Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh lân cận phát hiện một số “lò” nuôi heo bơm nước bẩn, nhồi nhét tăng trọng để thu lợi nhuận bất chính.
Mục lục
Bơm nước vào lợn khiến cho thịt không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Đáng lo ngại hơn nếu các chủ cơ sở giết mổ sử dụng nguồn nước ao, nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh bơm vào gia súc thì nguy cơ thịt bị nhiễm khuẩn tiêu chảy Ecoli, nhiễm các chất kim loại nặng là rất lớn.
Vậy công nghệ bơm nước cho heo để tăng trọng như thế nào?
Công đoạn bơm nước tăng trọng cho heo được thực hiện trước khi đưa heo ra thị trường. Những con heo bị bơm nước sau một hồi rên la đau đớn, mệt mỏi sẽ được các thương lái đưa đến các cơ sở đầu mối để giết thịt.
Các công đoạn bơm nước cho heo
Công đoạn 1:
Các chú heo bị cột mõm ở hàm trên, sau đó được cột vào một điểm cố định ở thanh sắt trước chuồng. Ở vị trí này, heo bắt buộc phải ngước lên và há mồm ra.
Phía trên thành chuồng, một dãy xô nhựa được cột dọc theo các chuồng để chứa nước bơm, gắn bên ngoài là một ống dây nhựa dài khoảng 2m, đầu dây kia thọc thẳng từ miệng vào bụng heo.
Công đoạn 2:
Các thợ bơm chỉnh khóa được gắn phía trước xô nhựa để điều tiết lượng nước bơm vào (tùy theo thể trạng và trọng lượng từng con heo). Thời gian bơm là 10 phút. Khi bị thọc ống bơm nước vào sâu trong mồm, heo bị đau giãy giụa và bắt đầu rên la, kêu rống lên đau đớn.
Công đoạn 3:
Khi thấy bụng heo no, căng tròn thợ bơm rút ống bơm nước ra rồi đánh dấu cho lần bơm đầu tiên, sau đó rút vòi bơm và tháo dây cột ra. Thời gian nghỉ khoáng 60 phút. Lúc này các chú heo lảo đảo ngã vật xuống nền nhà, miệng trào nước.
Công đoạn 4:
Lượt bơm thứ 2 tương tự như lần 1. Các vòi bơm được cắm thẳng vào bụng heo qua đường miệng, sau đó các hệ thống van nước được mở khoảng 10 phút cho nước chảy xuống thẳng bụng heo.
Ở lần 2, heo không còn kêu to được nữa vì lúc này chúng đã mệt, nằm im không nhúc nhích. Thời gian nghỉ là 60 phút, sau đó là lần bơm nước thứ 3 cũng là lần cuối cùng trước khi xuất xưởng.
Công đoạn 5:
Sau khi bơm nước, heo “béo lên” trông thấy, con nào con nấy bụng căng tròn nhưng mệt mỏi, lừ đừ, yếu ớt. Tính theo dung lượng nước thì sau 3 lần bơm, số nước trong bụng heo vào khoảng 6 lít (khoảng 2 lit/lần bơm).
Khi trời xẩm chiều (khoảng 17 giờ) heo bơm nước được đưa lên xe chở về các lò trong thành phố để giết mổ.
Heo bơm nước ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Tác hại của heo bơm nước không chỉ làm giảm chất lượng thịt heo mànước bẩn được bơm vào bụng heo có thể gây ngộ độc thực phẩm cho người ăn, nguy cơ thịt bị nhiễm khuẩn tiêu chảy Ecoli, nhiễm các chất kim loại nặng là rất lớn. Về lâu dài sẽ tích luỹ thành chất độc gây hại cho bao tử và sức khỏe con người.
Mới đây các cơ quan chức năng còn phát hiện tại các lán trại,hệ thống nước bơm cho heo có chứa một loại thuốc an thần của Trung Quốc để quá trình bơm được dễ dàng hơn (do heo không chống cự nhiều). Tuy nhiên loại thuốc này lại gây độc hại cho người sử dụng.
Phương pháp phát hiện heo bị bơm nước
Heo sống
Biểu hiện: Heo mệt mỏi, lờ đờ, nằm ủ rũ.
Heo đã giết mổ
+ Sờ vào thịt không thấy miếng thịt dính, dẻo, chắc tay…
+ Phần trong của thịt heo trắng nhợt (bệch) hơn bình thường.
+ Khi nhìn, sờ vào miếng thịt thấy mặt trong nhiều nước (cảm giác như thịt vừa được rửa)…
Lời kết
Vì lợi nhuận nên chủ các cơ sở chăn nuôi đã bơm nước vào bụng heo trước khi đưa ra thị trường. Việc làm này không đơn thuần là vi phạm an toàn thực phẩm mà nó còn là căn nguyên ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Vì vậy, kiến nghị các bộ, ban, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, có chế tài xử lý nghiêm để răn đe các chủ cơ sở vi phạm, tránh để hiện tượng này trở thành trào lưu trên thị trường.
Benh.vn