Bọ xít là loài côn trùng được biết đến bởi đặc trưng mùi hôi, khó chịu. Tuy nhiên, ngoài bọ xít thông thường còn có loại bọ xít hút máu người đang phát triển tại các tỉnh Nam bộ, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. Vì vậy, cần lưu ý phòng tránh loại côn trùng này..
Mục lục
Tìm hiểu về lọai bọ xít hút máu người
Bọ xít hút máu người thuộc họ Reduviidae là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), lớp côn trùng (Insecta). Bọ xít hút máu, có kim chích dài ba đốt,chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm. Phần gốc vòi cong, không dính sát đầu. Mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi và có nọc độc làm tê liệt con mồi.
Phần bụng của loại bọ này rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng cam, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu…
Loại bọ này thường xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm và cả những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Bọ xít hút máu thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi… chúng có thể làm ổ cả trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ… đêm đến mới hoạt động.
Phương pháp xử lý khi bị bọ xít hút máu
+ Nếu không may bị bọ xít hút máu, người bị đốt cần rửa ngay vết đốt bằng xà phòng.
+ Lưu ý không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm. Sau đó cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên về da liễu để khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.
+ Tuyệt đối tránh gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên vết đốt, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.
Phương pháp phòng tránh bọ xít hút máu
+ Để diệt loại bọ xít hút máu, ngoài việc giết chúng bằng phương pháp thủ công, có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Fendona 10SC, ICON 10 WP (các loại hóa chất diệt côn trùng thuộc nhóm pyrethroid), phun trong nhà và xung quanh nhà.
+ Cần diệt tận gốc các loại trứng của bọ xít bằng cách thu lại cho vào túi và đốt.
+ Đặc biệt, cần dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vàođể loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán.
+ Lưu ý, khi đêm đến nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người…
Khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM
Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khuyến cáo người dân không nên lo lắng. Việc làm cần thiết nhất là dọn dẹp nơi ở để không cho loại bọ xít hút máu người sinh sống.
Hiện tại, đây là mùa bọ xít sinh sôi, nảy nở (nắng nóng). Vì vậy, sau khi phát hiện loại bọ xít này cần đập chết rồi mang chúng đi đốt.
Ngoài ra, nếu khu dân cư nào phát hiện trên 5 con bọ xít thì báo cho chính quyền địa phương để xử lý.
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu loại bọ này gây bệnh cho con người. Tuy nhiên “Nếu bị chúng cắn nên hạn chế gãi để không bị lở loét”.
Hải Yến – Benh.vn