Cây dây thìa canh trong những năm trở lại đây được nhiều người quan tâm tìm kiếm và là dược liệu quý bởi có nhiều công dụng đối với sức khỏe, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường. Vậy cây dây thìa canh là loại cây gì, có công dụng như thế nào? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Cây dây thìa canh được trồng ở khu vực nào?
Cây thìa canh còn có tên gọi là dây Muôi, Lõa Ti Rừng. Tên khoa học là Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult. Thuộc họ Thiên Lý (Asclepiadaceae).
Cây dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ từ 2000 năm trước, cây mọc nhiều ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ. Ngoài ra, cây dây thìa canh còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… Tại Việt Nam, cây dây thìa canh được tìm thấy vào năm 2006 bởi PGS.TS. Trần Văn Ơn – Nguyên Trưởng bộ môn Thực vật – Đại học Dược Hà Nội.
Ban đầu, cây được tìm thấy ở một số nơi thuộc các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, tuy nhiên số lượng không nhiều. Sau kết quả từ đề tài “Nghiên cứu các dược liệu và bài thuốc có tác dụng điều trị Đái tháo đường (2008 – 2012)” do PGS.TS Trần Văn Ơn cùng cộng sự trường Đại học Dược Hà Nội tiến hành, cây dây thìa canh mới được định danh về thành phần hóa học và tác dụng sinh học. Cũng từ kết quả nghiên cứu trên, cây dây thìa canh được nhân giống quy hoạch vùng trồng tại Thái Nguyên và Nam Định theo tiêu chuẩn GACP – WHO để phục vụ cho việc nghiên cứu, nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra một triển vọng lớn trong ứng dụng các cây thuốc quý tại Việt Nam cho sức khỏe con người.
Đặc điểm thực vật của cây dây thìa canh
Cây dây thìa canh là loại cây ưa sáng, không phù hợp với đất trũng, ngập úng. Đất cao nhưng phải thoát nước, tơi xốp. Đây là loại cây dây leo nhỏ, dài lên tới 7 – 10m, phình lên ở các mấu, lúc non có lông.
Thân cây có nhựa mủ màu vàng đậm, khi còn non có đường kính từ 1 – 3 mm, phủ một lớp lông màu hung đỏ, dày đặc ngọn; thân bánh tẻ có lỗ bì và lông thưa; thân già có bần hóa xốp khía dọc; lóng thân từ 4 -18cm.
Lá có hình đơn, nguyên, mọc đối, cuống lá dài từ 3 – 5cm, phủ lông dày. Phiến lá hình bầu dục, rộng 5 – 8cm, dài từ 10 -14cm, gốc lá tròn, có khi hơi lõm hoặc hơi lệch, mép lá nguyên, ngọn lá nhọn, mặt trên xanh thẫm, phủ lông ráp, mặt dưới màu xanh hơi vàng. Lá non có lông dày, mềm, lá già có màu vàng đặc trưng.
Hoa dây thìa canh có màu trắng hơi vàng, mọc thành dạng tán chùm. Sau khi hoa nở khoảng 1 tháng có quả. Quả thìa canh màu xanh hình thuôn dài. Phần gần cuống phình ra, sau đó thu nhỏ dần về phía đuôi quả.
Cây thìa canh có 2 loại: Lá to và lá nhỏ. Hai loại thìa canh có một số đặc điểm khác nhau như:
– Kích thước lá.
– Màu nhựa: Thìa canh lá nhỏ thân có nhựa trắng ngả vàng. Thìa canh lá to thân có nhựa màu vàng đậm.
– Mùi vị: Dây thìa canh lá nhỏ nhanh làm mất vị ngọt hơn loại lá to.
Cách nhận biết cây dây thìa canh chất lượng
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở bán các loại sản phẩm dược liệu cây dây thìa canh với mẫu mã và giá cả khác nhau, điều này đặt ra cho người tiêu dùng làm thế nào để phân biệt được đâu là sản phẩm dây thìa canh sạch, chuẩn, đảm bảo an toàn khi sử dụng. Để phân biệt hàng thật và giả, mọi người cần nhận biết qua một số tiêu chí sau:
Đối với dây thìa canh tươi: nhận biết bằng cách nhai sống lá dây thìa canh tươi, sau đó ăn một chút đồ ngọt. Trường hợp bị mất cảm giác với vị ngọt, không phải là dây thìa canh, bởi trong dây thìa canh có chứa hoạt chất Peptide Gurmarin tác động lên tế bào vị giác trên lưỡi, làm mất cảm giác ngọt trong vòng 2 – 4 giờ.
Đối với dây thìa canh khô: việc nhận biết dây thìa canh khô thường khó nhận biết hơn so với dây thìa canh tươi, mọi người cần tìm kiếm những địa chỉ có uy tín, độ tin cậy cao, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi mua nên kiểm tra xem sản phẩm có bị mốc không.
Bên canh đó, nên lựa chọn sản phẩm dây thìa canh được trồng ở những vùng dược liệu sạch, không sử dụng thuốc hóa học, được chăm sóc theo đúng quy trình chuẩn. Không lựa chọn những cây dây thìa canh thông thường tự phát triển trong tự nhiên hoặc được trồng tự phát trong điều kiện gần các khu dân cư có khả năng nhiễm tạp chất bởi môi trường sống (đất, nước) bị ô nhiễm.
Thành phần hóa học của cây dây thìa canh
Bộ phận dùng: Các bộ phận của cây dây thìa canh đều được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh, nhưng tốt nhất là lá và ngọn non. Cây dây thìa canh chứa các hoạt chất bao gồm: Hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid. Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như anthraquinone, flavone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,… Dịch chiết của cây cho thấy có thành phần alcaloid.
Công dụng của cây dây thìa canh theo Đông y
Theo Đông y, cây dây thìa canh có tác dụng giúp tiêu thũng, chỉ thống, sinh cơ. Thân gốc trị đau do phong thấp, toàn cây trị tê bì chân tay, lao phổi, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại, hỗ trợ trị bệnh tiểu đường.
Công dụng của cây dây thìa canh theo Tây y
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và thực nghiệm lâm sàng, cây dây thìa canh có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Cây thìa canh giúp phòng chống bệnh tim mạch, đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người trên toàn thế giới và chiếm nhiều nhất ở các nước đang phát triển. Theo ước tính có khoảng 17,3 triệu người chết do các bệnh tim mạch mỗi năm. 80% các ca tử vong xảy ra ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Tại Việt Nam, mỗi năm các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lối sống và chế độ ăn uống thiếu khoa học.
Do vậy, để phòng và điều trị bệnh tim mạch thì việc đầu tiên và quan trọng nhất chúng ta cần làm là thay đổi lối sống, xây dựng một lối sống lành mạnh.
Ngoài ra đối với những người mắc các bệnh bên cạnh các phương pháp điều trị, có thể dùng dược liệu dây thìa canh để phòng ngừa bệnh tim mạch bởi trong dây thìa canh chứa hoạt chất flavonoid có vai trò bảo vệ chống oxy hóa trong tế bào, ngăn cản một số tác nhân gây hại.
Flavonoid có vai trò cốt yếu trong sự hòa tan các chất và di truyền các màng sinh học, giúp nâng cao tính bền của thành mạch, giảm các biến chứng nguy hiểm tim mạch như xơ vữa động mạch, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ,…
Cây thìa canh hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường đây là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau bệnh tim mạch và ung thư.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 6% dân số Việt Nam mắc bệnh tiểu đường, có gần 29.000 người mỗi năm tử vong do các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường gây ra.
Bệnh tiểu đường thực sự gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề và điều đặc biệt là các số liệu thống kê cho thấy độ tuổi của người bệnh mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là tiểu đường type 2. Khi phát hiện ra thường người bệnh ở giai đoạn nặng và nếu không có biện pháp điều trị tốt bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân,… Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lao động, để lại hậu quả cho gia đình và xã hội.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, trong đó có việc sử dụng các loại dược liệu trong hỗ trợ điều trị, trong đó phải kể đến cây dây thìa canh, bởi trong dây thìa canh có thành phần hoạt chất GS4. Khi người bệnh tiểu đường sử dụng cây thìa canh, hoạt chất này sẽ đi vào cơ thể và tác động tới 4 quá trình:
– Quá trình hấp thu glucose ở ruột bị hạn chế.
– Quá trình sản xuất và hoạt tính insulin được kích thích.
– Tăng men để sử dụng đường ở mô.
Do đó, dây thìa canh có tác dụng:
– Hạ đường huyết đối với người có mức đường huyết vượt quá quy định.
– Ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường.
– Phòng ngừa những biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
Cây thìa canh hỗ trợ chữa bệnh máu nhiễm mỡ
Máu nhiễm mỡ là tình trạng gia tăng đột biến của lượng mỡ trong máu, được đánh giá bằng chỉ số cholesterol. Bệnh bắt nguồn chính từ việc ăn uống không khoa học, dư thừa chất béo, nghèo chất xơ, vitamin và khoáng chất, thói quen lười vận động. Việc sử dụng cây dây thìa canh có vai trò quan trọng trong việc giảm tình trạng máu nhiễm mỡ nhờ khả năng làm tăng bài tiết cholesterol dư thừa ra ngoài qua đường phân. Giảm cholesterol xấu và triglycerid trong máu, trong gan. Vì vậy, giúp ổn định mỡ máu, phòng ngừa máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ hiệu quả. Ngoài ra, cây thìa canh còn có tác dụng phòng và điều trị bệnh béo phì – căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện nay.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây dây thìa canh
Cây dây thìa canh là thảo dược có nhiều tác dụng trọng việc hỗ trợ điều trị một số bệnh, đặc biệt các các bệnh lý tiểu đường, huyết áp, phong thấp. Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ cây dây thìa canh.
Bài thuốc 1: Cây thìa canh chữa tiểu đường
Nguyên liệu: dây thìa canh khô 50g – 80g
Cách thực hiện: Cho nguyên liệu trên đun với 1,5 lít nước. Sử dụng trong ngày, thường xuyên khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Ngoài cách đun sắc, dây thìa canh cũng có thể dùng cách hãm thành trà.
Cách pha trà: Cho khoảng 10g dây thìa canh khô vào ấm, cho 150ml nước sôi tráng qua. Sau đó cho khoảng 500ml tùy theo liều lượng dùng đợi 5 – 7 phút cho nước ngấm vào trà và thưởng thức khi trà còn nóng.
Người chữa tiểu đường, cần chú ý uống trước bữa ăn 30 phút. Điều này sẽ giúp chất acid gymnemic trong dây thìa canh phát huy tốt tác dụng giảm đường huyết. Nhiều bệnh nhân tiểu đường sử dụng thìa canh sai cách, không uống đúng thời điểm khiến hiệu quả chữa bệnh không cao.
Bài thuốc số 2: Cây thìa canh chữa trị vết rắn độc cắn
Nguyên liệu: dây thìa canh
Cách thực hiện: Cho dây thìa canh khô vào ấm sắc lấy nước uống hoặc dùng quả, rễ tươi, thân dã nhuyễn đắp lên vết thương.
Bài thuốc 3: Cây thìa canh hỗ trợ trị phong thấp
Nguyên liệu: dây thìa canh khô 100g
Cách thực hiện: Cho dây thìa canh khô vào ấm sắc uống thay nước hàng ngày.
Những lưu ý khi sử dụng cây dây thìa canh để đạt hiệu quả
Cây dây thìa canh là một dược liệu quý trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh, tuy nhiên việc sử dụng cần tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Cây dây thìa canh nên sử dụng dạng nào là tốt nhất?
Để phát huy công dụng của dây thìa canh trong việc điều trị bệnh theo các chuyên gia y tế cho biết, việc sử dụng cây dây thìa canh ở dạng nào tùy thuộc vào thể trạng, tình trạng bệnh và thời gian sử dụng với 3 dạng chính:
– Thuốc sắc
– Loại trà túi lọc
– Viên nang dược liệu
So với dùng cây khô hoặc trà, dùng dây thìa canh dạng viên thường tốn chi phí cao, nhưng đảm bảo chất lượng và an toàn. Còn đối với việc sử dụng cây khô, mọi người nên tìm hiểu kỹ thông tin về chất lượng, tìm những cơ sở uy tín, rõ nguồn gốc để mua, có giấy tờ chứng minh về chất lượng. Vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều nơi bán sản phẩm không đúng chất lượng.
Sử dụng dây thìa canh gây tác dụng phụ như thế nào?
Cây dây thìa canh mặc dù có nhiều công dụng trong việc chữa bệnh, đặc biệt là bệnh tiểu đường, tuy nhiên có thể phát sinh những tác dụng phụ khi sử dụng với các triệu chứng như:
Hoa mắt, váng đầu: nguyên nhân của hiện tượng này là do người bệnh sử dụng quá liều dẫn đến đường huyết giảm đột ngột hoặc dùng thìa canh vào lúc đói.
– Đầy bụng khó chịu: Nguyên nhân của tình trạng này sử dụng nước sắc thìa canh để qua đêm, nếu không sử dụng hết nên cho vào chai để trong tủ lạnh, đun sôi lại trước khi dùng.
Những đối tượng nào cần lưu ý khi sử dụng cây dây thìa canh?
– Phụ nữ mang thai, sau sinh tuyệt đối không nên sử dụng dây thìa canh bởi điều này ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Trẻ em dưới 16 tuổi không nên sử dụng cây dây thìa canh, nếu sử dụng cần sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Những người bị tiêu chảy không nên sử dụng dây thìa canh bới ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
– Không nên sử dụng dây thìa canh ẩm mốc, bởi điều này ảnh hưởng đến chức năng gan.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây dây thìa canh, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người nắm được những thông tin cần thiết về dược liệu quý hiếm này và có thể bổ sung thêm một cách bảo vệ đường huyết cho bản thân, hạn chế ảnh hưởng tác dụng phụ của các loại thuốc Tây y cho kết quả điều trị tốt nhất.