Mùa hè nền nhiệt cao, thời tiết nóng bức, khó chịu dẫn đến các bệnh về da, đặc biệt là rôm sảy khiến trẻ ngứa ngáy, quấy khóc, giảm cân… Điều trị và phòng tránh rôm sảy thông thường không khó nhưng nếu để phát triển thành mụn nhọt việc điều trị sẽ khó khăn hơn và có thể dẫn đến những biến chứng…
Mục lục
Tổng quan về rôm sảy trẻ em
Nguyên nhân gây rôm sảy
Rôm sảy gây bệnh chủ yếu ở trẻ em và ở 1/3 người trưởng thành sống trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.
Nguyên nhân chính do thời tiết nóng bức, mồ hôi tiết ra nhiều nhưng không thoát được hết và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da. Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều mẩn nhỏ lấm tấm màu hồng.
Triệu chứng rôm sảy
- Ở trẻ em, rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể ở kẽ nách, háng…
- Ở người lớn, rôm sảy phát triển ở các nếp gấp của da và những vị trí cọ sát của quần áo.
Rôm sảy dẫn đến các biến chứng nguy hiểm gì?
Thông thường, khi thời tiết mát mẻ, hiện tượng rôm sảy sẽ tự động mất đi và không gây tác hại gì. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, rôm sảy sẽ chuyển biến thành mụn mủ và nhọt, chủ yếu là ở những trẻ không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, da bị xây xước và nhiễm trùng.
Nếu không được điều trị và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trẻ còn có nguy cơ bị viêm da mãn tính (da không tiết mồ hôi) hoặc viêm cầu thận cấp (tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm).
Các dạng rôm sảy trẻ em
Miliaria crystallina (Rôm sảy kết tinh)
Đây là dạng nhẹ của rôm sảy, ảnh hưởng đến ống tuyến mồ hôi ở lớp sừng (stratum corneum), lớp ngoài cùng của da.
Miliaria crystallina biểu hiện bởi những mụn nước nông, nhỏ, trong, và những sẩn dễ vỡ nhưng không ngứa, không đau. Các sang thương này có thể tự biến mất sau vài ngày nhưng có thể tái phát khi khí hậu nóng-ẩm trở lại.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể có ở người lớn, nhất là trong những trường hợp di chuyển đột ngột từ vùng khí hậu ôn đới sang vùng khí hậu nhiệt đới.
Miliaria rubra (Rôm sảy đỏ)
Xảy ra ở vị trí sâu hơn trong lớp thượng bì (epidermis) của da. Miliaria rubra gây ra những sẩn đỏ có cảm giác đau nhói và ngứa nhiều.
Thường có ít hay không có mồ hôi (anhidrosis) ở vùng da bị ảnh hưởng. Người lớn có thể bị miliaria rubra một thời gian ngắn sau khi vào vùng có khí hậu nóng nhưng sang thương cũng có thể xuất hiện sau phơi nhiễm nóng nhiều tháng.
Trẻ em thường bị rôm sảy dạng này trong khoảng thời gian từ 1-3 tuần sau sinh.
Miliaria profunda (Rôm sảy sâu)
Đây là dạng rôm sảy ít gặp, xảy ra chủ yếu ở những người lớn đã bị nhiều đợt rôm sảy đỏ. Bệnh gây ảnh hưởng ở lớp bì (dermis) là lớp sâu hơn của da và xuất hiện sớm sau khi vận động hay các hoạt động làm đổ nhiều mồ hôi.
Các sang thương rôm sảy sâu thì chắc và có màu thịt giống thịt ngỗng. Mặc dù không gây khó chịu nhiều, miliaria profunda có thể gây tình trạng không có mồ hôi lan rộng đưa đến hội chứng kiệt sức do nóng:chóng mặt, buồn nôn, mạch nhanh.
Phương pháp phòng tránh rôm sảy trẻ em
Chế độ vệ sinh phòng tránh rôm sảy trẻ em
- Tắm cho trẻ mỗi ngày để giữ da luôn sạch sẽ, mồ hôi bài tiết dễ dàng.
- Sử dụng nước mát để tắm và tắm bằng sữa tắm chuyên dùng cho trẻ, tránh các loại sữa tắm có độ kiềm lớn, gây khô da.
Dùng một số loại thảo dược như mướp đắng để tắm cho trẻ cũng rất tốt, có tác dụng phòng rôm sảy.
Trang phục và chế độ dinh dưỡng góp phần phòng rôm sảy trẻ em
- Cho trẻ mặc những quần áo bằng chất liệu mỏng, rộng rãi và nhạt màu; tốt nhất là nên chọn các loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi và tránh các loại vải dày, vải nylon bí mồ hôi.
- Khi đưa trẻ ra ngoài, nên cho mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và thoa kem chống nắng cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ uống đủ nước, ăn nhiều các vitamin có trong rau xanh, trái cây tươi và hạn chế các thức ăn quá ngọt như: chocolate, kẹo bánh…
Chế độ sinh hoạt
- Tạo cho trẻ một môi trường và chế độ sinh hoạt hợp lý.
- Phòng của trẻ nên thoáng mát, rộng rãi.
- Hạn chế cho trẻ đến những nơi hội họp đông người, không khí nóng ngột ngạt.
- Không nên để trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10h – 16h.
- Hạn chế trẻ gãi lên da bị rôm sảy, dễ gây trầy xước làm nhiễm trùng da…
Lời kết
Rôm sảy là bệnh về da thường gặp trong những ngày hè gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi trẻ bị rôm sảy, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh thân thể cho con, tránh tình trạng bít tắc da trẻ hoặc tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm da phát triển mạnh hơn. Ngoài ra, có thể sử dụng một số mẹo dân gian như: dùng mướp đắng, gừng tươi, lá dâu tằm… để tắm hoặc bôi lên các vết rôm cho trẻ.
Tuy nhiên, nếu thấy trẻ ngứa nhiều, có hiện tượng mọc mủ, nhiễm trùng cần đưa trẻ đến các chuyên khoa da liễu để thăm khám và điều trị kịp thời.