Nhắc đến thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Tài Thu thì chắc hẳn không ai còn xa lạ. Tên tuổi của ông không chỉ “phủ sóng” ở Việt Nam mà còn lừng lẫy khắp chân trời Âu Mỹ với những ca châm cứu chấn động thế giới. Nhiều người quý mến và nể trọng vẫn phong tặng cho ông là: Cây kim vàng, huyền thoại sống, ông vua châm cứu, nhưng ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người mà thôi.
Làm nên tất cả từ bàn tay và khối óc
Không quá khi nói rằng, để sắp xếp được một cuộc gặp gỡ với giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu thật khó. Khó đến mức đã đôi ba lần tôi có ý định từ bỏ. Nhưng vì lòng ngưỡng mộ tài năng, y đức của người thầy thuốc nổi tiếng đã thôi thúc tôi cố gắng. Nhiều người cứ nghĩ ông khó tính hay kiểu cách, nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Một lí do duy nhất đó là ông quá bận rộn. Một ngày 24 tiếng thì hơn 20 tiếng ông dành cho bệnh nhân của mình. Ở cái tuổi 83, sức khỏe đã yếu, chân chậm, mắt kém, nhưng ông vẫn vào Nam, ra Bắc, sang nước ngoài như người ta đi chợ. Vì ở đâu có bệnh nhân cần giúp đỡ là người thầy thuốc già này có mặt.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu luôn trăn trở về sự phát triển của ngành châm cứu Việt Nam
Tiếp tôi trong căn phòng làm việc nhỏ ở tầng hai của Viện châm cứu nơi phố Thái Thịnh, giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu khác xa so với trí tưởng tượng ban đầu của người viết. Khuôn mặt hiền lành vương vấn nét buồn, giọng nói nhẹ nhàng, ông kể lại cho tôi những kỉ niệm trong cuộc đời của người bác sĩ tài hoa nhưng nhiều sóng gió như ông. Dường như, để có được ngày hôm nay, ông đã hi sinh bản thân mình, thậm chí phải trả giá bằng nước mắt. Gây dựng ngành châm cứu Việt Nam từ con số không, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã kiên trì tạo dựng được một bệnh viện bề thế, phát triển Hội châm cứu Việt Nam với hàng chục ngàn hội viên trên khắp cả nước. Và ông không thể nhớ hết số bệnh nhân mà mình chữa trị thành công, nhưng điều ông cảm thấy hài lòng là tất cả bệnh nhi đến đây ông đều chữa không lấy tiền.
Bác sĩ Nguyễn Tài Thu giọng trầm ấm nhưng không giấu niềm xúc động qua giọng nói rưng rưng khi kể lại chuỗi ngày gian khó từ việc bắt đầu tất cả bằng hai bàn tay trắng. “Tôi xuất thân từ một gia đình gốc Hà Nội. Năm 16 tuổi, tôi tham gia đội Quyết tử quân của Trung đoàn Thủ đô. Rồi chuyển sang quân chủng bộ binh, công binh. Nhìn hình ảnh những đồng đội của mình bị thương đau đớn, khiến tôi rất đau lòng. Hình ảnh đó đã giúp tôi nuôi quyết tâm sẽ trở thành một người thầy thuốc để cứu giúp mọi người”, bác sĩ Thu chia sẻ. Sau đó, ông tiếp tục được cử đi học một năm tại trường đại học Y khoa, rồi được nhà nước cử tiếp đi học và tốt nghiệp khóa đào tạo Đông y tại Trung Quốc. Đến năm 1967 ông mới tập trung nghiên cứu sâu về châm cứu. Từ những kinh nghiệm và kết quả thu được nhờ phương pháp châm cứu chữa bệnh, ông quyết tâm xin thành lập ngành châm cứu. “Đó là năm 1968, mới có quyết định chính thức thành lập Hội châm cứu Việt Nam, trong đó tôi làm phó tổng thư ký hội”, bác sĩ nhớ lại
Ban đầu, quyết định thành lập chỉ trên giấy tờ, còn cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích đều không hề có. Chính phủ đã đặc cách, cấp cho bác sĩ Nguyễn Tài Thu hộ chiếu ngoại giao để tạo điều kiện ra nước ngoài giảng dạy bộ môn châm cứu, đồng thời giới thiệu về nền đông y Việt Nam nhưng mục đích chính là tạo dựng uy tín để kêu gọi quyên góp xây dựng bệnh viện tại nước nhà.
Ông đã một thân một mình lặn lội sang khắp các nước để xin viện trợ. Đến đâu, ông cũng trình bày nguyện vọng tha thiết của mình và họ lập tức ủng hộ. Những tháng ngày rong ruổi đi xin với ông cũng nhiều kỉ niệm khó quên. “Đến nước Tây Đức cũ, họ ủng hộ mình bánh mì và bột mì, đến các nước Đông Đức họ cho 1 tấn nguyên liệu làm giấy, Liên Xô cho quần áo, Singapore họ đồng ý hỗ trợ 100 bộ giường bệnh nhân. Họ ủng hộ mình theo kiểu rất linh hoạt. Ai cho gì tôi cũng nhận, rồi lại tìm cách chở về nước để xây dựng bệnh viện. Sau đó tôi thân chinh sang Pháp vận động kiều bào bằng cách mở phiên đấu giá bức tranh thiếu nữ Việt Nam và thu về được 50.000 phờ răng. Tôi không ngại vất vả đi xin ủng hộ, vừa tranh thủ giới thiệu được phương pháp châm cứu đông y tới các nước bạn trên thế giới. Một mình tôi đi khắp năm châu để giảng dạy châm cứu bằng ngôn ngữ của chính họ. Tôi còn trực tiếp khám chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân tại các nước đó. Hiệu quả của phương pháp chữa bệnh này đã thuyết phục rất nhiều người dân và cả giới Tây y, các tổ chức nhân đạo tại các nước bạn khiến họ ủng hộ mình”, ông chia sẻ niềm hạnh phúc.
Thầy thuốc cần có một trái tim
Bác sĩ Nguyễn Tài Thu cho biết: “Tôi làm thầy thuốc, chữa bệnh được cho mọi người, y thuật giỏi cũng chỉ là một phần, quan trọng là quyết tâm, niềm tin của chính người bệnh. Mình cứu được người muốn sống, chứ đâu cứu được người muốn chết. Nếu tâm lí của bệnh nhân ổn định thì sẽ là liều thuốc giúp vượt qua bệnh tật”. Nổi tiếng về tài năng, y đức nhưng người bác sĩ này vẫn khiêm nhường khi nhận mình chỉ chữa bệnh vì tình yêu với bệnh nhân mà thôi. Bí quyết của ông không chỉ nằm ở những cây kim châm và bàn tay vàng mà còn bởi tình yêu xuất phát từ tâm với bệnh nhân. Như lời khuyên ông thường đem ra để răn học trò của mình: “Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ. Là người trải nghiệm qua gần hết phong ba bão táp cuộc đời, thậm chí có lúc phải đối mặt với đớn đau tưởng như chết đi sống lại, chính nó đã bồi tụ cho tôi thêm mạnh mẽ. Nhưng tôi là người rất dễ xúc động, dễ khóc”, giáo sư Nguyễn Tài Thu tâm sự.
Các bệnh nhân đến chỗ ông chữa bệnh, nhìn những cây kim nhọn sắc, nhất là các em nhỏ thường tỏ ra sợ sệt và khóc thét ầm ĩ. Nhưng thay vì mắng nhiếc hay đe dọa chúng như một số phụ huynh thường dùng thì ông nhẹ nhàng, ân cần dỗ dành các cháu. Những lời nói chan chứa tình yêu chân thành của người bác sĩ già này dường như các em cảm nhận được, chúng ngoan ngoãn nằm im cho bác sĩ tiến hành chữa trị. Ông chia sẻ cảm xúc của mình: “Chữa bệnh cho trẻ con rất khó, vì các cháu chưa biết làm chủ cảm xúc. Nhiều khi nhìn các cháu khóc vì đau, bỗng dưng nước mắt tôi cũng chảy theo. Tôi thương các cháu nhỏ vô cùng”.
Chính niềm tin và nghị lực đã giúp ông và nhiều bệnh nhân cùng chữa khỏi những cơn bệnh khó. Lẽ ra ở tuổi này, Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã có thể bằng lòng với những thành quả đầy vinh quang của mình, an nhàn hưởng thụ tuổi già, nhưng dường như cái tâm người thầy thuốc trong ông vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Ngày đêm ông vẫn trăn trở về tương lai của ngành châm cứu Việt Nam, về một cơ sở để chữa bệnh cứu người. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng vị bác sĩ già này vẫn không nguôi nuôi quyết tâm: “Tôi tính cuộc đời mình, ngắn còn vài năm, dài tính bằng chục năm nữa, nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng cho bằng được Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng châm cứu tại Việt Nam”.
GS Nguyễn Tài Thu sinh ngày 17/9/1930 ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), Hà Nội. Hiện nay ông đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, viện trưởng Viện Châm cứu Việt Nam, chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (1994-2012). Năm 1995, GS nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, năm 1999 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2000 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2005 được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tháng 10/2012, ông được vinh danh là công dân tiêu biểu của Thủ đô.
Benh.vn (Theo nguoiduatin.vn)