Mặc dù không phổ biến như các loại trà đen, trà xanh nhưng thời gian gần đây trà atiso đỏ (hoa bụp giấm) được nhiều người sử dụng bởi những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trà atiso đỏ cũng có những điều kiêng kỵ mà người dân cần nắm rõ.
Mục lục
Cùng Benh.vn tìm hiểu kỹ hơn về loại trà này nhé.
Tác dụng của cây atiso đỏ
Trà astiso đỏ (hibiscus), được làm từ phần đài hoa của cây Hibiscus (còn có tên là Bụp giấm, Atisô đỏ, Hồng hoa), có màu đỏ sẫm, vị ngọt hơi chua, và có thể uống nóng hoặc lạnh.
Cây Hibiscus (Hibiscus Sabdariffa) thuộc họ dâm bụt, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và Đông Nam Á, được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiều bộ phận của cây được dùng làm thực phẩm hoặc làm thuốc.
Phần của cây atiso bảo vệ và nâng đỡ hoa được gọi là đài hoa. Người ta sử dụng đài hoa khô để chế biến thành trà atiso đỏ và được phân loại là trà thảo dược. Trà thảo dược được làm từ nhiều loại thực vật, cây thuốc và gia vị khác nhau.
Lợi ích sức khỏe của trà atiso đỏ
Ở các nước châu Phi, trà atiso đỏ được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể, điều trị bệnh tim, và làm dịu đau họng. Ở Iran, loại trà này được sử dụng để điều trị cao huyết áp và cholesterol cao.
Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tờ Journal of Nutrition cho thấy việc tiêu thụ trà atiso đỏ làm giảm huyết áp ở những người có nguy cơ cao huyết áp và những người bị cao huyết áp nhẹ.
Cụ thể, những người uống 3 lần, mỗi lần 240ml trà hibiscus hoặc đồ uống giả dược hàng ngày trong 6 tuần. Kết quả những người uống trà hibiscus thấy giảm đáng kể huyết áp tâm thu, so với những người uống giả dược.
Tương tự, một phân tích tổng hợp các nghiên cứu công bố năm 2015 cũng cho thấy uống trà hibiscus làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương. Một nghiên cứu công bố năm 2011 đã so sánh kết quả của việc uống trà hibiscus với trà đen đối với mức cholesterol. 90 người có cholesterol cao đã uống hibiscus hoặc trà đen hai lần một ngày trong 15 ngày.
Sau 30 ngày, cả hai nhóm đều không có sự thay đổi có ý nghĩa về LDL hoặc mức cholesterol “xấu”. Cả hai nhóm đều tăng cholesterol toàn phần và HDL tốt “đáng kể”, tuy nhiên các nghiên cứu khác cho kết quả chưa thống nhất. Một tổng kết công bố vào năm 2013 thấy rằng uống trà hibiscus không làm giảm đáng kể mức cholesterol.
Ngoài kết quả trên, những nghiên cứu khác bao gồm một tổng kết năm 2014 về một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy uống trà hibiscus hoặc chiết xuất hibiscus làm tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và triglyceride.
Những điều cần kiêng kỵ khi sử dụng trà Astiso đỏ
Một tổng kết các nghiên cứu năm 2013 cho thấy chiết xuất hibiscus ở liều rất cao có thể gây tổn thương gan. Báo cáo này cũng cho biết chiết xuất atiso đỏ tương tác với hydrochlorothiazide (thuốc lợi tiểu) ở động vật và acetaminophen ở người, do đó những người uống trà trà atiso nên báo cho bác sĩ biết vì một số loại thảo dược có khả năng tương tác với thuốc.
Không chỉ vậy, một số nguồn tin khác cũng cho thấy uống atiso đỏ không an toàn cho những người đang dùng chloroquine, một loại thuốc sốt rét vì hibiscus có thể làm giảm tác dụng của thuốc trong cơ thể. Những người bị bệnh tiểu đường hoặc đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp nên theo dõi mức đường máu và huyết áp khi dùng hibiscus vì nó có thể làm giảm đường trong máu hoặc huyết áp. Đặc biệt, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên uống trà atiso đỏ.