Co giật là một trong những rối loạn thần kinh hay gặp ở trẻ em, có từ 4-10% trẻ có co giật trong vòng 16 năm tuổi đầu. Tỷ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi < 3 tuổi và giảm dần khi trẻ lớn hơn.
Co giật được định nghĩa là trạng thái rối loạn tạm thời về mặt ý thức, hành vi, vận động, cảm giác do sự phóng điện đột ngột quá mức và nhất thời của một nhóm neuron thần kinh.
Nguyên nhân gây co giật ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân gây co giật ở trẻ em, phân thành các nhóm sau.
Nguyên nhân nhiễm trùng gây co giật ở trẻ em
- Áp xe não.
- Viêm não.
- Sốt cao co giật.
- Viêm màng não.
- Nhiễm ký sinh trùng trong não.
Các bệnh tâm – thần kinh gây co giật ở trẻ em
- Sang chấn lúc sinh.
- Dị tật bẩm sinh hệ thần kinh.
- Bệnh thoái hoá não.
- Thiếu oxy não cục bộ.
Rối loạn chuyển hoá gây co giật ở trẻ em
- Tăng CO2 máu.
- Hạ calci máu; hạ đường máu; hạ magne máu.
- Thiếu oxy máu.
- Bất thường chuyển hoá bẩm sinh.
- Thiếu pyridoxine.
Chấn thương hay bất thường mạch máu gây co giật ở trẻ em
- Tai biến mạch máu não.
- Xâm hại trẻ em gây chấn thương não.
- Chấn thương sọ não.
- Xuất huyết nội sọ.
Ngộ độc gây co giật ở trẻ em
- Ngộ độc rượu, thuốc chống dị ứng, thuốc gây nghiện.
- Ngộ độc chì, khí CO.
- Ngộ độc các thuốc chống trầm cảm.
Các nguyên nhân khác gây co giật ở trẻ em
- Động kinh
- Sang chấn sản khoa
- Khối choán chỗ
Đánh giá trẻ co giật
Co giật ở trẻ em thường có đặc điểm
- Co giật lan toả, thường là giật cơ.
- Nhiều khi co giật không điển hình, cơn ngắn.
- Trẻ < 3 tuổi thường gặp sốt cao co giật.
Thăm khám trẻ cần khai thác:
- Tính chất co giật: lan toả hay cục bộ, thời gian co giật, bao nhiêu cơn co giật trước khi đến viện và nhiệt độ của trẻ khi xuất hiện co giật; ý thức của trẻ khi có cơn giật.
- Tiền sử trước đó trẻ có co giật chưa, có giật những lần trước có liên quan đến sốt, bệnh lý gì khác không.
- Trước và sau cơn giật tinh thần trẻ tỉnh táo hay li bì.
- Trẻ có nôn, trẻ lớn có kêu đau đầu không để định hướng loại trừ các bệnh nhiễm trùng thần kinh, khối choán chỗ….
- Thăm khám các triệu chứng thần kinh đi kèm: có giảm vận động, các phản xạ bất thường.
- Các bệnh lý khác đi kèm theo trước khi co giật, tiền sử chấn thương, tình trạng thiếu máu đột ngột (xuất huyết não).
- Tình trạng sử dụng thuốc hoặc uống nhầm thuốc để tìm căn nguyên do ngộ độc
- Thăm khám trẻ để tìm nguyên nhân gây sốt – khi nghĩ đến co giật do sốt cao: bệnh tai mũi họng (viêm họng cấp, viêm amidan, viêm tai giữa…), sốt virus, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá (ỉa phân nhầy máu mũi….)…..
Sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán: chọc dich não tuỷ khi nghi ngờ viêm não- màng não; chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc cộng hưởng từ để tìm bệnh lý thần kinh; xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm căn nguyên nhiễm trùng, rối loạn điện giải, ngộ độc; làm điện não đồ….
Xử trí khi trẻ co giật
- Đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm, tránh những nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ.
- Không cố gắng mở miệng trẻ cũng như cố gắng cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ.
- Sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ có sốt cao ≥ 38o5 (Acetaminophen 10-15 mg/kg/lần).
- Để trẻ nằm xuống và nghiêng sang 1 bên ngay khi có thể và duy trì đường thở cho trẻ không bị tắc nghẽn.
- Đưa trẻ đi cấp cứu bệnh viện để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị; phòng ngừa các cơn giật tiếp theo của trẻ để tránh tình trạng co giật kéo dài, liên tiếp sẽ không tốt cho trẻ.
Chú ý:
- Sốt cao co giật chiếm 5% trẻ ở lứa tuổi 5 tháng – 5 tuổi và tiên lượng thường không ảnh hưởng gì đến phát triển của trẻ.
- Luôn phải kiểm tra đường máu cũng như hạ calci máu là những nguyên nhân hay gặp tiếp theo để điều trị nguyên nhân.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV bạch Mai.