Chẩn đoán và đề phòng hội chứng lắc cho trẻ (SBS)
1. Chẩn đoán hội chứng lắc cho trẻ
Thường khó để khẳng định được ngay tình trạng của trẻ là do hội chứng lắc, trừ khi có người mô tả rõ tình trạng bé bị lắc. Ða số các bác sĩ đều có khuynh hướng nghĩ sang bệnh khác hoặc nghĩ đến tình trạng bé bị ngã.
Trường hợp nặng bé được mang vào cấp cứu với các biểu hiện như: khó thở hay ngừng thở, co giật, ói mửa, tri giác lừ đừ hay hôn mê. Khám thực thể có thể phát hiện có các vết bầm tím quanh đầu, cổ hay xương sườn; Gãy xương sườn hay các xương khác; Xuất huyết võng mạc (thường là 2 bên). Chụp CT và MRI có thể phát hiện thấy những tổn thương trong não như: xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới màng nhện, máu tụ, phù não và nhồi máu não.
Những trường hợp nhẹ thường dễ bị bỏ qua và dễ bị lầm với một số tình trạng khác như nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa… Trong các trường hợp nhẹ hơn, trẻ có thể bị: Lì bì, bứt rứt, nôn ói, kém ăn, kém bú, ít nói, cười, gồng cứng, co giật, thở khó, hay đổi tri giác, đồng tử 2 bên không đều, không thể nhấc đầu lên được, mắt trẻ không nhìn theo vật di động, thóp phồng, tăng kích thước của đầu. Một số trường hợp trẻ có thể bị gãy cột sống hoặc xương sườn.
Phần lớn các trường hợp được đưa đến khám trong tình trạng “tổn thương thầm lặng”. Thêm vào đó, cha mẹ hoặc người giữ trẻ thường không kể đến việc trẻ bị lắc vì vậy các bác sĩ sẽ không nghĩ đến để có những biện pháp thích hợp phát hiện sớm những tổn thương. Bên cạnh đó, cũng có một số trẻ không có triệu chứng nặng nên không được mang đi khám.Vì vậy, các trẻ này có thể tiếp tục bị lắc và sẽ bị tổn thương nặng hơn.
2. Phương pháp đề phòng hội chứng lắc cho trẻ
Mặc dù hậu quả của hội chứng lắc thật nặng nề, nhưng việc ngăn ngừa lại hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng nếu tất cả mọi người đều hiểu rõ những tác hại của nó. Để phòng hội chứng lắc cần chú ý đến những vấn đề sau:
– Ðừng bao giờ lắc hay tung trẻ lên vì bất cứ lý do gì.
– Hãy luôn cố gắng tự chủ và đừng bao giờ có ý nghĩ trút cơn giận của mình lên trẻ.
– Cần có những chương trình tuyên truyền rộng rãi trong công chúng về tác hại của hội chứng lắc cho trẻ, nhất là với những người chuẩn bị làm cha làm mẹ, đặc biệt là với những người đã có con, những người chăm sóc trẻ…
Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như đã trình bày, cần tìm hiểu kỹ xem trẻ có bị hội chứng lắc cho trẻ không để có thể đưa đến bệnh viện can thiệp kịp thời, tránh những di chứng có hại về sau.
Chẩn đoán và đề phòng hội chứng lắc cho trẻ (SBS)
Benh.vn