Một trong những điều làm các bà mẹ đau đầu trong việc vệ sinh cho bé chính là khu vực “đôi tai”. Không giống như những bộ phận khác trên cơ thể của bé, đôi tai là một trong những vùng kín khá nhạy cảm và cũng khó vệ sinh nhất. Thời gian gần đây có rất nhiều trẻ em mắc chứng nút ráy tai. Vậy nguyên nhân của nút ráy tai là gì? Và xử lý nút ráy tai cho trẻ thế nào? Chúng ta hãy cùng Benh.vn giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
Cơ chế hoạt động của đôi tai
Cấu tạo phù hợp với chức năng sinh lý
Về cơ bản, đôi tai của người lớn hay trẻ nhỏ đều có cơ chế hoạt động như nhau, được cấu tạo bởi ống tai ngoài có chức năng chuyển âm thanh từ vành tai đến màng nhĩ.
Nút ráy tai ảnh hưởng đến thính lực của trẻ (Ảnh minh họa)
Ống tai ngoài được phủ bởi một lớp da mỏng, nhạy cảm và dễ bị xây xát, đặc biệt đối với các bé lớp da này càng mỏng manh hơn. Lớp da này thường xuyên tiết ra một loại chất nhờn là ráy tai có nhiệm vụ bôi trơn ống tai và bảo vệ tai một cách tự nhiên chống lại vi khuẩn và nấm từ môi trường bên ngoài lọt vào trong ống tai. Đối với đa số trẻ em thì thông thường, ráy tai cùng với lớp biểu bì của da ống tai sẽ bong tróc ra dần dần và chuyển từ trong ra ngoài cửa ống tai một cách tự nhiên.
Rối loạn chức năng tự làm sạch
Người Việt nam nói riêng, phương Đông nói chung, thông thường tai có ráy khô, loại ráy có chứa khoảng 20% lipid (ống tai khô, ít trơn-ướt). Khi cơ chế tự làm sạch trục trặc, ráy tai không đào thải ra được, nó có khuynh hướng bám dính rất chặt trên thành ống tai, tiến triển lan rộng theo hướng dọc theo ống tai và hướng tâm của ống tai. Các vảy da không bị phá vỡ, chia cắt khi nó ở trên bề mặt ống tai, tính toàn vẹn của nó được duy trì. Kết quả là, nó có xu hướng liên kết mở rộng và lại tiếp tục được bao phủ bởi dịch ráy. Cuối cùng, nó tạo thành một nút ráy khô nút kín lỗ tai.
Dính ráy, tích tụ ráy, nút ráy trong ống tai là một rối loạn xét về phương diện Y học. Nó là một rối loạn của sự di trú các biểu mô da trên bề mặt của ống tai ngoài. Nói chính xác, nó là một chứng bệnh của ống tai ngoài.
Lý do bị nút ráy tai
– Một số trường hợp do ống tai bị hẹp.
– Rối loạn bài tiết ống tai.
– Môi trường ô nhiễm.
– Do động tác ngoáy tai làm ráy bị đẩy vào sâu hơn
Vệ sinh tai đúng cách cho trẻ (Ảnh minh họa)
Những biểu hiện khi bị nút ráy tai
– Ngứa tai
– Ù tai.
– Nghe kém.
– Trẻ khó chịu.
Hậu quả khi bị nút ráy tai
– Ứ đọng dịch bẩn.
– Gây viêm ống tai ngoài.
Cách xử lý
– Dùng dung dịch: Cerulyse, Natrihydroxyt carbon 3%-5%, Glycerin acid boric, dầu Parafin hoặc dầu hạt đào.
– Nhỏ dung dịch vào tai cho bé nhiều lần trong ngày, mỗi lần nhỏ 10-20 giọt để cho “nút” ráy tai dần mềm và rã ra.
– Nếu ráy tai rã nhiều, tiếp tục nhỏ nước muối sinh lý 5-7 ngày nữa cho đến khi rã hết và được đẩy ra khỏi ống tai.
– Theo dõi 5-7 ngày, nếu ráy tai chỉ mềm đi mà không rã ra thì đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để lấy hoặc hút ráy tai ra.
Cách vệ sinh tai cho bé:
Đối với những bé dưới 36 tháng tuổi
Hàng ngày dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé.
Đối với các bé từ 36 tháng tuổi trở lên
Đối với trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu hoạt động ở môi trường bên ngoài thì việc vệ sinh bên ngoài vành tai vẫn chưa đủ để lấy hết ráy tai của bé vì còn rất nhiều ráy tai còn lưu lại bên trong ống tai. Nếu không lấy ra thường xuyên sẽ gây khó chịu cho các bé. Do đó cần vệ sinh bên ngoài vành tai kết hợp đưa các bé đến các phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa Tai -Mũi – Họng để các bác sĩ vệ sinh tai một cách an toàn khi bé bị đóng ráy tai quá nhiều.
– Mỗi tháng chỉ lấy ráy tai 2 lần.
Lời kết:
Để bảo vệ thính giác cho trẻ, các bà mẹ không được tự ý lấy ráy tai, tránh những tai nạn đáng tiếc. Khi phát hiện trẻ bị nút ráy tai, cần đưa trẻ đến phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để xử lý.
ĐHA – Benh.vn