Bệnh đau mắt đỏ đang có tốc độ lây lan khá nhanh ở cả miền Bắc và miền Nam, số ca bệnh nhân nhiễm đau mắt đỏ tăng đột biến, đặc biệt trong thời điểm cuối hè sang thu. Hiện tại, dịch đau mắt đỏ không những không thuyên giảm mà ngày càng lan rộng hơn khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Vậy, có cách nào để phòng ngừa đau mắt đỏ hiệu quả?
Mục lục
Bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc, là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa.
Nguyên nhân
- Do vi khuẩn.
- Do virus…
Triệu chứng
- Mắt đau, cộm, cảm giác như cát trong mắt.
- Chảy nước mắt và có nhiều gỉ, sáng ngủ dậy gỉ làm mi mắt dính chặt
- Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ.
- Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai…
- Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ , nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em)…
Bệnh đau mắt đỏ (Ảnh minh họa)
Thời gian bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh nhất
- Từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.
- Thời điểm thời tiết giao mùa.
Bệnh đau mắt đỏ lây truyền như thế nào?
- Lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân như: Khăn mặt, chậu rửa mặt…
- Lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, nước nhiễm khuẩn (bể bơi, hồ bơi…)
- Với những trường hợp đau mắt do vi rus, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp.
Bệnh đau mắt lây nhiễm qua nguồn nước nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
- Khi bệnh nhân đã khỏi đau mắt vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần…
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần thận trọng nhất là trong các đợt dịch, có biện pháp chuẩn bị sẵn.
1. Vệ sinh cá nhân
- Không dụi mắt bằng tay.
- Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng.
- Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.
- Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (sáng, trưa, tối).
- Súc miệng nước muối thường xuyên.
Lưu ý:
- Tránh đến nơi đông người, đặc biệt là nguồn dịch.
- Hạn chế bơi lội trong giai đoạn phát dịch.
2. Lưu ý khi xúc với người bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, nếu công việc buộc phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang đề phòng lây lan.
- Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh trong thời gian đau mắt đỏ và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần.
Nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày để đề phòng lây nhiễm bệnh (Ảnh minh họa)
- Đeo kính để hạn chế lây nhiễm, chắn bụi, virus.
- Uống thật nhiều nước để thải độc tố trong cơ thể.
3. Chăm sóc khi bị đau mắt đỏ
- Cần nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa.
- Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, chất tiết và gỉ mắt, làm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu.
- Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại.
- Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.
- Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa.
- Rửa tay sau khi tra thuốc mắt.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
- Nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học, không đưa trẻ đến nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.
Chữa bệnh đau mắt đỏ
Nhỏ nước muối sinh lý 0,9% (có tác dụng rửa trôi mầm bệnh, chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát)
Uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ nhãn khoa.
- Hiện chưa có thuốc diệt virut gây đau mắt đỏ, các thuốc đang có hiện nay như acyclovir, zovirax… chỉ có tác dụng hạn chế sự sinh sôi của virus.
- Đối với kháng sinh chỉ nên dùng kháng sinh tra, nhỏ tại chỗ, kháng sinh phổ rộng để phòng ngừa nhiễm trùng cơ hội trên bệnh nhân đau mắt đỏ.
- Chỉ nên dùng một trong các loại kháng sinh sau đây: tobramycine 0.3% (tobrex, toeycine), quinolone (oflovid, okacin, vigamox), neomycine và polymycine B (cebemycine)…
Lưu ý:
Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc điều trị mà phải đi khám và chữa bệnh theo sự chỉ định của bác sỹ nhãn khoa.
Thống kê số bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Viện mắt Trung ương Hà Nội
Trong 2 tuần cuối của tháng 8, số bệnh nhân đến khám và điều trị từ 1.500 – 2.000 người.
Bệnh viện Mắt TP HCM
Trong tháng 8, có khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị.
Ý kiến của chuyên gia nhãn khoa
Bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)
“Đau mắt đỏ là một loại bệnh mà phòng bệnh tốt và đơn giản hơn nhiều chữa bệnh. Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do nhiễm trùng, nhưng đa phần là do virus.
Bác sỹ Hoàng Cương khám và điều trị cho bệnh nhân
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường: qua hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật của nguồn bệnh, qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng…
Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, hâm hấp sốt, đau họng, ho, tai xuất hiện hạch (có thể). Đặc biệt, mắt cảm thấy nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt, nhất là sau khi ngủ dậy mắt khó mở vì nhiều gỉ quanh mắt.
Hiện tại, đau mắt đỏ không có thuốc đặc trị, chỉ có thể dựa vào chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau 6-10 ngày, virus sẽ tự hết, người bệnh mới có khả năng khỏi. Vì vậy, tốt nhất, người dân nên áp dụng tốt các biện pháp phòng để tránh mắc bệnh và gặp khó khăn khi điều trị.”
Lời kết
Đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, lao động….của người bệnh.
Để đề phòng đau mắt đỏ, mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày, đeo kính, khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh…và đặc biệt cần nâng cao hệ miễn dịch bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả và tập thể dục hàng ngày.
Tuy nhiên, khi thấy có triệu chứng đau mắt đỏ như: mắt đau, sưng đỏ, kèm nhèm, có gỉ…cần đi khám để điều trị kịp thời. Sau một tuần, nếu không thấy bệnh tiến triển tốt hơn thì phải đi khám lại để phòng biến chứng xấu ảnh hưởng đến thị lực sau này.