Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh hen suyễn truyền từ mẹ sang con có thể không chỉ do gen di truyền. Trong căn bệnh này, có thể chính hệ vi khuẩn đường ruột của cả hai mẹ con mới là nguyên nhân then chốt.
Hen suyễn hay hen phế quản là một tình trạng thường gặp và ảnh hưởng tới khoảng 13% phụ nữ có thai.
Trong thời kỳ mang thai, các triệu chứng có thể tồi tệ hơn, và việc kiểm soát triệu chứng kém sẽ dẫn tới giảm trọng lượng sơ sinh của trẻ. Tác động này đặc biệt rõ ở các bé trai.
Nếu bệnh hen suyễn của mẹ không được kiểm soát tốt trong khi mang thai, đứa trẻ cũng rất có thể sẽ bị hen suyễn. Điều này có thể là dấu hiệu cho một nguyên nhân khác ngoài yếu tố gen di truyền: nguyên nhân có thể nằm ở sự thay đổi trong tử cung.
Những năm gần đây, hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta đang rất được quan tâm. Chúng được coi là tâm điểm ảnh hưởng đến hàng loạt triệu chứng của con người. Hệ vi sinh vật đường ruột có thể liên hệ tới bệnh tiểu đường tuýp 1 và tâm thần phân liệt. Và hiện tại, các nhà khoa học đang tìm hiểu về mối liên hệ giữa chúng với bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh.
Hệ gen vi sinh vật đường ruột và bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh
Nhóm nghiên cứu được điều phối bởi nhà dịch tễ học microbiome của Đại học Alberta, chuyên viên điều tra của AllerGen – Giáo sư Anita Kozyrkyj – đã tiến hành phân tích mối quan hệ giữa bệnh hen phế quản trong lúc sinh và hệ vi sinh vật đường ruột. Kết quả của họ mới được đăng tải gần đây trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu (European Respiratory Journal).
Nghiên cứu lựa chọn 1,000 bà mẹ và bé sơ sinh tham gia vào Nghiên cứu về sự Phát triển Lâu dài của các Trẻ sơ sinh Khỏe mạnh Canada – một dự án của Mạng lưới Miễn dịch, Gen và Môi trường AllerGen. Các trẻ sơ sinh 3-4 tháng tuổi sẽ được thu thập mẫu phân và so sánh hệ vi sinh vật thu được với hệ vi sinh vật đường ruột của những người mẹ không bị hen.
Họ phát hiện ra rằng đường ruột của các bé trai da trắng có mẹ bị hen có gấp 3 lần nguy cơ chứa hệ vi sinh vật đặc biệt. Giáo sư Kozyrkyj nói: “Chúng tôi đã phát hiện ra chủng vi khuẩn Lactobacillus bị sụt giảm ở những trẻ này. Dấu hiệu còn đặc biệt rõ ràng ở những người mẹ bị hen có cơ địa dị ứng hoặc bị quá cân.”
Sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột có thể do một số yếu tố. Ví dụ, người mẹ bị hen rất có thể đã được kê đơn kháng sinh hoặc đứa trẻ được sinh mổ. Đây đều là những lý do tiềm tàng để làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột ban đầu của các bé sơ sinh.
Ở nghiên cứu này, các yếu tố trên đã được kiểm soát, cùng với những yếu tố khác như cân nặng dự sinh của trẻ, trẻ được bú mẹ hay không, trẻ mang chủng tộc nào và mẹ có dị ứng hay không.
Kể cả sau khi tính tới những yếu tố trên, lượng vi khuẩn Lactobacillus vẫn thấp hơn ở những trẻ 3-4 tháng tuổi có mẹ bị hen suyễn. Mức độ này đặc biệt thấp ở các trẻ có mẹ thừa cân hoặc bị dị ứng.
Biện pháp phòng hen phế quản ở trẻ sơ sinh trong tương lai
Điều thú vị là, cơn hen trong khi mang thai đã ảnh hưởng rất khác tới hệ vi sinh vật đường ruột của các bé gái. Các bé gái có xu hướng có họ vi khuẩn Bacteroidaceae nhiều hơn. Họ vi khuẩn này rất quan trọng để củng cố hàng rào chất nhày, nhằm bảo vệ tế bào ruột không bị tổn thương bởi các chất có hại. Do vậy điều này có thể giúp các bé gái khỏe mạnh hơn.
Nhóm tác giả tin rằng sự khác biệt này có thể là lý do các bé gái ít có nguy cơ bị hen suyễn khi còn nhỏ. Mặc dù vậy, các em vẫn có khả năng bị hen khi trưởng thành.
Nhóm tác giả cũng nhắc đến những hạn chế của nghiên cứu. Ví dụ như triệu chứng hen chỉ được đánh giá bằng việc hỏi các bà mẹ, thay vì là đánh giá của bác sỹ.
Tuy nhiên, do nghiên cứu trên một lượng lớn người tình nguyện, kết quả vẫn là bằng chứng đầu tiên cho thấy: tác động từ bệnh hen suyễn ở bà mẹ trên cấu trúc vi sinh vật đường ruột của trẻ là hoàn toàn độc lập khỏi việc sinh nở và các sự kiện sau sinh.
Những phát hiện này hứa hẹn rằng một ngày, bệnh hen phế quản ở trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa chỉ bằng việc sử dụng các chế phẩm probiotic. Tất nhiên để có thể áp dụng thử phương pháp này, các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm.
Benh.vn