Âm đạo là cấu trúc của hàng triệu tế bào nhỏ. Thỉnh thoảng, những thay đổi có thể xảy ra đối với các tế bào này mà bạn không hề biết. Những thay đổi này nếu không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung. Nhiễm trùng cổ tử cung với virus HPV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ung thư cổ tử cung. Những tế bào bất thường này được gọi là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN). Nếu không được điều trị, nó sẽ dần trở thành ung thư.
Mục lục
1. Dấu hiệu và triệu chứng
Những triệu chứng phổ biến nhất:
- Xuất huyết âm đạo sau khi giao hợp.
- Huyết trắng có mùi hôi.
- Chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.
Tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi khám âm đạo và làm pap smear.
Hình ảnh Ung thư cổ tử cung
2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư cổ tử cung
Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung nếu như:
- Đã có quan hệ tình dục hay quan hệ tình dục nhiều.
- Hút thuốc.
- Có nhiều bạn tình.
- Nhiễm trùng, có tiền sử bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục như: herpes sinh dục…
3. Phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Có hai phương pháp hữu hiệu như sau:
- Hạn chế những hoạt động tình dục sớm và số lượng bạn tình: sử dụng màng chắn hoặc bao cao su để phòng ngừa.
- Thường xuyên kiểm tra pap smear: Đây là phương pháp thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Trong lúc khám âm đạo, một mẫu tế bào được phết từ lớp lót cổ tử cung và được xem dưới kính hiển vi.
Pap smear có thể phát hiện được những thay đổi của tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm giúp dễ dàng điều trị và có kết quả tốt hơn. Nếu kết quả pap smear bất thường thì sẽ làm thêm các xét nghiệm khác cần thiết.
Tất cả các phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục từ 25 – 69 được khuyên nên làm pap smear định kỳ hằng năm theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Các xét nghiệm quan trọng sau đây:
* Pap smear
Khoảng 1 phần 10 tế bào âm đạo được phết sẽ cho thấy vài sự thay đổi trong cổ tử cung. Tuy nhiên, những thay đổi này hiếm khi được chẩn đoán là ung thư. Cần làm thêm những xét nghiệm khác để xác định ung thư. Nếu bạn là người chưa quan hệ tình dục thì không cần phết tế bào âm đạo. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nếu xuất huyết âm đạo
* Soi âm đạo
Dụng cụ soi âm đạo dùng kiểm tra cổ tử cung dưới hình ảnh phóng đại. Những vùng bất thường có thể được thấy và sinh thiết – một mẫu mô được lấy để kiểm tra dưới kính hiển vi.
* Nạo nội mạc cổ tử cung
Đưa dụng cụ vào trong cổ tử cung để lấy mô kiểm tra dưới kính hiển vi.
* Sinh thiết chóp cổ tử cung
Một phần lớn cổ tử cung được cắt để kiểm tra dưới kính hiển vi. Tiến trình này được gây tê cục bộ và bệnh nhân có thể ra về trong ngày.
5. Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Có những phương pháp điều trị khác cho các giai đoạn khác nhau của ung thư cổ tử cung:
* Giai đoạn tiền ung thư
Vùng bất thường của cổ tử cung có thể diệt bằng tia laser, nhiệt (điều trị bằng sức nóng) hoặc làm lạnh (đóng băng các tế bào). Những vùng lớn hơn được nhìn thấy thông qua soi âm đạo có thể được phẫu thuật cắt bỏ. Khi tân sinh trong biểu mô cổ tử cung lan đến eo cổ tử cung, sinh thiết chóp tử cung được thực hiện để cắt bỏ phần bất thường.
* Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm
Đối với phụ nữ đã lập gia đình, cắt bỏ tử cung là cách điều trị. Đối với phụ nữ muốn giữ lại cổ tử cung, phương pháp điều trị có thể là sinh thiết chóp cổ tử cung hay điều trị bằng laser.
* Ung thư xâm lấn
Phẫu thuật là cách điều trị phổ biến cho ung thư cổ tử cung chưa xâm lấn qua khỏi cổ tử cung. Tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, các mô và tuyến hạch gần đó được cắt bỏ để chắc rằng ung thư đã được loại bỏ. Đối với những trường hợp ung thư cổ tử cung đã xâm lấn xa hơn, phương pháp điều trị chính là xạ trị. Tia xạ trị sẽ đến đúng vào chỗ ung thư. Xạ trị được dùng cho ung thư ở giai đoạn 2.
Xạ trị ngoài phá hủy những tế bào ung thư cổ tử cung bên ngoài được làm trong 6 tuần. Xạ trị trong sẽ phá hủy tế bào ung thư cổ tử cung bằng cách đưa que phóng xạ vào trong tử cung. Trong ung thư cổ tử cung, hóa trị được dùng khi có những vùng di căn xa hay ung thư tái phát không thể điều trị. Hóa trị là dùng thuốc để giết những tế bào ung thư. Hóa trị sẽ làm nhỏ khối u ung thư và giảm triệu chứng của bệnh. Hóa trị cũng được kết hợp với xạ trị trước phẫu thuật để làm khối u nhỏ lại và việc phẫu thuật sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sau khi điều trị, bệnh nhân phải kiểm tra định kỳ sau phẫu thuật và xạ trị. Bệnh nhân cũng được khuyên tạm tránh quan hệ tình dục sau điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động thể chất thông thường và những hoạt động xã hội trong 2 và 3 tháng sau điều trị.
Benh.vn (Theo Thanh Niên)