Trẻ nhỏ khi mới sinh ra kích thước dạ dày không to hơn một hạt đậu, nó chưa giãn nở tốt và thậm chí chỉ chứa được 7-13ml sữa/lần vào ngày đầu tiên. Số sữa này tương đương đúng bằng lượng sữa non quý giá mới tiết ra của mẹ. Nếu bé bú bình, việc xác định lượng sữa bé uống không quá khó. Tuy nhiên, khi bú mẹ, làm sao biết bé bú đủ sữa mẹ lại là một thử thách.
Mục lục
Nếu đây là lần đầu tiên làm mẹ, bạn sẽ lo lắng, bỡ ngỡ đủ vấn đề về chăm sóc trẻ sơ sinh.
Sau khi rời bụng mẹ, bé ngủ li bì, vậy có nên đánh thức con dậy để cho bú không? Hay khi nào con tiểu tiện để thay tã cho con? Đặc biệt, thắc mắc làm sao biết bé bú đủ sữa mẹ cũng được nhiều người quan tâm. Nguyên nhân do mẹ thường lo con bú không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của bé. Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ bú đủ hay chưa
1. Tã ướt
Cách thông thường nhất để nhận biết bé có bú đủ hay không là thông qua số lượng tã. Bạn cần phải lưu ý những điều sau:
- Trong 2 ngày đầu tiên sau khi chào đời, bé cần thay khoảng 2 – 4 cái tã. Tuy nhiên, từ ngày thứ 5 trở đi, con số này tăng lên từ 6 – 8 cái.
- Nước tiểu của bé nhạt, không có mùi. Nếu nước tiểu của bé có màu sẫm thì nhiều khả năng bé vẫn còn đói đấy.
2. Đi ngoài
Đi ngoài là một cách để nhận biết bé có bú đủ no hay không. Dưới đây là một số điểm mà bạn cần lưu ý:
- 1 – 2 ngày đầu tiên, bé thường đi phân su (dày, dính, có màu đen hoặc xanh đậm).
- Khi bé chuyển từ bú sữa non sang sữa mẹ, phân sẽ trở nên lỏng hơn, có màu vàng và ít có mùi hôi.
- Trong vài tuần đầu tiên, phân của bé sẽ thay đổi đột ngột khoảng 2 – 3 ngày mới đi một lần.
- Chỉ cần bé thay tã 6 – 8 lần một ngày, phân có màu vàng và lỏng là được.
3. Tăng cân
Sau sinh khoảng 3 – 4 ngày, bé có thể gặp phải tình trạng sút cân sinh lý. Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải lo lắng. Khoảng 2 tuần sau đó, cân nặng của bé sẽ trở lại bình thường. Cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé tăng liên tục chứng tỏ bé đã bú đủ sữa.
Trẻ có cân nặng tăng lên nhờ bú mẹ là dấu hiệu trẻ bú đầy đủ
Cách cho bé bú
Khi cho bé bú, bạn tìm một chỗ dựa vững chắc để tựa lưng, lý tưởng nhất là ngồi ở đầu giường. Chọn một cái gối vừa vặn, đặt dưới cánh tay đỡ bé để hỗ trợ. Cần đặt cằm của bé hơi hạ xuống và chạm vào bầu vú. Miệng bé ngậm được toàn bộ núm vú, kể cả phần quầng vú. Hãy tham khảo bài Mách mẹ những tư thế cho con bú tốt nhấtđể lựa chọn tư thế phù hợp với mình nhất.
Nếu hai bên vú có sữa không đều, bên nhiều bên ít, bạn có thể cho bé bú bên ít trước để kích thích tiết sữa nhiều hơn. Khi thấy bé vẫn còn đói, bạn cho bé bú bên còn lại.
Mời bạn xem thêm bài 11 bước giúp mẹ cho bé bú dễ dàng hơn để việc cho con bú sữa mẹ không còn là nỗi lo với bạn nữa.
Một số dấu hiệu tưởng bé đói nhưng không phải
Ngoài những điều đã đề cập ở trên, còn có một số dấu hiệu khác khiến bạn dễ nhầm lẫn là bé còn đói:
- Bé khóc sau khi bú không phải là do bú không đủ mà có thể là do những nguyên nhân khác như đau bụng, khó chịu…
- Đôi khi bé sẽ ngậm vú trong một thời gian dài mà không bú sữa bởi điều này khiến bé cảm thấy ấm áp và thoải mái.
- Nếu bé muốn bú bình ngay sau khi bú mẹ thì không phải là do bé đói. Điều này là do trẻ nhỏ thường có khuynh hướng thích ngậm vú để thấy thoải mái hơn. Bạn có thể cho bé ngậm ti giả để thay thế.
Cho bé bú mẹ không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho bé mà còn có lợi cho bạn. Ngoài ra, bú mẹ cũng giúp tạo ra một mối liên kết chặt chẽ giữa bạn và bé. Vì vậy, hãy tận hưởng giai đoạn này để vun đắp tình cảm của bạn và bé nhé.