Hội chứng mệt mỏi mãn tính (Chronic fatigue syndrome – CFS) là tình trạng rất hiếm gặp và vẫn chưa được hiểu rõ nguyên nhân. Khi các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn, mối liên hệ giữa các vi khuẩn đường ruột và hội chứng này đã được hé lộ.
Mục lục
Hội chứng mệt mỏi mãn tính là gì?
Hội chứng mệt mỏi mãn tính chỉ mới được đặt tên chính thức vào những năm 1980. Và kể từ đó, căn bệnh này vẫn là một bí ẩn đầy thách thức với các nhà khoa học.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính đến nay vẫn rất khó để chẩn đoán và điều trị. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng vô cùng mệt mỏi không do bất kỳ nguyên nhân bệnh lý nào.
Các triệu chứng khác của hội chứng bao gồm: suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn giấc ngủ, các hạch to hơn, đau cơ, đau họng và đau khớp.
Hội chứng này cũng được biết với cái tên viêm não tủy cơ (myalgic encephalomyelitis – ME) và gần đây là bệnh không dung nạp gắng sức hệ thống (systemic exertion intolerance disease).
Cho đến nay, nguyên nhân của hội chứng mệt mỏi mãn tính vẫn là một bí ẩn. Một vài nhà khoa học tin rằng nhiễm trùng có thể là nguyên nhân của bệnh, một số lại cho rằng nguyên nhân là do các căng thẳng tâm lý, do hormon, hoặc do lỗi trong chức năng của hệ thống miễn dịch.
Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Microbiome đã đặt ra câu hỏi: liệu hệ vi sinh vật đường ruột có thể liên quan tới căn bệnh này hay không? Mối liên quan này thoạt nhìn thì rất mù mờ, nhưng tới 90% những người bị hội chứng mệt mỏi mãn tính cũng có thêm hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome – IBS). Do vậy, đây là một manh mối đáng để các nhà khoa học đặt ra giả thuyết và tiến hành nghiên cứu.
Mối quan hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và hội chứng mệt mỏi mãn tính
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch (CII) tại Trường Sức khỏe Cộng đồng Mailman, Đại học Columbia, New York đã tiến hành xác định số lượng các chủng vi khuẩn trong đường ruột của các bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể mắc kèm hoặc không kèm theo hội chứng ruột kích thích. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ giữa những hội chứng này và hệ vi sinh đường ruột.
Nghiên cứu được tiến hành trên 50 bệnh nhân từ bốn nơi chữa trị bệnh và 50 người khỏe mạnh tương ứng. Nhóm nghiên cứu đã phân lập xác định các chủng vi khuẩn trong mẫu phân, và đo nồng độ các chất miễn dịch trong máu của tình nguyện viên.
Sau khi được định danh, phần lớn các chủng vi khuẩn cho thấy mối liên quan đáng chú ý với hội chứng mệt mỏi mãn tính. Các chủng này bao gồm:
- Faecalibacterium
- Roseburia
- Dorea
- Coprococcus
- Clostridium
- Ruminococcus
- Coprobacillus
Sự gia tăng cùng lúc của các chủng này có thể dùng để chẩn đoán bệnh. Những chủng khác cũng có số lượng khác nhau, phụ thuộc vào việc bệnh nhân có kèm theo hội chứng ruột kích thích hay không.
Dấu ấn sinh học hàng đầu để chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mãn tính kèm với hội chứng ruột kích thích là: tăng số lượng chủng Alistipes chưa phân loại và giảm số lượng chủng Faecalibacterium. Trong khi dấu ấn sinh học hàng đầu để chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mãn tính không đi kèm hội chứng ruột kích thích là: tăng số lượng chủng Bacteroides chưa phân loại và giảm số lượng chủng Bacteroides vulgatus.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy các triệu chứng (như mệt mỏi và đau nhức) nghiêm trọng hơn trên bệnh nhân có thể liên quan tới một số chủng vi khuẩn và chu trình chuyển hóa đặc biệt.
Bà Dorottya Nagy-Szakai, đồng điều phối nhóm nghiên cứu nói: “Các bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mãn tính có cấu trúc vi khuẩn đường ruột kèm theo các rối loạn chuyển hóa khác thường. Điều này có thể khiến các triệu chứng của họ trầm trọng hơn.”
Không có sự khác biệt rõ ràng nào ở các dấu ấn về miễn dịch, mặc dù nhóm tác giả nhấn mạnh rằng điều này có thể do trong các tình nguyện viên chỉ có một ít người mới mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính trong thời gian ngắn. Nghiên cứu trước đó của họ gợi ý rằng sự thay đổi miễn dịch chỉ xuất hiện ở giai đoạn sớm của bệnh.
Hiểu về hội chứng mệt mỏi mãn tính và vi khuẩn đường tiêu hóa
Ông Brent L.Williams, đồng điều phối dự án, phó giáo sư bệnh học và sinh học tế bào tại Trung tâm CII cho biết: Bằng cách phân tích hệ gen vi sinh vật trong mẫu phân, chúng ta có thể phân loại thêm những trường hợp bệnh nhân bị mệt mỏi mãn tính. Việc phân loại này sẽ giúp hiểu rõ thêm về sự khác biệt trong biểu hiện bệnh ở mỗi người.
Mặc dù mối liên hệ giữa hệ vi khuẩn đường ruột và não bộ có vẻ rất xa xôi, nhưng đang có thêm bằng chứng cho thấy hai “cơ quan” này liên quan rất lớn tới nhau. Đường ruột gửi các tín hiệu thần kinh và hormone tới não. Cùng lúc đó, vi khuẩn đường ruột lại sản sinh ra vô số sản phẩm phụ có tác động tới ruột.
Giáo sư W. lan Lipkin, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích: “Giống như hội chứng ruột kích thích, hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể liên quan tới sự đứt gãy liên hệ hai chiều giữa não và ruột. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, những chất chuyển hóa của vi khuẩn và những phân tử mà vi khuẩn đường ruột tác động tới.”
Bằng việc xác định được các chủng vi khuẩn đặc biệt liên quan tới hội chứng mệt mỏi mãn tính, chúng ta có thể hiểu hơn về căn bệnh này. Hy vọng rằng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ sớm đưa ra được cách chẩn đoán chính xác và điều trị hướng đích cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
Benh.vn