Các chủng vi sinh vật đường ruột chuyển từ trẻ khỏe mạnh sang chuột có thể chống lại những tác động bất lợi sinh ra bởi các vi sinh vật từ trẻ thiếu dinh dưỡng. Đây là kết quả được khẳng định bởi một số nghiên cứu.
Nghiên cứu thứ nhất đăng tải trên tạp chí Science, do các nhà khoa học tại Pháp thực hiện. Các nhà khoa học đã tiến hành định danh những chủng vi khuẩn có thể chống lại ảnh hưởng tiêu cực của thiếu dinh dưỡng, mở ra hướng điều trị can thiệp bằng vi sinh vật đường ruột cho căn bệnh suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng là một căn bệnh rất khó chữa mà hàng triệu trẻ em trên thế giới đang mắc phải. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng suy dinh dưỡng có thể làm tổn hại đến sự phát triển của cộng đồng vi sinh vật đường ruột. Do vậy, Laura Blanton, Jeff Gordon và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu và khẳng định sự ảnh hưởng này trên các trẻ sơ sinh ở Malawi.
Kết quả cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột ở những trẻ thiếu dinh dưỡng giống với những trẻ ít tháng tuổi và khỏe mạnh, thay vì giống với hệ vi sinh vật ở những đứa trẻ khỏe mạnh cùng tuổi. Khi so sánh 2 nhóm trẻ, họ cũng chỉ ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột chưa trưởng thành có liên quan tới sự chậm phát triển ở trẻ thiếu dinh dưỡng.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu phân của các trẻ Malawi từ 6 tới 18 tháng tuổi, cả thiếu dinh dưỡng và khỏe mạnh, sau đó cấy vào chuột vô khuẩn 5 tuần tuổi (chuột không có vi sinh vật đường ruột từ khi sinh ra).
Những con chuột nhận mẫu vi sinh vật đường ruột từ trẻ khỏe mạnh đã tăng cân và tăng cơ nhiều hơn những con chuột nhận mẫu vi sinh vật đường ruột từ trẻ thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, khi cho những con chuột ở 2 nhóm này sống cùng nhau, hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh cũng có thể truyền sang cho những con chuột thiếu dinh dưỡng và giúp hệ vi sinh vật đường ruột của chúng phát triển bình thường.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã định danh được hai chủng vi khuẩn Ruminococcus gnavus và Clostridium symbiosum có khả năng sửa chữa những sự chậm phát triển của cơ thể.
Trong nghiên cứu khác, Martin Schwarzer và cộng sự chỉ định danh 2 chủng vi khuẩn ruột giúp các hoạt động của hormon phát triển trong cơ thể chuột. Những cá thể chuột sẽ thể hiện sự kháng lại hormon phát triển do thiếu dinh dưỡng.
Kết quả cho thấy hai chủng vi khuẩn này có thể giúp giảm bớt các tác động tiêu cực từ việc thiếu dinh dưỡng lâu dài.
Martin Schwarzer và cộng sự trước đó cũng đã định danh các chủng Lactobaccilus plantarum trong ruột của các con ruồi giấm. Các chủng này đã tác động tới sự phát triển của ruồi giấm trong thời kỳ trưởng thành – khi cả 2 yếu tố dinh dưỡng và hormone đều rất quan trọng. Tác động này cũng tương tự trên những con chuột cùng nguồn gen, và đặc biệt là ở chuột vô khuẩn, vì chuột vô khuẩn có nồng độ hormone rất thấp.
Kết quả cho thấy chuột vô khuẩn vị thành niên không thể phục hồi lại sự phát triển bình thường sau khi đổi thực đơn tốt hơn. Nhóm chuột chỉ chứa phần lớn là 2 chủng Lactobacillus platarium trong ruột đã tăng cân rõ ràng hơn. Nói cách khác, 2 chủng vi khuẩn này có tác động hỗ trợ phát triển cơ thể vật chủ gần tương tự như một hệ vi sinh vật đường ruột bình thường.
Tóm lại, những kết quả nghiên cứu này và những gì Blanton, Gordon và các cộng sự đã thực hiện cho thấy: hệ vi sinh vật đường ruột bị biến đổi có thể tác động tới sự phát triển, và một số chủng vi khuẩn có thể giúp hồi phục lại khả năng phát triển cơ thể này.