Giảo cổ lam không chỉ là thần dược trong dân gian để điều trị mỡ máu và tiểu đường mà còn chữa được nhiều bệnh lý khác trong đó có tim mạch và ung thư. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu về công dụng của loại dược liệu quý này qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1 Giảo cổ lam, dược liệu quý lâu đời tại Việt Nam
- 2 Công dụng của cây giảo cổ lam theo Đông y
- 3 Công dụng của cây giảo cổ lam theo Tây y
- 3.1 Giảo cổ lam chứa phanosid giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- 3.2 Giảo cổ lam hoạt hoá men AMPK giúp giảm béo phì, tiêu mỡ thừa ở bụng, đùi
- 3.3 Saponin trong giảo cổ lam giúp hạ mỡ máu, mỡ gan
- 3.4 Hoạt chất Flavonoid trong giảo cổ lam ức chế tế bào ung thư phát triển
- 3.5 Giảo cổ lam – thần dược bảo vệ gan, giải độc gan
- 3.6 Giảo cổ lam điều chỉnh hoạt động của não giúp giảm căng thẳng và bảo vệ thần kinh
- 3.7 Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể với trà giảo cổ lam hàng ngày
- 4 Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây giảo cổ lam
- 5 Những lưu ý khi sử dụng cây giảo cổ lam để đạt hiệu quả
Giảo cổ lam, dược liệu quý lâu đời tại Việt Nam
Giảo cổ lam còn có tên gọi khác là cây trường sinh, cỏ thần kỳ, người Trung Quốc gọi là Jiaogulan, cây sâm nam, người Nhật Bản gọi là cỏ trường sinh.
Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum Cucurbitaceae. Thuộc họ bầu bí: Cucurbitaceae.
Cây giảo cổ lam trồng ở đâu cho chất lượng tốt nhất?
Giảo cổ lam là loại cây ưa ẩm, bóng mát, thích hợp ở độ cao trên dưới 700 – 3.000m so mới mặt nước biển, trong các khu rừng thưa, ẩm thấp, khí hậu lạnh quanh năm.
Cây có thể sinh trưởng, phát triển trên một số loại đất như: đất cát, đất thịt nhẹ nhiều mùn. Đất trồng cần thoát nước tốt nhưng phải giữ được ẩm, giàu dinh dưỡng.
Ở Việt Nam, theo kết quả của một số công trình cho biết cây giảo cổ lam được tìm thấy lần đầu tiên tại vùng núi Phanxipăng, tỉnh Lào Cai, vùng núi đá vôi của tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra cây được phân bố ở một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.
Giảo cổ lam là một trong những dược liệu cổ quý hiếm, để bảo vệ nguồn dược liệu này, trong thời gian qua một số nơi nhân dân đã nhân giống bằng cành mở rộng diện tích trồng cung cấp cho thị trường và phục vụ việc nghiên cứu và chữa bệnh.
Đặc điểm nhận biết cây giảo cổ lam
Giảo cổ lam là loại cây leo nhờ tua cuốn đơn ở phần nách lá, thân mảnh. Lá dạng lá kép hình chân vịt, bề mặt của lá được bao phủ bởi một lớp lông mềm. Hoa có hình chùy, màu trắng, cánh hoa rời và xoè thành hình sao, bầu hoa có 3 vòi nhụỵ. Quả có hình cầu, đường kính 5 – 9mm, khi chín có màu đen.
Giảo cổ lam được phân chia thành 3 loại chính: 3 lá, 5 lá, 7 lá.
Giảo cổ lam 3 lá: dây khá lớn, khi nhấm tươi có vị ngọt, không đắng. Sau khi thu hoạch phơi khô, có mùi thơm. Khi pha với nước sôi có vị nhạt, không đắng. Đây là loại cây không có công dụng nhiều trong việc điều trị bệnh cho nên ít được sử dụng trong Đông y và Tây y.
Giảo cổ lam 5 lá: hay còn gọi là Ngũ diệp sâm (sâm 5 lá), khi nhấm tươi cây có vị đắng. Sau khi thu hoạch phơi khô, có mùi thơm đặc trưng. Khi pha với nước sôi, nước có vị đắng, nhưng rất dễ uống và ngọt. Đây là loại cây được ưa chuộng, sử dụng nhiều bởi rất tốt cho sức khỏe, ứng dụng nhiều trong y học.
Giảo cổ lam 7 lá: khi nhấm tươi có vị đắng. Khi thu hoạch phơi khô cây không có mùi thơm. Khi pha uống, có vị rất đắng và khó uống, trà không được thơm. Đây là loại cây không được ứng dụng nhiều trong khoa học và đang được các nhà khoa học nghiên cứu.
Thành phần hóa học của cây giảo cổ lam
Bộ phận dùng: chủ yếu là lá cây. Trong cây giảo cổ lam có chứa các hoạt chất chính là Saponin và Flavonoid. Ngoài ra, còn chứa lượng lớn acid amin, khoáng chất và vitamin như P, Mn, Fe, Zn, Se,…
Công dụng của cây giảo cổ lam theo Đông y
Theo Đông y, giảo cổ lam có tính hàn, vô độc, vị ngọt đắng có tác dụng lên nhiều tạng trên cơ thể như: Tỳ, Phế, Can…
– Giảo cổ lam tác dụng lên tạng Tỳ: giúp ích khí kiện tỳ, thanh nhiệt giải độc, chỉ khái hóa đàm (chống ho tan đờm), dưỡng tâm an thần.
– Giảo cổ lam tác dụng lên tạng Phế: chữa suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh, khí hư âm thương (phần khí, phần âm bị thương tổn), phế nhiệt đàm khái (ho khạc ra đờm do phế nhiệt), khí suyễn, tâm quý thất nhãn (tim loạn nhịp, mất ngủ).
– Giảo cổ lam tác động lên tạng Can: giải độc cho gan, giảm tình trạng xơ gan, ung thư gan.
– Giảo cổ lam tác dụng lên não: giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc, tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người già.
Ngoài ra, giảo cổ lam còn có tác dụng lên mỡ máu, miễn dịch, thần kinh…giúp:
- Làm hạ mỡ máu, nhất là giảm cholesterol toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, chống huyết khối và bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, não.
- Chống lão hoá, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc.
- Tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u.
Công dụng của cây giảo cổ lam theo Tây y
Hiện nay, giảo cổ lam cũng đã được y học hiện đại chứng minh nhiều tác dụng nổi trội với một số bệnh lý mạn tính như tiểu đường, béo phì, tim mạch, huyết áp…
Giảo cổ lam chứa phanosid giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp. Do cơ thể hấp thụ quá nhiều đường nên người bị hạ đường huyết thường cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, chóng mặt, đau đầu, cáu gắt và da tái nhợt, thị lực giảm…
Tiểu đường hay đái tháo đường, là hiện tượng lượng đường trong máu luôn ở mức cao so với bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch, làm tổn thương một số cơ quan trong cơ thể như: thần kinh, mắt, thận, và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, có thể sử dụng dược liệu giảo cổ lam bởi hoạt chất phanosid có trong giảo cổ lam giúp tăng tiết insulin, ổn định đường huyết, góp phần tăng thải đường ở mô cơ giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, phòng ngừa các biến chứng tim mạch. Ngoài ra, hoạt chất flavonoid giúp hỗ trợ chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Giảo cổ lam hoạt hoá men AMPK giúp giảm béo phì, tiêu mỡ thừa ở bụng, đùi
Việc dung nạp quá nhiều thực phẩm, ngủ không đủ giấc, ngồi một chỗ quá lâu, ăn quá nhiều, uống các loại đồ uống có đường, ăn đồ ăn chế biến sẵn, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, không tập thể dục, bỏ bữa, lạm dụng rượu, bia là những nguyên nhân dẫn đến béo phì. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, bệnh mạch vành, tiểu đường type 2, rối loạn mỡ máu, ung thư… Nhờ vào khả năng hoạt hóa men AMPK, giảo cổ lam có vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng của cơ thể, tăng cường chuyển hóa đường, thúc đẩy quá trình oxy hóa chất béo đạm, mỡ, giúp giảm lượng mỡ thừa, từ đó giảm cân hiệu quả.
Saponin trong giảo cổ lam giúp hạ mỡ máu, mỡ gan
Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân ban đầu dẫn tới nhiều chứng bệnh nguy hiểm về gan như: viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, cùng với việc xây dựng một chế độ ăn khoa học, hợp lý bạn cần tăng cường các hoạt động thể dục thể thao để năng cao sức đề kháng và tăng chuyển hóa của gan. Ngoài ra, có thể sử dụng một số dược liệu như giảo cổ lam, bởi trong giảo cổ lam có chứa hoạt chất saponin giúp loại bỏ mỡ gan hiệu quả.
Không chỉ cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, giảo cổ lam còn giúp loại bỏ mỡ máu, ngăn ngừa sự hình thành của các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn tuần hoàn, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
Hoạt chất Flavonoid trong giảo cổ lam ức chế tế bào ung thư phát triển
Dựa trên kết quả của một số công trình nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ung thư đã cho thấy việc sử dụng giảo cổ lam trong việc hỗ trợ điều trị ung thư đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ điều trị bởi trong giảo cổ lam có chứa hoạt chất Flavonoid có tác dụng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các khối u bướu, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại sự xâm nhập các vi khuẩn, virus đối với một số loại ung thư như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư phổi…
Giảo cổ lam – thần dược bảo vệ gan, giải độc gan
Tác dụng bảo vệ gan, giải độc gan là tác dụng nổi trội nhất của giảo cổ lam. Giảo cổ lam có tác dụng làm mát, giải độc gan trong trường hợp gan bị quá tải, không giải độc kịp như: Ăn nhiều đồ cay nóng, dùng nhiều thuốc hại cho gan, uống rượu, nóng trong người…
Ngoài ra, các hợp chất flavonoid có tác dụng ức chế viêm khá mạnh có tác dụng bảo vệ gan, lợi mật, hạ cholesterol … nên được dùng trị bệnh viêm gan virus, viêm gan do rượu, viêm túi mật hoặc suy giảm chức năng của gan, mật kém.
Giảo cổ lam điều chỉnh hoạt động của não giúp giảm căng thẳng và bảo vệ thần kinh
Giảo cổ lam giúp giảm căng thẳng, chống lại tác động căng thẳng do các nguyên nhân từ công việc, cuộc sống gây nên. Đồng thời giúp tạo trạng thái cân bằng bằng cách điều chỉnh quá trình hoạt động của não bộ từ đó kích thích sự tái tạo, tăng dẫn truyền thần kinh, cải thiện tình trạng thiếu máu não, giảm đau đầu, căng thẳng thần kinh, phòng ngừa các bệnh lý về não một cách hiệu quả.
Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể với trà giảo cổ lam hàng ngày
Hệ miễn dịch là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể chống lại sự tấn công của các tác nhân gây hại của vi khuẩn, virus, nấm, yếu tố dị ứng… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp hệ miễn dịch trở nên suy yếu vì các nguyên nhân như chế độ ăn uống kém, căng thẳng kéo dài, sử dụng thuốc hoặc mắc một số loại bệnh tật. Việc dùng giảo cổ lam có tác dụng bảo vệ và tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch gọi là thực bào, giúp tiêu diệt virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây giảo cổ lam
Nên y học cổ truyền đã có nhiều bài thuốc từ giảo cổ lam giúp điều trị các bệnh mạn tính hiệu quả. Áp dụng ngay các bài thuốc sau đây để hỗ trợ điều trị bệnh.
Bài thuốc 1: Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Nguyên liệu: Giảo cổ lam 40g, cỏ ngọt 20g, nước.
Cách thực hiện: Giảo cổ lam và cỏ ngọt phơi khô sau đó chia làm 2 – 3 lần, pha với nước như trà uống bình thường trong ngày. Lưu ý không sắc hai vị thuốc trên sẽ làm mất các hoạt chất và giảm mùi vị của dược liệu.
Bài thuốc 2: Hỗ trợ giải độc, mát gan và điều trị bệnh viêm gan virus
Nguyên liệu: 30g giảo cổ lam, 30g cây xạ đen, 20g cà gai leo, nước sôi, bình giữ nhiệt.
Cách thực hiện: cho tất cả nguyên liệu vào bình giữ nhiệt sau đó đổ thêm 1,5 lít nước sôi. Đậy kín nắp lại để trong khoảng thời gian 30 đến 45 phút có thể sử dụng được ngay. Hoặc cho hỗn hợp 3 loại trên vào sắc chung với 1,5 lít nước trong khoảng thời gian 20 phút. Sau khi sắc xong thấy nước đặc và khoảng lượng 2/3 đem tắt bếp. Chia hỗn hợp trên thành 3 phần và uống trong ngày uống trước khi ăn.
Bài thuốc 3: Hỗ trợ bệnh tiểu đường, mỡ máu
Nguyên liệu: Giảo cổ lam 25g, dây thìa canh 25 g.
Cách thực hiện: Cho giảo cổ lam và dây thìa canh vào nấu cùng với 1 lít nước, đun sôi nhỏ lửa còn khoảng 800ml tắt bếp. Sau đó để nguội và chia nước trên thành 3 phần uống trong ngày và trước bữa ăn khoảng 15 phút.
Những lưu ý khi sử dụng cây giảo cổ lam để đạt hiệu quả
Giảo cổ lam là dược liệu vô cùng quý, có nhiều tác dụng chữa bệnh và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại giảo cổ lam và nhưng lưu ý cần nhờ khi sử dụng loại dược liệu này chữa bệnh thì không phải ai cũng nắm được
Giảo cổ lam dùng dạng nào là tốt nhất?
Việc sử dụng giảo cổ lam ở dạng nào là tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh là điều quan tâm, thắc mắc của rất nhiều người . Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng liều lượng, cách uống giảo cổ lam ở dạng nào tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thời gian sử dụng. Hiện nay giảo cổ lam được bào chế với 3 dạng chính:
– Sắc uống
– Trà túi lọc
– Viên nang mềm
Trong đó, người bệnh nên sử dụng các loại giảo cổ lam dạng trà túi lọc và viên nang mềm đã được chế biến của các cơ sở uy tín để cho hiệu quả điều trị được tốt hơn.
Dạng sắc uống không được khuyến khích do khâu lựa chọn và bảo quan nguyên liệu không tốt. Đặc biệt do hàm lượng hoạt chất trong loại giảo cổ lam được sử dụng không được định lượng và tồn dư kim loại nặng có thể gây ra tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Cây giảo cổ lam có tác dụng phụ khi sử dụng không?
Giảo cổ lam là một dược liệu quý, tuy nhiên dược liệu này lại có tính hoạt huyết mạnh cho nên trong quá trình sử dụng nếu không được sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ gây ra một số tác dụng phụ như:
Bị mất ngủ, khó ngủ
Nguyên nhân: Trường hợp này là do người dùng trà giảo cổ lam vào thời gian trước khi ngủ. Trong thành phần giảo cổ lam có chứa hoạt chất saponin – chất này nó có tác dụng tương tự như cây nhân sâm gây ra cho người dùng khi uống như: tỉnh táo, khó ngủ hoặc mất ngủ …
Biện pháp khắc phục: Thay đổi thời gian dùng trà giảo cổ lam, người dùng nên uống vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều tránh sử dụng trà vào buổi tối, trước lúc đi ngủ để tránh gây ra sự mất ngủ, khó ngủ.
Hạ đường huyết đột ngột
Nguyên nhân: Theo kết quả nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy giảo cổ lam có tác dụng hạ và bình ổn đường huyết thông qua cơ chế làm tăng tiết insulin. Tuy nhiên nếu như dùng giảo cổ lam quá nhiều sẽ tới tình trạng hạ đường huyết đột ngột gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Biện pháp khắc phục: Uống giảo cổ lam đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ điều trị. Trong trường hợp những người bị huyết áp thấp, hay bị hạ đường huyết nên ăn no trước khi uống, hoặc thêm một vài lát gừng vào bình hãm.
Nóng trong người
Nguyên nhân: Một trong những công dụng khi uống giảo cổ lam đó là làm tăng sự chuyển hóa cơ thể, tăng lực co cơ. Chính vì vậy với những người uống trà giảo cổ lam lần đầu có thể có cảm giác nóng người, một số trường hợp bị tăng huyết áp nhẹ, khát nước, khô miệng …
Biện pháp khắc phục: Uống thêm một cốc nước lọc, sau một thời gian cơ thể tự điều chỉnh lại và hết các triệu chứng.
Đầy bụng, khó tiêu
Nguyên nhân: Trường hợp này có thể do dùng trà giảo cổ lam để qua đêm. Khi trà pha để qua đêm hoạt chất flavonoid trong trà đã bị biến chất, do vậy sẽ gây hiện tượng bị đầy bụng.
Biện pháp khắc phục: Không dùng trà giảo cổ lam để qua đêm.
Những đối tượng nào cần lưu ý khi sử dụng cây giảo cổ lam?
Giảo cổ lam chứa hàm lượng cao saponin, do đó dược liệu này không được phép sử dụng cho một số đối tượng đặc biệt như: Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 6 tuổi, người đang dùng thuốc chống thải loại khi cấy ghép.
Ngoài ra, không nên sử dụng giảo cổ lam nếu như bị ẩm, mốc bởi điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng gan.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây giảo cổ lam, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người nắm được những thông tin cần thiết về dược liệu quý hiếm này cũng như cách lựa chọn và sử dụng hiệu quả nhất. Thường xuyên sử dụng trà giảo cổ lam rất tốt cho sức khoẻ, hãy cố gắng duy trì thói quen này.