Rượu tự nấu vốn là đặc trưng của các bữa cô, tiệc ở Việt Nam thế nhưng chúng lại tiềm ẩn nguy cơ chứa andehit ảnh hưởng tới cơ thể người uống. Làm thế nào để loại bỏ Andehit trong rượu ?
TS Nguyễn Công Ngữ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm, Viện Công nghệ sau thu hoạch tư vấn: Rượu quê hay còn gọi là rượu tự chưng cất có hàm lượng andehit cao. Nguy hại của andehit đối với cơ thể nguy hiểm hơn cả cồn. Tuy nhiên, trong một mẻ rượu chưng cất người ta cũng phân ra các phần chứa andehit khác nhau. Khoảng 1 – 2 chai đầu của mẻ rượu cất có chứa nhiều chất andehit nhất, phần giữa ngon và ít andehit hơn, còn phần cuối thường nhạt. Vì thế, khi mua rượu quê nên tìm hiểu rõ nguồn gốc và mong muốn mua phần rượu giữa.
Bạn nên áp dụng các kinh nghiệm sau (nếu có thể) để giảm thiểu tối đa nồng độ andehit trong rượu:
– Khi sử dụng muốn loại bỏ chất andehit, người dân có thể sử dụng bằng cách lọc qua lớp than hoạt tính sạch. Bởi than này có tác dụng hấp thụ chất độc, khi rượu chứa andehit chảy qua cũng được lọc sạch.
– Một cách khác là dựa vào nhiệt độ bay hơi của andehit. Andehit có độ sôi thấp, chỉ có khoảng 20oC. Do đó để giảm bớt nồng độ andehit bạn có thể làm nóng rượu thì có thể làm cho lượng lớn andehit bốc hơi, như thế sẽ giảm bớt nguy hại cho cơ thể.
– Rượu nên được ngâm ủ, chôn dưới đất để càng lâu càng tốt. Đồng thời nên đựng rượu vào chum sành vì khí andehit có thể dễ dàng thoát ra ngoài hơn là các bình sứ tráng men, bình thủy tinh. Chúng ta thường được khuyên không nên đựng nước lọc vào chai nhựa để uống do đó cũng không nên dùng can nhựa để ngâm, đựng rượu lâu ngày vì cồn trong rượu có thể tác dụng với can nhựa tạo ra một số chất không có lợi cho sức khỏe.