So sánh với các thập kỷ trước đây, chiều cao của người Việt Nam đã đạt được những con số ấn tượng. Theo các chuyên gia, ngoài các yếu tố di truyền, ít ông bố bà mẹ nào biết thời điểm vàng để tăng chiều cao cho con trẻ.
PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết có 2 quan điểm đối nghịch khi nói về yếu tố tác động đến chiều cao của trẻ.
Một quan điểm cho rằng chiều cao của trẻ do di truyền và các yếu tố trước sinh, quan điểm còn lại cho rằng do tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Để phân tích về vấn đề này, PGS Tuyên chia sẻ”Thực tế hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất, sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh, đặc biệt là dinh dưỡng”.
Trong đó chiều cao cơ bản do di di truyền nhưng nếu các điều kiện về dinh dưỡng và môi trường không thỏa mãn thì mức phát triển sẽ không tương xứng với tiềm năng di truyền.
Thời gian 1.000 ngày đóng vai trò quyết định
PGS phân tích, y học hiện đại thừa nhân, các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu đời đóng vai trò quyết định với chiều cao của trẻ sau này.
1.000 ngày tính từ thời điểm thụ thai cho đến khi 2 tuổi. Trong đó chia nhỏ làm 3 giai đoạn: 9 tháng mang thai, 1 năm đầu đời và 365 ngày năm thứ 2.PGS Tuyên nhấn mạnh đây là giai đoạn cần can thiệp tích cực để người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được”. Đặc biệt đối với trẻ em, WHO công nhận, chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành.
Cụ thể, nếu một trẻ 3 tuổi bị thấp còi nặng, chỉ cao 81,2cm thì đến khi trưởng thành chỉ cao tối đa 158cm (dù được chăm sóc tốt về sau). Trẻ thấp còi nhẹ lúc 3 tuổi cao 89,3cm thì sau này chỉ đạt đến tối đa 167,3cm và 1 trẻ bình thường lúc 3 tuổi cao 94,5cm thì sẽ đạt đến 170,9cm.
Trong 1.000 ngày vàng đó phải kể đến vai trò của sữa mẹ – nguồn dinh dưỡng quý giá và là vắc xin tự nhiên đầu đời bảo vệ sự sống hiệu quả nhất.PGS Tuyên thông tin”Các nghiên cứu khoa học nghiêm túc chỉ ra rằng sữa bò (sữa công thức) là thủ phạm của nhiễm trùng, tiêu chảy và làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ dưới 1 tuổi (tỉ suất chết sơ sinh-IMR cao hơn 12 lần so với nhóm nuôi con bằng sữa mẹ)”.
Vậy, cần can thiệp gì ở 1.000 ngày đầu tiên?
Trong giai đoạn mang bầu, các thai phụ cần giảm thiểu tình trạng thiếu năng lượng diễn ra kéo dài, điều này có thể giúp giảm 1/3 nguy cơ bệnh tật cho thai nhi. Lưu ý các phụ nữ mang thai ăn uống đa dạng, uống đủ các vi chất cần thiết và nghỉ ngơi hợp lý.
Khi chào đời, trẻ phải được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Không cần cho trẻ ăn/uống thêm các loại đồ ăn/thức uống khác, kể cả nước trắng.Từ tháng thứ 7, trẻ cần được ăn thêm đủ các thức ăn sệt và đặc đảm bảo chất lượng và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi để trẻ tiếp tục phát triển khỏe mạnh.
Theo đánh giá, ở Việt Nam, gần 50% bậc cha mẹ mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm quá sớm và thường không đủ chất.Điều đó có nghĩa là trẻ không được ăn đúng và đủ các loại thực phẩm cần thiết (giàu sắt, đạm động vật, rau củ quả, sữa, ngũ cốc và dầu thực vật) dẫn đến hậu quả thấp, lùn. Ngoài ra cũng cần luyện tập thể thao để tăng sự dẻo dai và sức bền cho cơ thể.
Suckhoecuocsong.com.vn