Tái tạo vú (Breast reconstruction) là phẫu thuật phục hồi dáng vẻ bên ngoài cho người đã phải cắt vú để điều trị ung thư vú hay các lý do khác. Phẫu thuật sẽ khôi phục lại hình dáng, kích thước vú và cả núm vú, quầng vú.
Mục lục
Lợi ích của tái tạo vú
– Mang lại lợi ích tâm lý tốt, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể sau phẫu thuật lớn điều trị bệnh chính (ung thư vú, bướu vú…). Cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.
– Phục hồi dáng vẻ bên ngoài của cơ thể, phục hồi biểu tượng nữ tính.
– Không phải sử dụng áo ngực giả gây bất tiện trong sinh hoạt.
Điều kiện để thực hiện phẫu thuật tái tạo vú
Các bệnh nhân sẽ hoặc đã trải qua phẫu thuật cắt vú sẽ được giải thích về phẫu thuật tái tạo vú, tuy nhiên không phải tất cả các phụ nữ phải cắt vú đều có thể được tái tạo vú.
Phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật lớn, mang tính chất tiếp nối điều trị, đòi hỏi kỹ thuật cao và có thể phải làm nhiều giai đọan, do đó phẫu thuật thường chỉ được thực hiện trên các bệnh nhân mà nguyên nhân dẫn đến chỉ định cắt vú (ung thư vú…) đã bị loại bỏ hoàn toàn, bệnh nhân đã kết thúc quá trình điều trị hóa trị hoặc xạ trị, bệnh nhân có đủ sức khỏe, hiểu biết tốt về phẫu thuật tái tạo vú. Bệnh nhân, gia đình (chồng, con…) và phẫu thuật viên cần có thời gian trao đổi cặn kẽ về mục đích và quá trình điều trị, nguyện vọng của bệnh nhân, kết quả có thể mang lại nhờ phẫu thuật và cả các tai biến, biến chứng có thể gặp như trong các cuộc mổ khác.
Thời điểm tái tạo vú
Có thể thực hiện ngay khi mổ cắt vú (tái tạo thì đầu) hoặc sau khi mổ cắt vú một thời gian (tái tạo thì hai). Việc lựa chọn thời điểm phẫu thuật phụ thuộc nhiều yếu tố và cần được trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị.
Các kỹ thuật tái tạo vú
Hiện nay có nhiều phương pháp tái tạo vú có thể được lựa chọn, việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào sức khỏe bệnh nhân, mô vùng ngực đã cắt, đường mổ cắt vú, tình trạng vú bên đối diện ý muốn của bệnh nhân…
Nhìn chung có thể chia ra 2 lọai kỹ thuật: tái tạo vú dùng vật liệu độn (túi ngực) hoặc tái tạo vú dùng mô đệm của chính bệnh nhân.
– Tái tạo vú dùng túi ngực
Được sử dụng khi mô thành ngực (da, mô dưới da, cơ ngực lớn…) không bị mất nhiều. Bác sĩ sẽ dùng túi độn ngực (chứa dung dịch muối sinh lý hoặc silicone dạng gel) đệm dưới vùng mô còn lại sau phẫu thuật cắt vú. Phẫu thuật đặt túi ngực có thể thực hiện ngay một lần nếu mô da, phần mềm tại chỗ còn đủ, hoặc phải đặt túi dãn da tạo ổ trước khi đặt túi. Chỉ định dùng túi ngực này đôi khi cũng được dùng trong tái tạo ngực bằng mô đệm của chính bệnh nhân khi mô đệm không đủ chất cho tạo ngực mới (Hình 1).
Hình 1- đặt túi giãn da (hình giữa) trước khi đặt túi ngực. Tái tạo vú đặt túi ngực (hình bên phải)
– Tái tạo vú dùng mô đệm của chính bệnh nhân
Lợi ích: dùng mô, chất liệu của chính bệnh nhân, hợp sinh học, tránh phản ứng đào thải, lấy bớt mô thừa (thường là mỡ) ở các vị trí khác trên cơ thể.
Có nhiều vị trí trên cơ thể bệnh nhân có thể dùng làm mô đệm (cơ lưng to, da, cơ thẳng bụng, cơ mông…)
+ Cơ lưng to: phẫu thuật sẽ sử dụng cơ lưng to phía sau lưng (cùng bên vú bị cắt) xoay, đưa lên trước độn vào vùng vú bị cắt. Tùy theo số mô cần đệm nhiều hay ít, da vùng ngực còn lại, mà có thể phải lấy kèm da hay không kèm da. Đôi khi nếu mô đệm chưa đủ lớn, có thể kèm theo đặt túi ngực. Đây là phẫu thuật không cần nối mạch vi phẫu. Thường kéo dài khoảng 2-3 giờ (Hình 2)
Hình 2. Cơ lưng to kèm đảo da ở lưng
+ Da cơ thẳng bụng: phẫu thuật này dùng cơ thẳng bụng và da vùng bụng dưới làm chất liệu độn tạo vú mới. Phẫu thuật có thể dùng vạt cơ da như vạt có cuống mạch nuôi, không nối mạch vi phẫu hoặc vạt tách rời có nối mạch vi phẫu. Ưu điểm của vạt da cơ thẳng bụng là chất liệu độn nhiều, lấy bỏ bớt phần da, mỡ dư thừa vùng bụng (như phẫu thuật lấy bớt mỡ bụng), sẹo vùng cho da thường được dấu sát xương mu. Nhược điểm chính của phẫu thuật là có thể gây thoát vị thành bụng về sau, khắc phục nhược điểm này bác sĩ thường phải tạo hình thành bụng ngay sau mổ bằng các vật liệu nhân tạo hoặc sử dụng phương pháp dùng vạt da ngang bụng. Phẫu thuật có thể kéo dài 3-6 giờ tùy theo phương pháp mổ dùng vạt có cuống hay nối mạch vi phẫu (Hình 3).
Hình 3. Da cơ thẳng bụng
Theo Benh.vn