Đồ ăn chay hiện đã trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, được xem là sự “cứu cánh” cho sức khỏe khi mà thực phẩm bẩn tràn lan các chợ. Tuy nhiên, người nội trợ cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm chay bởi hiện nay, chẳng những thực phẩm mặn mà ngay cả đồ chay cũng “có vấn đề” về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Mặc dù thực phẩm chay rất tốt cho sức khỏe, đem lại sự cân bằng và thanh lọc cho cơ thể, tuy nhiên, với đặc điểm sử dụng nguồn nguyên liệu tươi, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát sinh trong quá trình chế biến và sản xuất thực phẩm chay.
Người tiêu dùng từng “phát hoảng” vì những thực phẩm chay chứa đầy các sinh vật mất vệ sinh. Kiểm nghiệm cho thấy xuất hiện nhiều chất phụ gia và chất độc hại không rõ nguồn gốc trong nhiều mẫu sản phẩm chay.
Những sản phẩm đóng gói như sườn non chay, thịt lợn chay, tôm chay… hầu hết đều có nguồn gốc từ đậu phụ. Nếu chế biến hay bảo quản trong môi trường mất vệ sinh, loại nguyên liệu nhiều đạm này rất dễ phát sinh nấm mốc và sinh vật. Nhiều người tiêu dùng đã từng phát hiện trong gói sườn non chay có rất nhiều giòi và côn trùng còn sống dù đây là sản phẩm của một thương hiệu lâu năm và đã được xác nhận công bố an toàn thực phẩm trên bao bì. Một số người tiêu dùng cũng đã phát hiện trong sản phẩm xúc xích heo chay làm từ đạm đậu nành xuất hiện mốc và bị hỏng dù bao bì vẫn còn nguyên niêm phong.
Nhà thơ Kim Hoa (quận 12, TP.HCM), một Phật tử thường ăn chay, cho rằng siêu thị bây giờ chưa chắc đã an toàn. Nhà thơ dẫn chứng siêu thị B. đã nhiều lần bán hàng quá hạn, hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán nhãn ở Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện, nên không yên tâm. ‘Cô thường mua ở chợ gần nhà, từ những tiểu thương quen nên có phần chắc ăn. Bữa chay là điều rất cần thiết đối với gia đình cô, nên cô luôn coi trọng. Nếu họ bán hàng gian dối, dù là quen thân, cô cũng không mua lần thứ hai. Vì sức khỏe của mình và người thân mà’ nhà thơ Kim Hoa bộc bạch.
Hiện nay đang nổi lên phong trào trồng rau sạch trong nhà nhằm hạn chế ăn những thực phẩm chay bẩn. Chị Trúc Mai, nội trợ ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Không gian nhà tôi tuy chật hẹp nhưng ông xã vẫn dành một chỗ phía sau nhà để trồng rau. Giờ thực phẩm chay cũng dùng hóa chất nhiều lắm. Tôi là người thích dùng rau muống luộc chấm chao, ăn hoài không ngán, nhưng nghe ti-vi nói rau muống xịt nhớt nên hoang mang. Thế là gia đình mua hạt rau muống về nhà gieo. Vì vậy mỗi khi dùng bữa chay vào ngày rằm, tôi không còn phải đi chợ mua rau nữa”.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều nhà sản xuất thêm rất nhiều hương liệu vào đồ chay nhằm tạo ra mùi vị giống nhất với đồ mặn. Đối với thực phẩm bình thường, yêu cầu về lựa chọn nguồn gốc sản phẩm là ưu tiên hàng đầu thì đối với thực phẩm chay, việc lựa chọn nguồn gốc lại càng phải chú ý hơn.
Theo xu hướng ăn chay tươi, người tiêu dùng được khuyến khích ăn nhiều rau, củ, quả tự nhiên, hạn chế thêm các gia vị công nghiệp như bột nêm hay nước mắm. Đối với các sản phẩm đóng gói giả mặn, nên chọn các hãng uy tín, màu sắc không rực rỡ, khi chế biến không dậy mùi hương liệu động vật, ăn mềm, không bị dai hay có cảm giác sần sật. Nếu tự sản xuất và lên men đồ chay, người dùng cần chú ý thực hiện trong môi trường về sinh sạch sẽ để tránh gây nhiễm khuẩn.
Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, bạn nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm để mua. Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc.
Tổng hợp