Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Copenhagen, Đan Mạch, liệu pháp tiếp cận từ hệ vi sinh vật đường tiêu hóa đã cho thấy khả năng làm giảm tình trạng bệnh viêm da cơ địa trên trẻ. Đây là một hướng nghiên cứu đang được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây.
Mục lục
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa (hay eczema) là một bệnh ngứa không rõ nguyên nhân và luôn xuất hiện sớm ở trẻ. Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ cũng rất khó khăn vì không xác định được cách điều trị tận gốc.
Để điều trị viêm da cơ địa, việc sử dụng các corticosteroid ngoài da có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, nhất là ở trẻ em mắc eczema mức nhẹ và trung bình. Tuy nhiên tỉ lệ tái phát cao. Hơn nữa, việc sử dụng corticosteroid trên diện rộng và kéo dài có thể dẫn tới nhiều tác dụng phụ toàn thân và gây teo da.
Ảnh minh họa: Viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở trẻ từ rất sớm
Sử dụng probiotics để điều trị viêm da cơ địa
Chế phẩm probiotics bản chất là các vi sinh vật sống có ích trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị một tình trạng bệnh cụ thể. Chúng được đưa vào cơ thể theo đường tiêu hóa.
Trước đó, đã có vài nghiên cứu chỉ ra vai trò của liệu pháp vi khuẩn tiêu hóa probiotics trong việc ngăn ngừa viêm da cơ địa.
Để phát triển hướng điều trị này, các nhà khoa học tại Copenhagen đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng và đánh giá khả năng chống viêm của chế phẩm probiotics chứa 2 chủng lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus 19070-2 và Lactobacillus reuteri DSM 122460, trên trẻ em bị viêm da cơ địa mức nhẹ và trung bình.
Ngoài việc đánh giá lâm sàng về mức độ và phạm vi bị eczema, các nhà khoa học cũng đo nồng độ protein cationic từ bạch cầu ưa acid trong huyết thanh và mức độ sản xuất các cytokin của các dòng tế bào máu ngoại vi.
Nội dung nghiên cứu
Các nhà khoa học tại Copenhagen, Đan Mạch đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng chéo, đối chứng giả dược và mù đôi trong vòng 6 tuần trên các trẻ từ 1-13 tuổi bị viêm da cơ địa.
Trong đó, 2 chủng lợi khuẩn Lactobacillus được sử dụng dưới dạng bột đông khô. Sau mỗi đợt sử dụng trên bệnh nhân, các tác giả ghi lại phản hồi của cha mẹ về hiệu quả của chế phẩm trên trẻ (VD: tốt hơn, không khác biệt, hay tệ hơn).
Mức độ nặng của triệu chứng lâm sàng eczema được đánh giá bằng thang đánh giá viêm da cơ địa (SCORAD). Để đánh giá mức độ viêm của bệnh nhân, nhóm tác giả tiến hành đo thêm nồng độ protein cationic từ bạch cầu ưa acid trong huyết thanh và mức độ sản xuất các cytokin của các tế bào máu ngoại vi.
Sau 6 tuần nghiên cứu, các nhà khoa học thu được nhiều kết quả tích cực
Sau một đợt điều trị bằng chế phẩm probiotics, 56% bệnh nhân có cải thiện về tình trạng eczema, trong khi chỉ có 15% bệnh nhân sử dụng giả dược tin rằng mình có cải thiện (P= 0,001). Tuy nhiên, tổng số điểm tính theo thang SCORAD lại không thay đổi có ý nghĩa thống kê.
Mức độ eczema trong giai đoạn điều trị tích cực chỉ giảm từ trung bình 18.2% xuống 13.7% (P=0,02).
Đặc biệt, mức độ đáp ứng điều trị với chế phẩm probiotics cao hơn và điểm SCORAD giảm đáng kể hơn ở nhóm bệnh nhân có dị ứng (có ít nhất một đáp ứng dương tính trong xét nghiệm chích da và có nồng độ IgE tăng).
Trong giai đoạn điều trị tích cực, nồng độ protein cationic từ bạch cầu ưa acid trong huyết thanh của các bệnh nhân giảm (P=0,03). Không ghi nhận được thay đổi đáng kể về mức độ sản xuất các cytokin như IL-2, IL-4, IL-10 hay IFN- γ.
Tóm lại, nhóm tác giả kết luận, việc sử dụng các chủng lợi khuẩn Lactobacillus trên trẻ em bị viêm da cơ địa có liên quan tới việc cải thiện mức độ lâm sàng của eczema. Tác dụng này rõ rệt hơn trên những bệnh nhân dương tính với xét nghiệm chích da và có nồng độ IgE tăng.
Các nghiên cứu tiếp theo hiện đang được tiến hành để đánh giá thêm tác động của việc sử dụng lợi khuẩn kéo dài, cũng như lựa chọn nhiều chủng lợi khuẩn khác để tăng cường hiệu quả điều trị.
Từ những nghiên cứu này, chế phẩm probiotics – những lợi khuẩn có ảnh hưởng tích cực trên hệ vi sinh vật đường tiêu hóa – có thể sẽ là chìa khóa mới để điều trị căn bệnh viêm da cơ địa cho trẻ em và cả người lớn trong thời gian tới.