Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng trên 800 triệu người bị cận thị. Trong đó, lứa tuổi học sinh (từ 7-16 tuổi) rất dễ mắc chứng cận thị, độ cận thị tiến triển càng nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt càng nhiều…
Mục lục
Cận thị ảnh hưởng đến thị lực của mắt và sức khỏe, gây khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt đời thường. Vậy, dấu hiệu nhận biết trẻ bị cận thị như thế nào? Phương pháp điều trị và phòng bệnh?
Tìm hiểu về bệnh cận thị
Cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn, khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía trước của võng mạc. Có 2 dạng cận thị: cận thị bẩm sinh và cận thị do mắc phải.
Người bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng.
Người bị cận thị nhìn xa mờ, nhìn gần thì rõ…(Ảnh minh họa)
Biểu hiện cận thị
- Khi xem tivi trẻ phải lại gần mới xem được.
- Trẻ đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc.
- Trẻ ở lớp khi viết bị sai, thiếu…
- Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa.
- Hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ.
- Thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, hay chảy nước mắt.
- Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt.
- Không thích các hoạt động phải nhìn xa…
Nguyên nhân cận thị
- Do bẩm sinh (yếu tố di truyền, cha mẹ cận thị thì con cũng bị cận thị).
- Do mắc phải (do môi trường, cách sống: học tập, làm việc, nhìn gần nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý…)
Lưu ý: Cận thị bẩm sinh thường được phát hiện khi trẻ 1-2 tuổi, độ cận cao và tăng độ nhanh bất bình thường. Cận thị mắc phải ở trẻ em thường xuất hiện ở khoảng 5-6 tuổi.
Cận thị do bẩm sinh hoặc do môi trường sống, cách sống… (Ảnh minh họa)
Phương pháp điều trị cận thị hiện nay
- Đeo kính.
- Dùng vật lý trị liệu luyện tập điều tiết trên máy.
- Mổ laser.
- Đặt thủy tinh thể nhân tạo khi bị cận nặng, có kèm bệnh đục thủy tinh thể.
- Dùng sóng siêu âm, điện, điện tử, laser năng lượng thấp có tác dụng làm phục hồi chức năng điều tiết mắt, tăng cường tuần hoàn cơ thể mi, võng mạc, tăng cường trương lực cơ.
- Tăng cường những thực phẩm giúp tăng cường thị lực và ngăn ngừa cận thị.
- Bổ sung Lutein và Zeaxanthin có tác dụng bảo vệ và đảm bảo sự toàn vẹn của điểm vàng, giúp mắt nhìn rõ vật.
- Bổ sung hợp chất chống oxy hóa gồm: Vitamin A, Vitamin C, Vitamin E và Selen giúp ngăn chặn các tác động có hại từ bên ngoài, làm chậm tiến trình lão hóa mắt, bảo vệ giác mạc và duy trì độ trong suốt của thủy tinh thể.
Biến chứng của cận thị
- Suy thoái võng mạch mạc cận thị.
- Suy thoái pha lê thể.
- Bong võng mạc.
- Mờ mắt…
Biến chứng của cận thị là suy thoái pha lê thể, bong võng mạc… (Ảnh minh họa)
Phương pháp phòng bệnh cận thị
- Bảo đảm đủ ánh sáng trong các phòng học, lớp học cho trẻ em (Ánh sáng phải được phân bố đều và có cường độ tốt không gây lóa mắt).
- Sách và tài liệu chữ in rõ ràng trên giấy không quá bóng để tránh bị loá mắt.
- Những trẻ cận thị được ưu tiên xếp ngồi gần bảng.
- Không học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ.
- Cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc nhìn ra xa sau mỗi giờ học.
- Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều.
- Làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 – 40 cm.
- Những ngày nghỉ nên cho trẻ sinh hoạt ngoài trời, đi picnic, thể dục thể thao nhẹ cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn.
- Bổ sung cho trẻ các loại vitamin như A, B, C, E, Calcium…
- Đối với những trẻ bị cận thị nặng cần đi khám bác sĩ hàng năm để theo dõi và phòng ngừa những triệu chứng bất thường…
Cho trẻ khám mắt hàng năm để kịp thời phát hiện và điều trị cận thị (Ảnh minh họa)
Tóm lại: Cận thị là bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển có nhiều yếu tố phải sử dụng tới mắt: xem TV, máy tính, chơi điện tử trên điện thoại, sử dụng ipad…
Thống kê cho thấy số người mắc tật khúc xạ tại các bệnh viện chuyên khoa mắt chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân đến khám. Tỷ lệ bệnh và mức độ cận cũng tăng lên theo cấp học của học sinh. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm và nhắc nhở con không nên ngồi quá lâu bên máy tính, khi ngồi học cần đảm bảo khoảng cách từ mắt đến bàn, không đọc sách trong bóng tối… Ngoài ra cần cho trẻ đi khám mắt định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện và điều trị những hiện tượng bất thường ở mắt.