Nhiều bệnh khác nhau có thể gây đau ngực, nhưng quan trọng nhất đối với các thầy thuốc và người bệnh là phân biệt đau ngực có phải do thiếu máu cục bộ cơ tim (còn gọi là bệnh tim vành) hay không, vì thái độ xử trí, cách phòng bệnh, tiên lượng hoàn toàn khác nhau.
Mục lục
Đau thắt ngực
Gọi là “ đau thắt”, nhưng trong thực tế, phần lớn người bệnh chỉ thấy tức, nặng, chèn ép ở ngực, ít khi đau thực sự. Vị trí đau phần nhiều ở giữa ngực, sau xương ức, đôi khi ở ngực trái hoặc ngực phải: những ca điển hình đau lan lên trên (xương đòn, vai, hàm, có khi đau dọc cánh tay đến tận ngón tay). Điểm đặc trưng của đau thắt ngực là xuất hiện khi gắng sức thể lực, như đi nhanh, chạy, leo dốc, lên thang gác, vác nặng. Cũng có lúc đau khi ăn quá no, ra lạnh, hoặc xúc động (tức giận, sợ hãi …). Nghe tim, đo huyết áp, khám thực thể không thấy gì đặc biệt.
Đau thắt ngực thường rất ngắn, từ 1 đến 10 phút, ít khi quá 15 phút.
Cách chấm dứt cơn đau rất đơn giản: nhiều khi chủ cần ngừng gắng sức là đủ. Nếu đau nhiều, thì thầy thuốc chuyên kha cho người bệnh ngậm lâu dưới lưỡi một viên nitroglycerin 0,5mg cho tan trong miệng (đừng nuốt), chỉ vài phút sau là hết đau. Sau 15 phút, nếu còn đau thì thêm một viên thứ 2 rồi có thể viên thứ 3. Nếu không đỡ, nên gửi lên tuyến trên.
Bệnh này do động mạch vành bị hẹp, chủ yếu là hẹp do vữa xơ, hay gặp ở người đứng tuổi, nam nhiều hơn nữ. Dưới 40 tuổi, bệnh rất hiếm.
Một số bệnh tim khác không phải vữa xơ động mạch vành cũng có thể gây những cơn giống đau thắt ngực và cũng xuất hiện, kho gắng sức như hẹp van chủ, hở van chủ, bệnh cơ tim phì đại.
Nhồi máu cơ tim
Đau cũng ở giữa ngực, nhưng dữ dội hơn nhiều, có cảm giác sợ hãi, có khi kêu la, vã mồ hôi, tụt huyết áp. Đau kéo dài hơn đau thắt ngực, mặc dầu đã nằm nghỉ và ngậm nitronglycerin. Khám thực thể không thấy gì đặc biệt. Nếu đau quá 30 phút, cần nghĩ là đã nhồi máu cơ tim.
Là bệnh rất nặng, tử vong rất cao (khoảng 25-30%), cần phải đến viện ngay, trì hoãn có thể nguy đến tính mạng. Nếu đau quá có thể tiêm một ống morphin dưới da trước khi chuyển.
Bệnh viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim
Đau cũng ở ngực, nhưng kéo dài cả ngày, chứ không liên quan đến gắng sức. Nhiều khi đau tăng lên khi ho, thở sâu, nuốt. Ngoài ra, người bệnh còn sốt, khó thở, phải ngồi dậy mới dễ chịu.
Nghe tim có thể thấy tiếng cọ màng ngoài tim, tiếng tim mờ, gõ thấy diện đục của tim to nhiều cả hai bên cũng như X quang thấy bóng tim to. Tĩnh mạch cổ nổi lên. Điện tim thấy ST chênh lên khi viêm mới bắt đầu, sau đó thấy T dẹt, các sóng thấp xuống. Chẩn đoán quyết định phải do chọc dò màng tim.
Điều trị
Việc điều trị đau ngực phải căn cứ từng nguyên nhân cu thể.
+ Nếu dịch vàng chanh, nên nghĩ đến lao hoặc virus.
+ Dịch mủ là viêm nhiễm khuẩn, cần phải gửi lên tuyền trên để tháo mủ và cho kháng sinh liều cao.
+ Nếu dịch máu thường khó nhận định, nguyên nhân ung thư rất hiếm, vẫn cứ nên chữa như lao, trong khi chờ đợi các xét nghiệm khác.
+ Nếu đau nhiều có thể thêm các thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin.
Bệnh phình tắc động mạch chủ
Rất hiếm, đau cũng đột ngôt, dữ dội, kéo dài và xảy ra ở người đứng tuổi; lúc đầu, đau theo nhịp đập của tim, cho nên dễ nhầm với nhồi máu cơ tim.
Cho thuốc giảm đau liều cao và gửi ngay đến trung tâm phẫu thuật.
Các bệnh hô hấp
Bằng khám lâm sàng hoặc X quang, đa số có thể chẩn đoán được:
– Viêm màng phổi, dù nguyên nhân gì, cũng gây đau ngưc. Đau kéo dài, đau liên quan với nhịp thở, hoặc kèm sốt và ho.
– Điều trị tùy nguyên nhân lao hoặc vi khuẩn khác.
– Tràn khí màng phổi: đau đột ngột, khó thở (nghe phổi: mất rì rào phế nang, gõ vang). Phải hút khí bằng kim.
– Viêm phổi, viêm khí phế quản cũng dễ gây đau ngực.
– Điều trị bằng kháng sinh thích hợp
Các bệnh tiêu hóa
Đau ở bụng là chính, những cũng có khi đau lên ngực.
– Loét dạ dày – tá tràng đã có khi chẩn đoán nhầm là suy vành. Nhưng đau ở đây có liên quan đến bữa ăn, chụp X quang thấy ổ loét.
– Viêm dạ dày cũng có thể nhầm như vậy.
– Thoát vị khe thực quản, viêm thực quản, viêm túi mật … đều có thể gây đau ngực.
– Điều trị ở đây là chữa nguyên nhân tiêu hóa.
Đau thành lồng ngực
Thành lồng ngực gồm nhiều lớp: da, mô dưới da, gân, cơ, sụn, xương, khớp, dây thần kinh, viêm lớp nào cũng có thể tưởng là đau tim cả. Không những thế, bệnh ở các khớp vai hoặc ở đám rối cánh tay, ở cột sống cổ cũng có thể gây đau ngực được. Đau thành lồng ngực có thể ngắn vài giây hoặc dài nhiều ngày.
Một cách phân biệt tương đối đơn giản: ấn tay lên chỗ đau. Nếu đau ở thành lồng ngực, sẽ tăng đau, nếu đau do bệnh động mạch vành thì đau vẫn như trước.
– Điều trị: dùng thuốc giảm đau, hoặc thuốc chống viêm không steroid (aspirin, indometacin …); Có thể dùng thốc bôi ngoài da tại chỗ đau.