Là cha mẹ, khi sinh con ra ai cũng yêu thương con mình, nhưng…..có những lúc trẻ bướng bỉnh, không nghe lời….khiến cha, mẹ phải “ra tay” để dạy trẻ. Biết đánh con là không nên, nhưng nhiều bậc phụ huynh chia sẻ “không đánh không được, có dùng đòn roi thì mới giúp con nên người”. Vậy, phương pháp dạy trẻ bẳng đòn roi có hiệu quả không? Có thể dùng đòn roi đối với trẻ trong những trường hợp nào?
Mục lục
Những phương pháp khi dạy trẻ
– Kiên nhẫn.
– Biết nói không.
– Tôn trọng trẻ.
– Là tấm gương cho trẻ….
Có nên dùng đòn roi dạy trẻ (Ảnh minh họa)
Khi trẻ mắc lỗi cần
Tìm hiểu nguyên nhân gây lỗi ở trẻ
Tìm hiểu lỗi do đâu, nguyên nhân nào gây nên? Lỗi có nghiêm trọng không? Lỗi do vô tình hay cố tình?…
Khuyên bảo trẻ bằng tình thương yêu của cha mẹ
Cho trẻ biết nguyên nhân kỷ luật trẻ là tốt cho chúng chứ không phải phục vụ ý muốn của người lớn.
Ân cần, độ lượng với trẻ
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên ân cần, độ lượng, chỉ ra những lỗi lầm của con bằng sự bao dung, giúp trẻ nhận ra cái sai mà sửa, như vậy hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tâm sự của các bậc phụ huynh
Chị L.T.H (Thanh Hoá) có con trai 8 tuổi
“Vợ chồng bỏ nhau, tôi sợ không có bố bên cạnh cháu dễ sinh hư, nên rất nghiêm khắc trong cách dạy bảo.
Mỗi lần cháu mắc lỗi tôi thường dùng roi đánh thật đau cho nhớ. Có hôm cháu phản kháng lại bằng cách hét toáng lên “Mẹ không thương con. Con ghét mẹ lắm. Con thích ở với bố thôi“.
Nghe cháu nói, tôi đau lòng lắm. Tôi đánh cháu đâu phải vì không thương, mà muốn cháu biết vâng lời mà thôi”.
Đánh trẻ là nguyên nhân dẫn đến trẻ ghét bố, mẹ (Ảnh minh họa)
Chị T (Hà Nội)
Chị T rất hay đánh con: ăn chậm đánh, mè nhèo đánh, khóc đánh, đòi mua đồ chơi đánh….
Gia đình, hàng xóm, bạn bè nhắc nhở, chị chia sẻ:
“Tôi có muốn đánh con nhiều đâu. Nhưng không đánh, con không thể thành người. Ngày xưa, bằng tuổi nó, tôi đã phải làm biết bao thứ, lo nghĩ bao chuyện. Mình không bắt con phải sống khổ như thời xưa nhưng nếu ngay từ bé đã buông lỏng không giáo dục, sớm muộn gì con cũng hư”.
Ý kiến của chuyên gia
Chuyên gia tâm lý Hồng Hà
“Đánh con là một thực trạng mà nhiều gia đình mắc phải, hành động này tỏ rõ sự bất lực của cha mẹ đối với con cái. Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích mà còn phản tác dụng, khiến đứa trẻ sẽ lì đòn, cứng đầu và có khả năng vi phạm lỗi nặng hơn.
Phụ huynh nên tìm hiểu mục đích con hư là gì? (gây sự chú ý với cha mẹ, nũng nịu, bướng bỉnh…), khi tìm hiểu được mục đích, nguyên nhân, cha mẹ sẽ có cách để giúp đỡ con. Nếu có thể dạy bảo con cái bằng lời khuyên, bằng tình cảm, lời nói nhẹ nhàng thì điều này nên hơn cả, sử dụng đòn roi không có gì đáng khích lệ ở đây.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thỉnh thoáng đánh con (nhưng không được lạm dụng) để dạy con. Một khi lạm dụng đòn roi, con sẽ dạn đòn. Khi đánh con, cần phân tích lỗi lầm, đưa ra những lời khuyên tốt cho con ”
Phân tích giúp con nhận ra khuyết điểm (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt)
“Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn ra đường dễ gây gổ, đánh nhau với người khác. Hầu hết trẻ sớm đi vào con đường phạm tội hay nghiện ngập đều do cha mẹ dạy dỗ không đến nơi đến chốn và thường xuyên bị đánh đòn.
Cha mẹ dạy bằng cách đánh đến mức con lỳ đòn, hết sợ là rất nguy hiểm. Khi đã hết sợ, người ta có thể liều lĩnh làm bất kỳ điều gì. Cha mẹ dạy con cũng cần giữ lại vốn sợ cho con, bởi vì vốn sợ của trẻ em cũng có giới hạn, nó không hề vô hạn”.
Thạc sĩ tâm lý mầm non Nguyễn Thị Thanh Thủy (hiệu trưởng trường mầm non Khôi Nguyên – TP HCM)
“Cha mẹ đánh đòn con chính là thể hiện sự bất lực của mình. Nhiều người đánh con như một cách để giải tỏa sự căng thẳng, ức chế khi con bướng bỉnh không chịu nghe lời.
Sau khi ra đòn người lớn có thể cảm thấy rất thoải mái, được nhẹ lòng nhưng sau đó bắt đầu hối hận. Tốt hơn, cha mẹ hãy tự bình tĩnh trước mỗi tình huống bé nghịch ngợm, bướng bỉnh.
Hãy nói nhẹ nhàng và giải thích cho bé. Trẻ không có lỗi gì trong tất cả các thói hư tật xấu của chúng. Nếu bé có lỗi, thì chính cha mẹ phải nhìn lại bản thân mình xem mình đã có hành động gì sai”.
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên
“Trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành.
Bị đánh không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, học làm chủ hành vi tốt hơn mà ngược lại sẽ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị “tóm” khi mắc sai lầm.
Đặc biệt, trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay cho muốn hành động đúng. Người lớn nên dạy con bằng lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực, nên nhớ áp dụng các hình thức phạt con là để nhắc nhở chứ không phải hành hạ”
Vậy, những trường hợp nào có thể áp dụng đòn roi để dạy con?
Anh T (Long Biên, Hà Nội)
‘C là một bé gái ngoan ngoãn, biết nghe lời bố mẹ. Ngay từ nhỏ, C đã biết yêu thương, giúp đỡ, quan tâm tới bố mẹ nên không bao giờ bố mẹ phải la mắng hoặc đánh cháu.
Khi bé học lớp 1, có một lần, cô giáo thông báo mời phụ huynh đến trường gấp, anh T mới ngã ngửa khi biết con ngoan có tật “ăn cắp vặt”. Tối đó, bé bị bố mẹ đánh cho một trận rất đau.
Anh tâm sự: “Nhìn con khóc mà mình xót xa hết cả ruột, nhưng mình ghét nhất là thói xấu này. Trước đây, mình cực lực phản đối việc đánh con nhưng đúng là đánh mới thành người được”.
Nói vậy nhưng anh cũng lo lắng, không biết đánh thế có phải là một hành động nên làm hay không? Đánh con liệu có giúp con nên người?…”
Anh L (Hà Nội) có con gái 4 tuổi
“Vì cả dòng họ chưa có cháu gái nên khi vợ chồng anh L sinh con gái, ông bà rất cưng chiều. Lâu dần sinh hư, hễ cứ đòi gì là phải được, không đồng ý là khóc giãy nảy, la mắng mọi người…Gần đây, cháu tự ý bỏ đi chơi, không xin phép người lớn. Nhiều lần, bố, mẹ phát hoảng đi tìm (vì sợ cháu bị lạc hoặc ra đường xe cộ). Sau đó bố, mẹ đã nhắc “đi đâu phải xin phép, bố mẹ cho đi mới được đi” nhưng nói mãi cũng chẳng nghe lời.
Sợ cháu sinh “nhờn” tạo thành thói quen không sợ ai, anh dùng “roi” để trị. Hai ngày đầu cháu dỗi, không chơi với bố…nhưng “chừa” hẳn những tật xấu. Bây giờ mỗi khi đi đâu, cháu đều xin phép ông, bà, bố, mẹ mới ra khỏi nhà”
Lời kết
Không phải lúc nào đòn roi cũng có giá trị đối với con trẻ, đôi khi còn có tác dụng ngược lại. Có thể nói quan niệm “thương cho roi, cho vọt” không còn được khuyến khích trong xã hội hiện đại ngày nay.
Việc quát mắng, đánh đập trẻ nhỏ làm tổn thương thể xác lẫn tâm hồn trẻ vì trẻ chưa hiểu hết những việc chúng đã làm. Vì vậy, những người làm cha, làm mẹ hãy quan tâm và giáo dục con bằng chính tình yêu thương và sự nghiêm khắc của mình.
Benh.vn