Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa hấp thụ và có đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ. Trẻ bú sữa mẹ ít khi bị suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì sau này. Sau đây là một số những câu hỏi thường gặp về Nuôi con bằng sữa mẹ và câu trả lời từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Mục lục
1. Nuôi con bằng sữa mẹ có những lợi ích gì?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa hấp thụ và có đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ. Trẻ bú sữa mẹ ít khi bị suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì sau này.
Sữa mẹ có vai trò miễn dịch bảo vệ cơ thể trẻ phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ bú sữa mẹ cũng có tác dụng dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành như béo phì, đái tháo đường, tim mạch…
Nuôi con bằng sữa mẹ hình thành được mối quan hệ yêu thương gắn bó tình cảm mẹ con. Người mẹ có thời gian gần gũi, chăm sóc con giúp cho trẻ phát triển hài hòa.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp góp phần kế hoạch hóa gia đình, giúp cho mẹ chận có thai và giảm được nguy cơ ung thư vú và buồng trứng.
Nuôi con bằng sữa mẹ thuận tiện, ít tốn kém và cũng là sự đầu tư tốt nhất cho gia đình và tiết kiệm ngân sách quốc gia.
2. Tại sao sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ nhỏ ?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, ngay cả khi mẹ bị bệnh, có thai, có kinh nguyệt hay gầy yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong khoảng thời gian từ sau sinh đến 6 tháng tuổi.
Sữa mẹ trong vài ngày đầu sau đẻ gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc sánh. Sữa non nhiều đạm, Vitamin A và các yếu tố bảo vệ cơ thể, giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Sữa non có tác dụng đào thải phân su giúp trẻ đỡ vàng da.
Sau giai đoạn sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp sang sữa trưởng thành, sữa này gồm có sữa đầu bữa và sữa cuối bữa. Sữa đầu bữa là sữa ở đầu bữa bú. Sữa có màu hơi xanh, trong và lỏng. Trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều nước và có đủ chất dinh dưỡng. Sữa cuối bữa là sữa ở cuối bữa bú, có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo và có nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt.
Phân tích thành phần các chất trong sữa mẹ cho thấy chất đạm và chất béo trong sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thụ. Đường lactose trong sữa mẹ nhiều hơn trong các loại sữa khác nên cung cấp thêm nguồn năng lượng cho trẻ.
Chất sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu nên trẻ bú mẹ sẽ không bị thiếu máu do thiếu sắt.
Sữa mẹ chứa đủ lượng canxi và phốt pho giúp trẻ phát triển tốt, ít bị còi xương.
Sữa mẹ có đấy đủ các loại Vitamin, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu thì không cần bổ sung thêm Vitamin và nước quả.
3. Vì sao phải cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ?
Sữa mẹ được bài tiết theo cơ chế phản xạ. Khi trẻ bú xung động cảm giác từ vú lên não để sản xuất ra hai nội tiết tố là Prolactin và Oxytocin.
Prolactin kích thích các tế bào tiết sữa. Oxytocin có tác dụng làm cho sữa chảy ra đầu vú.
Sự tiếp xúc sớm ngay sau đẻ làm tăng mối quan hệ gắn bó mẹ con. Động tác bú của trẻ có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu sau đẻ, mẹ đỡ thiếu máu.
Bú sớm sẽ kích thích sữa bài tiết sớm đồng thời tránh được hiện tượng cương tức vú, khả năng tiết sữa kéo dài hơn, thời gian cho bú lâu hơn.
Bú sớm trẻ sẽ nhận được sữa non là thức ăn phù hợp với bộ máy tiêu hóa của trẻ và tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn sau đẻ.
Bú sớm cũng giúp trẻ bú đúng cách ngay từ ban đầu, nuôi con bằng sữa mẹ dễ thành công.
Vì vậy ngay sau đẻ cho trẻ tiếp xúc da kề da, mẹ nằm cạnh con và cho bú sớm trong vòng một giờ đầu.
4. Ngay sau đẻ, có cần cho trẻ uống nước đường, nước cam thảo hoặc các loại sữa khác không?
Điều này không tốt, vì nếu trẻ uống nước đường, cam thảo hoặc các loại sữa khác thì mẹ sẽ cho trẻ bú muộn hơn, và khi trẻ đã thỏa mãn cơn đói thì sẽ bú mẹ ít hơn làm ảnh hưởng đến việc ngậm bắt vú của trẻ.
Trẻ dễ bị mắc tiêu chảy, vì quá trình pha chế cốc thìa không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt nếu cho trẻ bú bình thì sẽ ảnh hưởng tới việc cho con bú sau này.
Vì vậy sau khi sinh, trẻ cần được bú sữa non ngay. Không cần cho trẻ bất cứ thức ăn hoặc nước uống uống nào khác trước khi bắt đầu bú mẹ.
Khoa Dinh Dưỡng – Bệnh viện Nhi TW