Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là một bệnh phổ biến và có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Tại Việt Nam số lượng trẻ nhiễm virus phải nhập viện là không nhỏ, thế nhưng có nhiều phụ huynh vẫn không có kiến thức về loại virus này.
Mục lục
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 500.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong và có gần 2 triệu người mang bệnh nặng do nhiễm vi rút Rota.
Tại Việt Nam, số trẻ nhập viện do vi rút Rota mỗi năm ước tính lên đến 122.000 – 144.000 trẻ, chiếm hơn 50% trên tổng số trường hợp tiêu chảy.
Vệ sinh sạch sẽ không loại bỏ được vi rút Rota
Vi rút Rota là nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại hội thảo “Dữ liệu thực tế 10 năm về vắc xin ngũ giá ngừa vi rút Rota” do Tập đoàn MSD tổ chức, đánh giá về mức độ nguy hiểm của vi rút này, PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota hiện chưa có thuốc đặc trị và rất dễ lây lan từ người sang người chủ yếu qua đường phân – miệng.
Điều đáng lo ngại là vi rút này có khả năng đề kháng với các chất tẩy rửa thông thường như cồn, nước javel…, và tồn tại rất lâu trong môi trường. Do đó, việc cải thiện chất lượng nguồn nước và điều kiện vệ sinh đơn thuần chưa thể kiểm soát được dịch bệnh”.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn phân tích những số liệu cho thấy trẻ dễ bị nhiễm vi rút Rota ở giai đoạn từ 6-24 tháng
Xử lý khi con bị nhiễm vi rút Rota
Nhiều cha mẹ vẫn thường nhầm lẫn tiêu chảy do vi rút Rota với tiêu chảy thông thường. Thực tế, chúng có những dấu hiệu bệnh khác nhau. Việc phân biệt rõ các triệu chứng sẽ giúp cha mẹ có những biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả nhất cho con yêu.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, nếu trẻ tiêu chảy kèm nôn ói dữ dội, tần suất đi phân lỏng, toàn nước và nôn có thể lên đến hơn 20 lần một ngày thì khả năng cao trẻ bị nhiễm bệnh do vi rút Rota. Khi thấy những dấu hiện trên, cha mẹ cần cho trẻ nhập viện truyền dịch để tránh mất nước và các chất điện giải. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày, tự khỏi nhưng nguy cơ tái phát lại rất cao.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh cha mẹ không nên tự chữa trị cho con bằng kháng sinh hay các phương pháp dân gian như sử dụng một số thực phẩm có vị chát cầm tiêu chảy như lá ổi non, lá hồng xiêm… Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trong các thực phẩm này có chứa chất tanin làm săn niêm mạc ruột giúp giảm tiêu chảy tức thời. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm chỉ là giả tạo và bệnh của bé càng trầm trọng hơn.
Vắc xin là biện pháp phòng ngừa vi rút Rota hiệu quả nhất
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn đã nhận định: “Cách phòng bệnh do vi rút Rota hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng vắc xin”. Chia sẻ về lợi ích của vắc xin ngũ giá ngừa vi rút Rota, Bác sĩ Michelle Goveia – Giám đốc Y khoa MSD Vắc xin toàn cầu cho biết Vắc xin ngũ giá có chứa đến 5 chủng vi rút Rota gây bệnh phổ biến, trong đó bao gồm các chủng G1, G2, G3, G4 và P1A[8]. Kể từ khi trẻ được chủng ngừa, nghiên cứu cho thấy vắc xin này có khả năng bảo vệ thường trực trong suốt 7 năm.
Bác sĩ Michelle Goveia chia sẻ hiệu quả 10 năm sử dụng vắc xin ngừa vi rút Rota trên thế giới
Để bảo vệ con toàn diện khỏi nguy cơ nhiễm bệnh do vi rút Rota, cha mẹ cần cho con uống vắc xin đúng lịch để cho hiệu quả phòng bệnh cao. Theo đó, vắc xin ngũ giá ngừa vi rút Rota được khuyến cáo sử dụng liều uống đầu tiên cho trẻ từ 7,5 – 12 tuần tuổi, những liều tiếp theo được sử dụng cách nhau tối thiểu 4 tuần. Liều thứ ba cần được hoàn thành trước khi trẻ được 32 tuần tuổi.
Trẻ nên uống vắc xin ngũ giá ngừa vi rút Rota liều đầu tiên trước 12 tuần tuổi. (Ảnh minh họa)
Hiện nay vắc xin ngừa vi rút Rota đã có trong chương trình chủng ngừa dịch vụ tại các bệnh viện Sản-Nhi và các Trung tâm Y tế Dự phòng trên toàn quốc.
Benh.vn (Nguồn Trí thức trẻ)