Mụn là bệnh do nang lông – tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa, chất bã nhờn bị ứ đọng ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Khi nhân mụn thành hình thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ.
Đến tuổi dậy thì cơ quan sinh dục phát triển, bài tiết các hormon (nội tiết tố) sinh dục làm tuyến bã ở da mặt hoạt động quá mạnh đưa đến mọc mụn. Và hormon sinh dục góp phần gây mụn chính là androgen (còn gọi testosteron tức hormon sinh dục nam). Ở nữ vẫn có loại hoc mon này vì thế mụn cũng có ở phụ nữ.
Đây là một hiện tượng hết sức bình thường. Khi dậy thì, phần lớn các bạn đều hay bị mọc mụn. Nơi thường gặp nhất là ở trán và ở má nhưng tình trạng này sẽ giảm và khỏi hẳn khi sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên giao tiếp trong tình trạng mặt đầy mụn thật mất tự tin.
Đối với những người khác thì mụn hình thành có thể là do viêm nang lông do bụi bẩn, ô nhiễm hoặc do phản ứng với mỹ phẩm…
Có hai loại thuốc trị mụn
- Thuốc bôi điều trị tại chỗ có thể dùng cả khi chỉ có một vài đầu mụn hoặc khi mụn nhiều.
- Thuốc điều trị toàn thân: được dùng khi mụn mọc nhiều, các cách điều trị khác không có kết quả. Thuốc uống này gồm các loại cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định vì thường phải dùng kéo dài (trong nhiều tháng), có thể gây tác dụng phụ. Trong số đó có thuốc là hormon sinh dục nữ: chỉ dùng cho phụ nữ trưởng thành cấm chỉ định cho nữ dưới 16 tuổi.
Các bác sĩ khẳng định rằng không có biện pháp nào có thể điều trị mụn tận gốc. Cách tốt nhất là giữ gìn vệ sinh da mặt sạch sẽ, dưỡng da thường xuyên, tránh bụi bặm, ô nhiễm. Khi bị mụn cần làm lành các tổn thương do mụn để không gây sẹo bằng cách dùng thuốc uống, thuốc bôi, thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn gây mụn nếu bị nặng.
Ths.Bs Trần Việt Hùng – BV Bach Mai