từ 300.000 – 500.000. Chi tiết mức giá giống với bảng dưới đây:
STT | MÃ | TÊN DANH MỤC KỸ THUẬT | GIÁ THU THEO YÊU CẦU |
Khám Bệnh | |||
1 | PK001 | Khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa | 300.000 |
2 | PK579 | Khám hội chẩn Ban Giám Đốc và khám theo yêu cầu GS, PSG | 500.000 |
3 | PK580 | Khám Lâm Sàng, Khám Chuyên Khoa Sơ Sinh | 300.000 |
4 | PK581 | Khám lâm sàng, khám chuyên khoa sơ sinh (khám mắt sơ sinh non tháng để tầm soát bệnh lý võng mạc) | 300.000 |
Chẩn Đoán Trước Sinh | |||
1 | CD004 | Xét nghiệm Double Test | 450.000 |
2 | CD006 | Công thức nhiễm sắc thể (Karyotype) máu ngoại vi | 685.000 |
3 | CD007 | Định lượng free bHCG (Free Beta Human Chorionic Gonadotropin) | 182.000 |
4 | CD015 | Đo âm ốc tai (OAE) chẩn đoán | 532.000 |
5 | CD016 | Ghi đáp ứng thính giác thân não (ABR) | 400.000 |
Chụp X quang | |||
1 | XQ004 | Chụp Xquang tử cung vòi trứng (Cotte) | 800.000 |
2 | XQ017 | Chụp Xquang tuyến vú (Mammography 1 bên) | 100.000 |
Giải Phẫu Bệnh | |||
1 | GP001 | Nhuộm hai màu Hematoxyline- Eosin | 321.000 |
2 | GP004 | Xét nghiệm tế bào học bằng phương pháp tế bào học chất lỏng – Liquid-based cytology (Liqui Prep, Thin Prep pap test) | 560.000 |
3 | GP006 | HPV DNA test | 700.000 |
4 | GP007 | Nhuộm hóa mô miễn dịch cho mỗi một dấu ấn | 427.000 |
5 | GP008 | Xét nghiệm mô bệnh học thường quy cố định, chuyển, đúc, cắt, nhuộm…các bệnh phẩm tử thiết | 321.000 |
Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viện Phụ sản Trung ương, quy trình khám bệnh, bảng giá chung, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của bệnh viện giúp bệnh nhân có cái nhìn tổng quan về bệnh viện Phụ sản Trung ương và có những trải nghiệm tốt khi khám chữa bệnh tại đây.