Khen, chê là những công cụ để giáo dục trẻ em tương đối phổ biến. Để việc khen chê hiệu quả, không thể theo cảm tính mà cần có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và cân nhắc đến ảnh hưởng của nó đến sự thay đổi hay phát triển của trẻ.
Thường xuyên đánh giá cao trẻ dễ thỏa mãn, sinh tâm lý tự cao, coi thường bạn bè (Ảnh minh họa)
Khen bé
Từ khi còn bé cho đến lúc đi học phổ thông, trẻ thường được nghe những câu khen chê mang hàm ý so sánh như:
– Con ăn nhanh hơn bạn A rồi, giỏi quá!
– Con của ba thông minh quá. Con lúc nào cũng là số 1 của lớp.
– Con học hành kiểu gì thế? Tại sao học kỳ này lại thụt lùi sau bạn B hả?
– Mày chỉ cần học bằng một nửa của chị hai là được rồi. Sao lại kém thế hả con?
Liệu phụ huynh đã suy nghĩ tác dụng của những câu nói này chưa, hay chỉ là câu nói theo cảm xúc lúc đó.
Dù đứa trẻ có thành tích thế nào đi nữa, chúng vẫn cần được tôn trọng và khích lệ. Những đứa trẻ thường được khen là thông minh số một, là hơn bạn, điều gì sẽ xảy ra với chúng sau đó?
Thích được khen tặng là tâm lý chung của mọi người. Trẻ em cũng vậy. Tuy nhiên, trẻ được đánh giá cao hơn bạn bè lâu ngày sẽ dần hình thành sự phân biệt rằng: nó giỏi, còn những đứa khác dở hơn nó. Trẻ sẽ dễ thỏa mãn, sinh tâm lý tự cao, coi thường bạn bè. Dễ thỏa mãn, tin rằng thành tích của mình là nhờ thông minh dễ làm cho trẻ thiếu nỗ lực cho việc học. Những đứa trẻ này thường khó duy trì kết quả học tập cao.
Chê bé
Với những em chưa có thành tích tốt, liệu cách dạy con theo kiểu “khích tướng” có mang lại hiệu quả? Khi bị động đến lòng tự ái, có thể trẻ không thể hiện sự phản kháng nhưng vẫn cảm thấy bị tổn thương. Đây là một dạng bạo lực về tinh thần.
Trẻ bị chê thường xuyên sẽ tin rằng mình là đứa kém cỏi, sinh ra nản lòng, mất ý chí (Ảnh minh họa)
Trẻ bị chê thường xuyên sẽ tin rằng mình là đứa kém cỏi, sinh ra nản lòng, mất ý chí phấn đấu. Bé bắt đầu thấy tự ti, ghen ghét người được so sánh. Khen hay chê theo kiểu so sánh đều không mang lại sự cải thiện thành tích học tập. Trái lại, nó còn để lại hậu quả tâm lý không tốt. Nhiều trường hợp, đứa trẻ vì sợ áp lực sẽ dẫn đến gian dối thành tích để khỏi bị trách mắng.
Nhà vật lý học nổi tiếng Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài là một phần trăm của trí não và chín mươi chín phần trăm của máu và mồ hôi”. Nỗ lực cá nhân mới là yếu tố chủ yếu quyết định kết quả chứ không phải vốn thông minh sẵn có. Tôn vinh sự nỗ lực mới giúp con tiến bộ.
Yếu tố thông minh trời cho là không thể cải thiện được. Đứa trẻ tin rằng kết quả của mình là do mình thông minh hay không thông minh đều dẫn đến kết quả tiêu cực.
Thay vì khen “Con thông minh quá!”, Ba mẹ có thể nói: ”Ba mẹ rất tự hào vì con đã nỗ lực rất nhiều để đạt kết quả này!”… Không nên chờ đợi kết quả lớn rồi mới khen. Hãy quan sát và khen từng sự nỗ lực tiến bộ nhỏ của bé. Khi bé nhận thấy sự cố gắng được đánh giá cao thì sẽ không ngừng nỗ lực hơn nữa. Kết quả tốt hơn sẽ là điều tất yếu.
Benh.vn st.