Những bệnh bẩm sinh thường xuất hiện ngay từ thời kỳ bào thai và gây triệu chứng khi trẻ ra đời. Có những đứa trẻ ngay từ khi lọt lòng mẹ đã thiếu may mắn do mắc các căn nguy hiểm về não, khối u dị tật, bệnh tim…
Mục lục
Mỗi loại bệnh đều để lại những di chứng ảnh hưởng đến thể chất của trẻ. Và bệnh tim là căn bệnh ảnh hưởng hàng ngày đến đời sống của trẻ như thế.
Vậy, cách chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh như thế nào?
Tìm hiểu về bệnh tim bẩm sinh
Khiếm khuyết tim bẩm sinh có thể xảy ra ở một hay nhiều vị trí ở trong tim, làm gián đoạn dòng chảy bình thường của máu qua tim, khiến cho dòng chảy của máu bị chậm lại hoặc đi sai hướng, không đến được đúng nơi cần thiết, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Những khiếm khuyết thường gặp bao gồm:
- Khiếm khuyết ở van tim: có thể gây hẹp hay hở van tim 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi…
- Khiếm khuyết ở vách ngăn giữa các buồng tâm nhĩ và tâm thất trong tim: thường gặp nhất là thông liên nhĩ và thông liên thất.
- Khiếm khuyết tại các động mạch và tĩnh mạch gần tim: như hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch phổi…
Cách chăm sóc bệnh nhi tim bẩm sinh
1. Vấn đề răng miệng:
- 6-12 tháng là tuổi bắt đầu khám răng miệng.
– Khi răng sữa vừa mọc, cha mẹ nên sử dụng bàn chải với đầu nhỏ tròn và lông mềm để đánh răng cho bé.
– Cai bú mẹ và/hoặc cai bú bình khi trẻ 1 tuổi.
– Trẻ tập đi cần theo dõi tránh té gây chấn thương răng.
- Trẻ > 12 tháng:
– Chải răng sau khi bú/ăn và trước khi đi ngủ bằng bàn chải mềm.
– Cho đến khi bé 18 tháng, nên chải răng bằng nước sạch, một lần ngay sau bữa ăn, cuối cùng vào buổi tối.
– Luôn luôn đọc các hướng dẫn để sử dụng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé.
– Uống nước súc miệng sau khi uống những loại thuốc ngọt có đường như si-rô.
– Nên cho trẻ có bữa ăn riêng, tránh ăn uống chung với người khác kể cả người trong gia đình để phòng bị lây bệnh.
– Không cho trẻ ăn quà vặt.
– Khám nha sĩ trẻ em định kỳ mỗi 6 tháng để có kế hoạch theo dõi và phòng bệnh.
Lưu ý: Đánh răng đúng cách.
– Từ khoảng 4-5 tuổi, trẻ em nên bắt đầu tự học đánh răng. Trẻ em không có kỹ năng tự làm sạch răng cho đến khi lên khoảng 8-9 tuổi, do đó cha mẹ cần hổ trợ trẻ trong việc đánh răng.
– Chọn một tư thế mà cha/mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy miệng của bé; ví dụ, để bé ngồi trên đùi cha/mẹ hoặc đứng đằng sau bé và để đầu của bé nghiêng về phía sau một chút.
– Di chuyển bàn chải đánh răng nhẹ nhàng thành vòng tròn nhỏ để làm sạch bề mặt trước của răng bé. Để làm sạch được bề mặt bên trong răng, hãy nghiêng bàn chải đánh răng. Không nên chà răng kỹ quá vì có thể làm hỏng răng và nướu răng của bé. Chải bề mặt trên và bề mặt bên của răng. Làm sạch tất cả các bề mặt của răng. Đánh nhẹ nhàng xung quanh các đường viền nướu của mỗi răng. Nên đánh răng cho bé trong vòng hai phút. Mặc dù việc đó khá mất thời gian, tuy nhiên, răng của bé sẽ được sạch hơn.
– Nên thay đổi bàn chải đánh răng ba tháng một lần hoặc phải thay bàn chải đánh răng nếu thấy bàn chải bị sờn lông. Lông bàn chải bị sờn không có hiệu quả trong việc loại bỏ mảng bám quanh răng và có thể làm xước nướu răng của bé. Để không gây trầy xước nướu răng của bé, bạn nên dùng một bàn chải đánh răng và một bàn chải không sờn lông để massage nướu răng riêng cho bé.
2. Phòng ngừa Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng:
Cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ biết trẻ đang bị tim bẩm sinh khi trẻ cần can thiệp phẫu thuật ở những cơ quan khác như bé cần nhổ răng, bé cần mổ tiết niệu, tiêu hóa,… Bác sĩ điều trị sẽ tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để biết tật TBS nào, loại thủ thuật nào cần phải dùng kháng sinh dự phòng và chọn kháng sinh và đường dùng phù hợp.
3. Phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp:
– Chích ngừa cho bé đủ các vắc-xin theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não do H. influenzae, sởi, rubella,…). Trẻ dưới một tuổi cần thêm chích ngừa cúm, phế cầu.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi, sổ mũi. Không được để trẻ sờ tay vào mắt, mũi, miệng để hạn chế đem các mầm bệnh vào cơ thể.
– Nên đeo khẩu trang hoặc che tránh cho trẻ khi ra đường. Tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, người bệnh,…Cần mặc áo và giữ trẻ thật ấm khi trời trở lạnh, mưa.
– Khi bị ho, hắt hơi, cười nói,… những giọt bắn nhỏ mang mầm bệnh sẽ vào không khí, gây lây nhiễm cho người khác. Vì vậy nên dùng khăn giấy che miệng, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy.
4. Vấn đề dinh dưỡng:
Chắc hẳn cha mẹ có con TBS luôn cảm thấy mệt mỏi vì con mình nuôi hoài không lớn như “con người ta”. Bác sĩ luôn khuyên để con tăng cân hơn đến số kg nhất định sẽ mổ tốt hơn. Vậy vì sao mà con chậm tăng cân? Trẻ TBS hay bị suy dinh dưỡng vì bé bú/ ăn không đủ lượng do bị suy tim, mệt, khó thở, gan to; vì bé giảm hấp thu thức ăn do kèm theo tật hệ tiêu hóa, gan mật; và vì tăng tiêu hao năng lượng do thở nhanh, viêm phổi, nhiễm trùng…
– Trong thành phần dinh dưỡng của trẻ cần nhu cầu năng lượng cao hơn trẻ bình thường khoàng 120-170 kcal/kg/ngày. Vì vậy ta nên dùng sữa hoặc thực phẩm giàu năng lượng (bổ sung thành phần đường, đạm và protein), ăn đủ thành phần trong ô vuông thức ăn, bổ sung sắt khi có thiếu máu, bổ sung vitamin khi có chỉ định.
– Ở trẻ suy tim, không kiêng muối nước ở trẻ nhỏ, bổ sung thực phẩm giàu kali khi trẻ phải uống thuốc lợi tiểu gây mất kali.
– Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ có tư thế đầu cao khi cho ăn hay bú. Chia nhỏ bữa ăn (tăng số bữa ăn, giảm lượng trong mỗi bữa). Khi có chỉ định, các bác sĩ có thể đặt sonde dạ dày nuôi ăn.
5. Tật bẩm sinh ở cơ quan khác:
Cha mẹ nên nhớ trẻ bị TBS có thể đi kèm các di tật ở hệ cơ quan khác như hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, huyết học. Cho bé đi khám và tầm soát các dị tật khác ngoài tim là điều cần thiết.