Viêm lợi mạn tính gây tiến triển tình trạng viêm nhiễm quanh ổ răng, hay còn gọi là viêm lợi chân răng. Căn bệnh là nguyên nhân chính gây tiêu xương ổ răng và mất răng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về viêm lợi chân răng để bạn biết cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả nhất.
Mục lục
Tổng quan về viêm lợi chân răng
Viêm lợi chân răng hay còn gọi là viêm quanh răng, là hậu quả của sự lan rộng quá trình viêm từ lợi đến các tổ chức quanh chân răng. Đây là căn bệnh rất phổ biến hiện nay với tỷ lệ mắc lớn và xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mất răng là hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh, gây ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phân loại các thể bệnh viêm lợi chân răng
Viêm quanh răng có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó thể mạn tính chiếm tỷ lệ lớn nhất. Cụ thể:
- Viêm lợi chân răng cấp tính: Ít gặp hơn, có biểu hiện phổ biến là viêm lợi chân răng có mủ, viêm lợi hoại tử cấp tính và áp xe quanh răng do vi khuẩn. Thể cấp tính diễn biến nhanh và có thể dẫn đến những tình trạng nhiễm trùng toàn thân khác, do vậy cần được điều trị ngay lập tức.
- Viêm quanh răng mạn tính: Là thể chiếm tỷ lệ lớn nhất, phổ biến hơn ở người trên 35 tuổi. Viêm quanh răng tiến triển chậm, gây đau nhức kéo dài và là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố vi khuẩn, sinh lý và bệnh lý.
Triệu chứng của bệnh viêm lợi chân răng
Có sự khác nhau giữa triệu chứng của các thể viêm lợi chân răng như sau:
Viêm lợi chân răng cấp tính
- Đau dữ dội và sưng tấy lợi ở vùng chân răng.
- Viêm lợi chảy máu chân răng.
- Miệng rất hôi, tăng tiết nước bọt.
- Sốt, mệt mỏi.
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Nổi khối áp xe chứa mủ (áp xe nha chu) hoặc xuất hiện vết loét hoại tử lõm có viền ban đỏ.
Viêm quanh răng mạn tính
- Lợi sưng nề và có màu đỏ, có thể phì đại và gây mất lõm lợi.
- Nhiều mảng bám răng trên và dưới lợi.
- Chảy máu chân răng tự nhiên hoặc khi va chạm, ăn uống.
- Có hoặc không có mủ, dịch rỉ viêm ở túi lợi.
- Răng lung lay ở nhiều mức độ, mất bám dính quanh răng và có biểu hiện tụt lợi.
- Đau âm ỉ, ngứa râm ran ở lợi và nhạy cảm với nhiệt độ nóng/lạnh.
Nguyên nhân gây bệnh phổ biến
Nguyên nhân cơ bản gây viêm lợi chân răng là vi khuẩn. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp bao gồm Porphyromonas gingivalis, Prevotella spp., Fusobacterium, Treponema spp., Campylobacter spp., Actinomyces và vi khuẩn gram âm đường ruột.
Sự hình thành bệnh viêm lợi quanh răng còn liên quan đến sự phối hợp giữa vi khuẩn và nhiều yếu tố khác như:
- Vệ sinh răng miệng kém, mắc viêm lợi, nhiều mảng bám, cao răng tích tụ ở chân răng.
- Mắc các bệnh lý mạn tính: bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh bạch cầu, loãng xương.
- Vấn đề về giải phẫu và sinh lý: mang thai, mãn kinh, sai khớp cắn, răng mọc xô lệch,…
- Lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, stress, béo phì, thiếu chất (Vitamin A, C, Kẽm,…)
- Suy giảm miễn dịch: dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV/AIDs, nhiễm virus,…
Ngoài ra, thể bệnh cấp tính còn xuất phát từ những tổn thương thực thể ở mô lợi và các tổ chức quanh răng như đánh răng mạnh, va chạm, rách lợi hoặc sau phẫu thuật khoang miệng.
Viêm lợi chân răng có nguy hiểm không?
Tiêu xương ổ răng và mất răng là hậu quả trực tiếp của bệnh viêm lợi chân răng. Tình trạng tiêu xương ổ răng, mất dây chằng quanh răng khiến răng không còn chỗ bám dính, lung lay dần và rụng răng. Rụng răng không chỉ khiến việc ăn nhai của người bệnh bị ảnh hưởng mà về lâu dài còn khiến hàm răng xô lệch, làm thay đổi cấu trúc mặt dẫn đến biến dạng mặt và mất thẩm mỹ.
Hơn nữa, bị viêm lợi quanh răng cấp tính còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xoang hàm và nhiễm trùng các bộ phận khác trong cơ thể. Nhiễm trùng thứ phát thường gặp là viêm khớp, viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc, thậm chí là nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc điều trị viêm lợi chân răng
Theo các bác sĩ nha khoa, điều trị viêm lợi chân răng không có biện pháp đặc hiệu mà cần phải phối hợp nhiều thủ thuật khác nhau như dùng thuốc, phẫu thuật và xử lý tại chỗ. Nguyên tắc điều trị viêm lợi quanh răng bao gồm:
- Giảm đau, giảm viêm lợi và hạn chế chảy máu lợi.
- Làm giảm hoặc loại bỏ mủ và túi quanh răng.
- Loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
- Ngăn chặn sự phá hủy mô, xương và sự mất răng.
- Cải thiện cấu trúc răng đúng khớp cắn, phục hình răng và phục hồi những mô đã bị phá hủy.
- Phòng ngừa tái phát bệnh.
Quá trình điều trị sẽ bao gồm điều trị khởi đầu, liệu pháp kháng sinh và điều trị duy trì. Phẫu thuật sẽ được chỉ định trong một số trường hợp như túi lợi phì đại hoặc áp xe lớn quanh răng.
- Điều trị khởi đầu: Vệ sinh răng miệng, loại bỏ cao răng, bôi thuốc, dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ yếu tố nguy cơ của bệnh như điều trị các bệnh mạn tính, thay đổi lối sống, điều chỉnh khớp cắn,…
- Điều trị duy trì: Duy trì chăm sóc răng miệng sạch sẽ, tái khám định kỳ 3 tháng một lần.
Viêm lợi chân răng xuất phát từ đa yếu tố. Do vậy người bệnh tốt nhất nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác. Tùy vào tình trạng của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp điều trị khác nhau.
Các biện pháp điều trị viêm lợi chân răng
Dưới đây là tổng hợp thông tin về những cách chữa viêm lợi chân răng phổ biến:
Các biện pháp điều trị tại chỗ
Các biện pháp điều trị tại chỗ như vệ sinh răng miệng đúng cách và súc miệng sát khuẩn đóng vai trò quan trọng trong điều trị viêm quanh răng. Các biện pháp này bao gồm:
- Loại trừ các kích thích tại chỗ: Làm sạch cao răng và mảng bám. Làm nhẵn bề mặt răng để hạn chế sự tích tụ mảng bám.
- Cách vệ sinh răng miệng: Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Cạo lưỡi. Loại bỏ thức ăn thừa bằng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ hoặc máy tăm nước.
- Súc miệng bằng các dung dịch có tính sát khuẩn như nước súc miệng chứa Chlorhexidine, Povidone Iod, Oxy già. Sử dụng nước súc miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ của các hoạt chất sát khuẩn này.
- Súc miệng duy trì bằng nước súc miệng chứa Nano bạc hoặc nước muối sinh lý ngày 3 – 4 lần.
Sử dụng thuốc điều trị
Thuốc chữa viêm lợi chân răng bao gồm thuốc bôi, liệu pháp kháng sinh đường uống và thuốc trị triệu chứng:
- Thuốc bôi tại chỗ: Chlorhexidine, Metronidazole, Minocycline,…
- Liệu pháp kháng sinh đường uống: Spiramycin, Metronidazol, Clindamycin, kháng sinh Macrolid (Azithromycin, Clarithromycin,…), Ciprofloxacin,…
- Thuốc giảm đau hoặc chống viêm đường uống: NSAIDs (Ibuprofen,…), Paracetamol.
- Thuốc bôi trị triệu chứng: Thuốc giảm đau (Lidocain, Xylocain).
Các thủ thuật can thiệp nha khoa
Các thủ thuật can thiệp có thể được thực hiện để xử lý yếu tố nguy cơ hoặc biến chứng của viêm lợi răng khôn, bao gồm:
- Hàn răng sâu, sửa cầu chụp răng sai quy cách.
- Sửa khớp cắn, nắn chỉnh răng lệch lạc bằng niềng răng
- Liên kết tạm thời các răng lung lay để cố định, giảm rụng
- Nhổ răng bị lung lay quá mức, nhiễm trùng khó bảo tồn.
- Phẫu thuật chỉnh hình: cắt phanh môi, phanh má bám thấp, nạo lợi, cắt lợi, phẫu thuật vạt, phẫu thuật tái tạo mô nha chu.
- Trồng răng ở vị trí răng đã rụng.
Các biện pháp phòng ngừa và hạn chế tái phát bệnh
Viêm lợi chân răng rất dễ tái phát và có nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các biện pháp chăm sóc răng miệng tốt có thể phòng ngừa hoàn toàn căn bệnh này. Cụ thể:
- Chải răng đúng cách, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Cạo lưỡi. Loại bỏ thức ăn thừa bằng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ hoặc máy tăm nước.
- Súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng có tính kháng khuẩn như nước súc miệng chứa Nano bạc, Chlorhexidine,…
- Cân bằng chế độ dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giúp cải thiện hệ miễn dịch.
- Đi lấy cao răng và khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần với người bình thường và 3 tháng/lần với người mắc bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.
Viêm lợi chân răng là bệnh lý phổ biến và đem lại nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể cũng như thẩm mỹ của người bệnh. Tuy nhiên, căn bệnh này lại rất dễ phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn để điều trị và phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả.