Có từ 2-10% mẹ bầu có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Cùng Benh.vn tìm hiểu về căn bệnh này.
Mục lục
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của sản phụ cao hơn mức bình thường và xảy ra từ tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên là việc mẹ bầu nào cũng cần làm.
Nguyên nhân
Trong quá trình mang thai, các hormone sản xuất từ nhau thai làm rối loạn việc sản xuất insulin của tuyến tụy. Do đó, tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn, có khi gấp 2 lần so với bình thường, đồng thời xuất hiện hiện tượng kháng insulin. Khi tụy không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thiết, đường huyết sẽ tăng cao và dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ:
- Mẹ bầu thừa cân, béo phì (BMI > 30)
- Mẹ bầu lớn tuổi khi mang thai (> 35 tuổi)
- Gia đình có tiền sử bị đái tháo đường
- Bản thân có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Đã từng sinh em bé có cân nặng > 4,1kg hoặc đã từng có thai chết lưu không rõ nguyên nhân
Triệu chứng bệnh
Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu có thể gặp một số triệu chứng giống với bệnh nhân đái tháo đường:
- Thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều
- Vùng kín bị nấm, ngứa ngáy, khó chịu
- Khó lành các vết thương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Thường xuyên thấy mệt mỏi, kiệt sức
- Nước tiểu có thể có kiến bâu…
Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ
Đối với mẹ
Các biến chứng thai kỳ
- Tiền sản giật, sản giật (cao gấp 4 lần so với người bình thường)
- Nhiễm trùng
- Đa ối
- Băng huyết sau sinh…
Các biến chứng khi sinh
- Khó sinh
- Sinh non
- Thai chết lưu
- Vỡ ối…
Ảnh hưởng lên thai nhi
Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Sau sinh, tuyến tụy của bé vẫn tiếp tục sản xuất tiếp insulin để đáp ứng lượng đường dư thừa từ trước do mẹ truyền sang thai nhi. Sau đó, lượng đường trong máu của trẻ sẽ xuống thấp do insulin vẫn tiếp tục sản xuất gây nên tình trạng hạ đường huyết. Hạ đường huyết có thể dẫn đến tình trạng co giật, hôn mê và tổn thương não nếu không được phát hiện kịp thời.
Thai nhi chậm phát triển, dị tật hoặc tử vong
Thai nhi có nguy cơ bị các dị tật ở hệ tiết niệu, thần kinh, tim mạch.
Trẻ sinh ra thừa cân, béo phì
Nếu mẹ bị thừa cân và đái tháo đường thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ thừa cân gấp 3,5 lần so với trẻ bình thường.
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Thường là hệ lụy do trẻ sinh non dẫn đến phổi chưa phát triển đầy đủ
Vàng da sau sinh
Cách phòng bệnh
Chế độ luyện tập
Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như: yoga, đi bộ, bơi, đạp xe đạp,… Tập thể dục sẽ giúp kiểm soát được lượng đường trong máu, tăng lưu thông khí huyết và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, không thực hiện biện pháp này ở những bà bầu có nguy cơ sẩy thai được chỉ định nghỉ ngơi tuyệt đối.
Chế độ dinh dưỡng
- Chia nhỏ các bữa ăn thành 5 – 6 bữa/ngày trong đó: 3 bữa chính và 2 – 4 bữa phụ. Các bữa ăn nên cố định vào một thời điểm. Khối lượng bữa ăn tương tự nhau giữa các ngày.
- Kiểm tra phần ăn: để đảm bảo một suất ăn có chứa 1 lượng calo nhất định
- Tính tổng lượng carbohydrate trong mỗi phần ăn: tổng lượng carbohydrate trong mỗi phần ăn của bà bầu chỉ nên tối đa là 62g.
Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ là cách tốt nhất để mẹ bầu phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng không mong muốn do bệnh gây ra.
Benh.vn