Bệnh van tim là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh lý tim mạch (chiếm 50% bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa, bệnh viện chuyên về Tim mạch), nếu bệnh không được quản lý và điều trị tốt sẽ gây nhiều biến chứng làm bệnh nhân bị tàn phế và có thể tử vong.
Mục lục
Quả tim có bốn van tim. Ngăn giữa buồng thất phải và buồng nhĩ phải là van ba lá. Ngăn giữa buồng thất trái và buồng nhĩ trái là van hai lá. Ngăn giữa buồng thất phải với động mạch phổi là van động mạch phổi và ngăn giữa buồng thất trái với động mạch chủ là van động mạch chủ. Khi các van tim bị tổn thương gây hẹp hoặc hở hoặc cả hẹp và hở van sẽ ảnh hưởng đến dòng máu chảy trong tim cũng như dòng máu chảy ra động mạch. Từ đó sẽ dẫn đến rối loạn huyết động và tuỳ mức độ rối loạn này mà có các biểu hiện bệnh lý trên lâm sàng.
Dấu hiệu bệnh van tim thường gặp
Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn đầu khi bệnh van tim còn ở mức độ nhẹ thì người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì đặc biệt. Rất nhiều trường hợp là do tình cờ bệnh nhân đi khám sức khoẻ được phát hiện là có bệnh van tim. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh, có thể đau ngực và đặc biệt là có dấu hiệu khó thở. Khó thở lúc đầu thường xuất hiện khi bệnh nhân phải gắng sức làm một việc gì đó. Về sau mức độ khó thở sẽ tăng dần và có thể có khó thở cả về đêm…
Phần lớn các trường hợp bệnh van tim có thể phát hiện bằng ống nghe tim vì dòng chảy bất thường của máu thường tạo ra âm thanh đó là tiếng thổi.
Biến chứng bệnh: Bệnh nhân bị bệnh van tim nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tốt sẽ có một số biến chứng hay gặp trên lâm sàng như: Rối loạn nhịp gây nhịp nhanh hoặc nhịp chậm hoặc bỏ nhịp; tắc mạch gây tai biến mạch não (liệt nửa người, thất ngôn, hôn mê…), nhồi máu phổi (khó thở nhiều, đau ngực, ho ra máu…), suy tim (khó thở, phù, gan to…), suy thận (phù, tiểu ít, da – niêm mạc nhợt…)…
Xét nghiệm cận lâm sàng
Điện tim đồ: Có giá trị chẩn đoán các rối loạn nhịp tim và các biểu hiện tăng gánh cơ tim ở giai đoạn bệnh với mức độ vừa trở lên. Ví dụ như: Dày nhĩ, dày thất, ngoại tâm thu, rung nhĩ…
X Quang: Cho biết các tổn thương như giãn các buồng tim, vôi hoá van tim, ứ huyết ở phổi và các tổn thương phối hợp khác…
Siêu âm tim: Cho biết các tổn thương van tim như hẹp – hở van, mức độ hẹp – hở van tim, tình trạng dày hoặc vôi hoá van và tổ chức dưới van… Ngoài ra, siêu âm tim còn cho biết một số thông số quan trọng như: Chức năng tim, áp lực động mạch phổi, các tổn thương tim khác phối hợp. Đây là phương pháp thăm dò không chảy máu rất có giá trị để chẩn đoán xác định bệnh cũng như mức độ tổn thương và tiên lượng được diễn biến của bệnh.
Thông tim: Được chỉ định trong một số trường hợp để đánh giá chính xác tổn thương van tim, cơ tim, các mạch máu…
Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác: Xét nghiệm huyết học và sinh hoá máu, Chụp CT scanner ngực, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp đa dãy…các xét nghiệm này giúp bổ sung cho việc chẩn đoán mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân các bệnh van tim
Bệnh thấp tim
Thấp tim là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh van tim. Nguyên nhân gây bệnh thấp tim là vi khuẩn liên cầu beta tan huyết nhóm A “Streptococus”.
Suy tim
Khi cơ tim bị suy do bất kỳ nguyên nhân gì đều có xu hướng giãn ra. Khi buồng tim giãn gây giãn vòng van, giãn dây chằng và cột cơ dẫn đến hở van tim.
Bệnh tim bẩm sinh
Là những bất thường của van tim xuất hiện ngay khi sinh ra. Ví dụ như bệnh: hẹp van động mạch chủ thường gặp là bệnh van động mạch chủ có hai lá van (bình thường có ba lá van); hở van động mạch chủ trong hội chứng Marfan; hẹp van động mạch phổi; hẹp van hai lá (van hai lá hình dù, vòng thắt trên van hai lá); hở van hai lá do: xẻ lá van, van hai lá có hai lỗ van; hở van ba lá trong bệnh Ebstein…
Biến chứng của nhồi máu cơ tim như đứt cơ nhú, đứt dây chằng van tim gây hở van tim.
Sự suy yếu của các tổ chức dưới van
Đứt dây chằng của tim có thể gây hở van tim.
Tổn thương thành động mạch chủ lên làm cho động mạch chủ bị yếu dẫn tới giãn động mạch chủ và hậu quả là hở van động mạch chủ.
Bệnh hệ thống gây xơ hoá van: bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… gây hở van tim.
Nhiễm trùng: nhiễm trùng van tim được gọi là “Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn”. Tổn thương van thường gặp là thủng van, đứt dây chằng, cột cơ… gây hở van tim.
Những nguyên nhân khác: thoái hoá van ở người cao tuổi, chấn thương, u carcinoid, lắng đọng mucopolysaccharid, hội chứng Takayashu, phình giãn xoang valsalva….
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng: mệt, ho, tức ngực, khó thở… Nghe tim có tiếng thổi ở tim, nhịp nhanh. Gan to, phù, phổi có ran ứ đọng…
Các xét nghiệm: Điện tim đồ, siêu âm tim, chụp tim phổi, thông tim… trong các xét nghiệm này thì siêu âm tim đóng vai trò quan trọng nhất vì giúp chẩn đoán xác định bệnh, giúp cho hướng phương pháp điều trị phù hợp, giúp tiên lượng bệnh.
Điều trị không dùng thuốc
Chế độ không dùng thuốc: Ăn uống, sinh hoạt, làm việc phù hợp với tình trạng bệnh. Nếu có biểu hiện suy tim cần ăn giảm muối (< 6 g muối/24 giờ), ăn giảm mỡ và phủ tạng động vật; hạn chế chất kích thích (như: rượu, bia, cà phê), không hút thuốc lá- thuốc lào; không lao động gắng sức…
Chế độ điều trị bệnh
Điều trị nội khoa
– Lợi tiểu: Được dùng nếu có hiện tượng giữ muối và nước hoặc suy tim xung huyết để giảm gánh nặng cho tim. Ví dụ: furosemide, hydroclorothiazide, spironolactone…
– Digitalis: Làm tăng sức co bóp cơ tim, làm giảm nhịp tim đặc biệt khi bệnh nhân bị rung nhĩ. Ví dụ: digoxin, digitoxin…
– Thuốc làm giảm hậu gánh: Thuốc ức chế men chuyển làm giảm thể tích dòng hở và tăng thể tích tống máu, giảm suy tim. Ví dụ: Enalapril, captopril, perindopril, lisinopril…
– Thuốc giãn mạch nhóm nitrate làm giảm tiền gánh, giảm gánh nặng cho tim như: nitroglycerine, mononitrat, isosorbide…
– Thuốc chẹn beta giao cảm: có thể sử dụng trong trường hợp nhịp nhanh do hẹp/hở van tim, suy tim nhưng chức năng tim còn bù. Ví dụ: carvedilol, metoprolol, bisoprolol.
– Thuốc chống rối loạn nhịp như: amiodaron, metoprolol, bisoprolol, lidocaine…
– Thuốc chống đông máu: Cần dùng cho bệnh nhân có biến chứng rung nhĩ, buồng tim giãn, bệnh nhân mang van nhân tạo cơ học vì nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong tim. Thuốc thường được sử dụng: cumarin, aspirin, ticlodipin, clopidogil, dipyridamole…
Điều trị can thiệp (theo chỉ định)
– Phương pháp nong van tim qua đường ống thông (qua da) để điều trị bệnh hẹp van tim như: hẹp van hai lá, hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ…
– Thay van qua da như: thay van động mạch chủ, thay van hai lá.
Phẫu thuật (theo chỉ định)
– Tách mép van: Phẫu thuật viên sẽ dùng tay hoặc dụng cụ để tách mép van bị dính trong trường hợp hẹp van tim. Ngày nay phương pháp này được thay thế bởi phương pháp nong van bằng bóng qua da.
– Sửa van: Khâu hẹp vòng van, khâu lại các vết rách ở lá van, sửa dây chằng, cột cơ của van tim…
– Thay van: Được chỉ định trong trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật sửa van, hoặc tách mép van. Van mới này có thể là van sinh học hoặc van cơ học.
Điều trị khác
Bệnh nhân bị hẹp- hở van tim dẫn đến suy tim nặng mà không còn chỉ định điều trị can thiệp hay phẫu thuật mổ sửa hoặc thay van thì có thể điều trị suy tim bằng các biện pháp đặc biệt như: cấy máy tái đồng bộ tim, ghép tim…
Điều trị nguyên nhân
Điều trị bệnh thấp tim thật tốt (tiêm phòng thấp cấp I hoặc cấp II); Điều trị tốt các nguyên nhân có thể dẫn đến suy tim, làm giãn buồng tim gây hở van tim.
Cách phòng chống các bệnh van tim
– Để phòng bệnh thấp tim tốt nhất là giáo dục chế độ vệ sinh phòng bệnh tốt. Khi phát hiện nhiễm trùng vùng họng (thường do liên cầu) cần được điều trị triệt để. Khi phát hiện bị thấp tim cần được quản lý theo dõi chặt chẽ ở các cơ sở y tế và tiêm phòng thấp tim đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
– Để phòng bệnh mạch vành (nguyên nhân gây suy tim, hở van tim) cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn lipide máu; hạn chế ăn mặn, hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật; hạn chế uống rượu-bia; không hút thuốc lá; tăng cường vận động thể lực theo khả năng(ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần), tránh stress, không để thừa – cân béo phì.
– Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường để không bị bệnh nhiễm trùng.
– Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng: ăn, uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi khoa học và hợp lý.
CNTTCBTG – BV Bạch Mai